Sập “bẫy” giấy tờ giả

Theo thoibaonganhang.vn

Cơ quan công an đã phá được hai băng nhóm có hành vi lừa đảo bằng giấy tờ giả mạo. Điều đáng nói, những đối tượng này chính là các cộng tác viên của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Liên tiếp trong thời gian tháng 9, tháng 10 vừa qua, Công an thị xã Thuận An, Bình Dương đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và làm giả giấy tờ con dấu.

Theo đó, cơ quan chức năng đã bắt tạm giam Đinh Hoàng Thư (25 tuổi) đối tượng cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ để lừa đảo; Ngô Thành Tâm (26 tuổi); Đặng Phan Quốc Khải (26 tuổi); và Trần Hoàng Thuận (22 tuổi) để điều tra về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra ban đầu, Thư và Tâm là nhân viên hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn của một công ty cho vay tài chính tiêu dùng tại Bình Dương. Trong quá trình làm việc, thấy nhiều người có nhu cầu vay tiền nhưng không được duyệt do thiếu giấy tờ, nên hai đối tượng này đã nảy sinh ý định làm giả giấy tờ để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn cho khách.

Thư và Tâm thỏa thuận với khách hàng, mỗi hồ sơ giả mạo nếu được duyệt vay, thì khách sẽ phải trả 2-3 triệu đồng, thậm chí có trường hợp lên tới 5-7 triệu đồng. Thư và Tâm làm giả các bảng lương, xác nhận thu nhập của công ty, bảng xác nhận sao kê chuyển khoản… cho người có nhu cầu để có thể mua hàng trả góp ở các siêu thị, cửa hàng. Với cách thức đó, nhiều siêu thị điện máy đã bị “qua mặt”, cho phép khách hàng thu nhập không rõ ràng mua trả góp tài sản có giá trị như xe gắn máy, điện thoại di động.

Tương tự, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam đường dây do Nguyễn Hữu Trí (23 tuổi) cầm đầu, làm giả giấy sao kê ngân hàng, giấy xác nhận lương, xác nhận công tác…

Tại cơ quan điều tra, Trí khai nhận từ tháng 6/2016 tới nay, đã cùng đồng bọn nhận làm giả hàng chục bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng, mua đồ trả góp, và đã mua được nhiều tivi, điện thoại di động… Thậm chí, có hồ sơ mua trả góp bị làm giả đã được duyệt vay trị giá tới 50 triệu đồng.

Ngoài  việc làm giả hồ sơ cho khách rồi ăn tiền theo phần trăm như trên, các đối tượng thuộc đường dây của Thư và Trí còn làm giả mạo hồ sơ và tự mình đi mua đồ trả góp tại các siêu thị. Tổng số tiền mà các siêu thị bị chiếm đoạt tới gần 60 triệu đồng.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Dũng, Đội trưởng đội cảnh sát điều tra về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an thị xã Thuận An cho biết, các đối tượng trên có hiểu biết về hoạt động cho vay. Trong quá trình tiếp xúc với khách hàng, nếu điều kiện thuận lợi, chúng sẽ sử dụng chứng minh nhân dân của khách hàng rồi dán hình mình vào để làm giả đi mua hàng trả góp. Khi mua được hàng, các đối tượng này bỏ trốn.

Thiếu tá Dũng cũng cho biết thêm, trong các vụ việc trên, các đối tượng thấy cửa hàng bán đồ trả góp, cũng như các đơn vị cho vay tài chính cho vay trên dưới 10 triệu đồng thường có thủ tục đơn giản, dễ dàng, việc thẩm định hồ sơ liên quan cũng không khắt khe.

Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo, các đơn vị cho vay tiêu dùng phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về hồ sơ xin vay, tránh trường hợp bị lợi dụng lừa đảo.