Siết chặt an toàn thực phẩm

Theo Thanh Thanh/baocongthuong.com.vn

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018, các cơ quan chức năng đã và đang tích cực triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Trong và sau Tết Nguyên đán 2018, các cơ quan chức năng đã và đang tích cực triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Nguồn: Internet
Trong và sau Tết Nguyên đán 2018, các cơ quan chức năng đã và đang tích cực triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Nguồn: Internet

Lo ngại ngộ độc thực phẩm 

Những ngày gần đây, liên tiếp thông tin về vi phạm an toàn thực phẩm khiến người tiêu dùng lo ngại. Điển hình như việc lực lượng chức năng TP. Hà Nội phát hiện cơ sở bơm tạp chất vào tôm; Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Công an thành phố phát hiện 4 tấn hương liệu, phụ gia như trà, siro hoa quả, trà sữa… không có bao bì, nhãn phụ, hạn sử dụng, nơi sản xuất; Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Tổ công tác, Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra xe ôtô tải đang lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, TP. Bắc Ninh, phát hiện trên xe có chứa gần 850 kg mỡ và lòng lợn đang trong quá trình phân hủy...

Dự báo, từ nay đến Tết Mậu Tuất 2018 cũng như sau đó vào mùa lễ hội, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Trong khi đó, chợ vẫn là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thị trường sẽ dẫn đến tăng giá cũng như trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng và gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Kiểm soát chặt 

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội 2018, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã thành lập 6 đoàn kiểm tra, gồm: Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý thị trường, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và một số đơn vị liên quan… kiểm tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố (Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Kiên Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng), từ ngày 20/1 đến 5/2/2018. 

Các đoàn tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm như: thịt, sản phẩm từ thịt; bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, phụ gia thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống. 

Mở đầu đợt kiểm tra, Đoàn công tác Bộ Y tế vừa kiểm tra một số cơ sở trên địa bàn TP. Hà Nội như tại làng nghề Xuân Đỉnh và Khu công nghiệp Nam Thăng Long. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác an toàn thực phẩm đã có chuyển biến song theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập huấn cho chủ cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ về an toàn thực phẩm… Đối với cơ sở vi phạm, cần công bố công khai. 

Là địa phương tập trung nhiều chợ đầu mối và người dân sinh sống, UBND TP. Hà Nội đã có quy định giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các địa phương, trong đó, Chủ tịch UBND phường, xã phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 1 lần/tuần, Phó Chủ tịch UBND phường, xã phải trực tiếp đi kiểm tra 2 lần/tuần…

TP. Hồ Chí Minh cũng thành lập 12 đoàn kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn; Tăng cường tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc an thần trong giết mổ gia súc; Lấy mẫu xét nghiệm khi có dấu hiệu vi phạm chất lượng vệ sinh thực phẩm.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương tổng kết và nộp báo cáo việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán trước ngày 1/3/2018.