Siết quản lý thực phẩm chức năng

Theo daibieunhandan.vn

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, hiện nay thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) phát triển mạnh, song công tác quản lý còn nhiều hạn chế do thiếu các chế tài đủ mạnh nên nhiều loại TPCN kém chất lượng đánh lừa người tiêu dùng. Do vậy cần thiết phải xây dựng Nghị định trong đó quy định chế tài xử phạt nghiêm và kiểm soát giá để quản lý loại sản phẩm này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chế tài chưa đủ mạnh

Thống kê chưa đầy đủ của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho thấy, năm 2014, nước ta có 1.062 sản phẩm TPCN mới đăng ký, năm 2015 có 10.493 sản phẩm, từ đầu năm đến 30.9.2016 có 8.008 sản phẩm mới đăng ký, trong đó có 4.855 sản phẩm sản xuất trong nước (chiếm 60,6%) và 3.153 sản phẩm nhập khẩu (chiếm 39,4%).

Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long, tình trạng sản xuất TPCN giả đang diễn biến phức tạp. Năm 2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố; quảng cáo sai công dụng của sản phẩm; sản xuất TPCN không bảo đảm vệ sinh.

Quan điểm của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, trong số hàng chục nghìn sản phẩm bao gồm ba loại: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm đặc biệt dùng cho y tế, cần phải thống kê được bao nhiêu % là thực phẩm bảo vệ sức khỏe để quản lý cụ thể. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe với danh nghĩa thực phẩm hỗ trợ điều trị để bán hàng, cung cấp thông tin sai lệch, thậm chí có hành vi lừa đảo người tiêu dùng.

Cần có nghị định quản lý thực phẩm chức năng

Theo các chuyên gia, dù TPCN phát triển “nóng” như vậy song việc quản lý vẫn đang còn khoảng trống nhất định. Do vậy, cần có một nghị định riêng về TPCN để quản lý tốt sản phẩm này. Cho dù đã có nhiều văn bản quản lý liên quan đến sản phẩm TPCN, tuy nhiên, có nhiều bất cập trong thực tiễn khi có những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ Y tế khiến lĩnh vực này chưa được quản lý chặt chẽ.

Bàn về xây dựng khung pháp lý quản lý TPCN, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng, đã đến lúc cần thiết ban hành một Nghị định riêng để quản lý TPCN. Nghị định phải đưa những chế tài xử phạt thật nặng cho các hành vi sai trái. Đơn cử như Hàn Quốc, Luật quản lý TPCN của họ phạt tới 2 tỉ đồng hoặc 7 năm tù giam nếu làm sai quy định của Luật.

Theo Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn Y Dược Quốc tế (IMC) Nguyễn Xuân Hoàng, TPCN cần quản lý theo chuỗi giá trị từ đầu vào, từ nguyên liệu theo chuẩn tới việc nghiên cứu, sản xuất, ghi nhãn, phân phối, quảng cáo và nên bổ sung tiêu chuẩn GLP (kiểm nghiệm sản phẩm tốt), GSP (bảo quản tốt). Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp lớn dần lên và lớn đến đâu sẽ chuẩn hóa tới đó để phát huy tiềm năng doanh nghiệp trong nước.

Theo các chuyên gia, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cần đánh giá thực trạng thực hiện các quy định về TPCN và đánh giá một cách bài bản, khoa học và toàn diện về các văn bản quản lý hiện hành, xem điểm nào không phù hợp thực tiễn thì đề xuất sửa đổi, bổ sung. Nếu pháp luật đã đủ chặt chẽ, thì nên tiến hành xem xét trong quá trình tổ chức thực hiện đang vướng mắc ở khâu nào... Trên cơ sở đó, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đủ mạnh nhằm chấn chỉnh và quản lý tốt thị trường TPCN.