Quản lý thực phẩm chức năng: Cần tăng cường khâu hậu kiểm

Theo baocongthuong.com.vn

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Lợi dụng lỗ hổng trong quản lý, sự buông lỏng hậu kiểm, hoặc do thủ tục cấp giấy chứng nhận đơn giản... không ít doanh nghiệp đã qua mặt, lừa dối cơ quan chức năng để đưa ra thị trường những sản phẩm TPCN giả, kém chất lượng.

Trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm chức năng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm chức năng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vi phạm nhiều

Trong tháng 9 và tháng 10/2016, trên địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện, thu giữ khối lượng lớn sản phẩm TPCN không rõ nguồn gốc. Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 7 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp với Đội 6 PA 81 (Công an TP. Hà Nội) đồng loạt kiểm tra 6 địa điểm sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại SLIM HMN Việt Nam.

Qua đó đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm chức năng giả có các nhãn hiệu đang được tiêu thụ phổ biến trên thị trường như Royal Jelly, Glucosamin USA, Glucosaminesit, Plus min USA, Shark cartilage, HMN Collagen USA, Pita wall Vitamin, Collagen L-ghitathione… Các hộp thực phẩm này đã được đóng gói hoàn chỉnh và dán tem nhập khẩu, ghi sản phẩm chính hãng. Lực lượng chức năng cũng phát hiện 1.937kg vỏ hộp, tem nhãn các loại, 280 vỏ nhựa, 900 lọ nhựa không nhãn mác ghi thông tin sản phẩm có xuất xứ tại Mỹ, Đức…

Tiếp đó, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với cảnh sát môi trường đã đồng loạt kiểm tra kho hàng tại số 47, ngõ 259 phố Vọng, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện, thu giữ hàng trăm hộp TPCN không rõ nguồn gốc, trên nhãn phụ ghi TPCN bảo vệ sức khỏe giúp săn chắc cơ bắp, giảm mỡ, tăng thể lực trong các hoạt động thể thao...

Trước thực trạng trên, ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP. Hà Nội cho biết, cách thức sản xuất và tiêu thụ TPCN giả của các đối tượng rất tinh vi. Chúng thường lập công ty có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh, đối tượng lập tức cho dán nhãn mác giả và đưa ra thị trường.

Về phía Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cũng cho biết, khi doanh nghiệp công bố chất lượng sản phẩm TPCN phải có hồ sơ công bố nghiên cứu đánh giá hiệu quả, chứ không thể tùy tiện liệt kê công dụng. Nhưng thực tế, thời gian qua, Cục ATTP đã xử phạt không ít doanh nghiệp kinh doanh TPCN khi quảng cáo đã thổi phồng công dụng hoặc quảng cáo không đúng nội dung được Cục ATTP xác nhận... Thậm chí, có những cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN cố tình sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm giả để đánh lừa cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng. 

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, từ cuối tháng 9 đến tháng 10/2016, Cục ATTP đã ban hành 3 quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Ruta Việt Nam, Công ty cổ phần Dược liệu & Vật tư y tế Hải Phòng và Công ty Viko 8 - Pháp vì sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm giả khi công bố các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cùng với việc xử phạt hành chính mỗi công ty 30 triệu đồng, Cục ATTP đã ra quyết định thu hồi giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đối với các sản phẩm TPCN.

Tăng cường hậu kiểm

Qua thực tế kiểm tra cho thấy, khâu hậu kiểm, kiểm soát chất lượng TPCN là khó nhất. Một phần do thiếu thiết bị kiểm tra, một phần do TPCN thuộc chuyên ngành lĩnh vực y tế nên khi kiểm tra chỉ có thể tin tưởng vào giấy tờ lô hàng, nguồn gốc xuất xứ chứ không thể nhận biết chất lượng bằng cảm quan. Một vấn đề nan giải nữa là việc kiểm soát TPCN xách tay rất khó vì giao dịch chủ yếu trên mạng và bán chuyền tay. 

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, việc kiểm soát vẫn rất khó khăn do lợi nhuận kinh doanh lĩnh vực TPCN rất cao, trong khi mức xử phạt các vi phạm lại chưa đủ sức răn đe. Hiện nay hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến nhiều bất cập và nguy cơ. Điều kiện sản xuất chưa được quy định cụ thể, mà chung chung là sản xuất thực phẩm.

Để có những giải pháp cụ thể siết chặt TPCN, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam lưu ý, lâu nay TPCN không phải là thuốc, nên chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng sản phẩm và không kiểm nghiệm lâm sàng như thuốc. Trong khi đó, một bộ phận người dân lại coi TPCN là thuốc. Vậy nên, “các cơ quan chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn về TPCN, khi đó mới có thể kiểm soát được”, ông Đáng nhấn mạnh.

Để "mạnh tay” với những vi phạm trong quản lý TPCN, ông Nguyễn Thanh Phong, khẳng định, Bộ Y tế đang chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm, không thực hiện đúng việc công bố chất lượng sản phẩm cũng như quy định ghi nhãn mác sẽ bị xử lý nghiêm.

“Cục đã yêu cầu các địa phương khi thanh tra, kiểm tra ATTP đều phải lấy mẫu tại đơn vị công bố sản phẩm, thực hiện kiểm nghiệm mẫu. Kiên quyết tạm dừng lưu thông, thu hồi trên thị trường hàng hóa có mẫu không đạt chất lượng”, ông Phong nói.

Bên cạnh những biện pháp trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong vấn đề xử lý vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, cụ thể là phải thu hồi giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc phối hợp với cơ quan công an để xử lý nếu quảng cáo gây thiệt hại cho xã hội, người tiêu dùng.