Tạm nhập, tái xuất thuốc lá ngoại có nguy cơ thẩm lậu cao

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong năm 2014, tình trạng thuốc lá lậu thẩm thấu vào nước ta đã khiến ngân sách nhà nước bị thất thu 8.000 tỷ đồng. Một điểm nóng trong công tác quản lý thị trường năm 2014 cũng là ngăn chặn mặt hàng này. Theo số liệu thống kê, trong năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 13.400 lượt, xử lý gần 9.000 vụ, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính lên tới 25 tỷ đồng, tịch thu 2 triệu bao thuốc lá các loại...

Hiện một số địa phương vẫn áp dụng hình thức tạm nhập tái xuất đối với thuốc lá nhập lậu. Nguồn: internet
Hiện một số địa phương vẫn áp dụng hình thức tạm nhập tái xuất đối với thuốc lá nhập lậu. Nguồn: internet
Năm 2014, số lượng thuốc lá nhập lậu tăng 30 - 40%, diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh biên giới như: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, Quảng Trị, và trên cung đường vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh.

Trong đó, miền Tây Nam bộ tăng 45%, còn thành phố Hồ Chí Minh tăng 40% và cho đến thời điểm này đã lan ra hầu hết các tỉnh trên toàn quốc. Sở dĩ, thuốc lá lậu vào thị trường nước ta, nhất là dịp cuối năm do mức chênh lệch về giá bán với thuốc lá sản xuất trong nước từ 3.500 - 10.000 đồng/bao.

Ngoài các con đường mòn, lối mở bên cạnh cửa khẩu thì hàng thuốc lá lậu ngang nhiên đi qua cửa khẩu bằng cách lợi dụng chính sách cho phép cư dân được mang hàng hóa trị giá 2 triệu đồng/ngày mà không phải nộp thuế.

Do vậy cánh buôn lậu cứ thuê người dân biên giới mua, rồi thu gom. Điều đáng quan tâm nữa là, hiện một số địa phương vẫn áp dụng hình thức tạm nhập tái xuất đối với thuốc lá nhập lậu, đã vô tình làm cho thuốc lá lậu có đất sống ở thị trường trong nước, chính sách này cần phải được sửa đổi.

Thuốc lá lậu đang làm thất thu cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng do trốn nhiều loại thuế, như thuế nhập khẩu 135%, thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế VAT 10%... Và hệ lụy của thuốc lá đối với sức khỏe của người tiêu dùng, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế là không nhỏ.

Cụ thể năm 2014, thuốc lá lậu đã làm giảm sản lượng tiêu thụ hơn 20%, mất 30% thị phần, hàng trăm nghìn lao động mất việc làm, thất thu ngân sách nhà nước hàng năm tới 8.000 tỷ đồng. Tình trạng nhập lậu thuốc lá ngang nhiên, trái phép là thách thức đối với lực lượng chức năng về bảo đảm an ninh trật tự.

Bộ Công thương đang chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường 36 tỉnh, thành phố thực thi quyết liệt Chỉ thị 30 của Chính phủ, kiểm tra tất cả các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá nhập lậu. Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, rà soát các tụ điểm, đầu nậu tàng trữ thuốc lá nhập lậu.

Là một trong những địa phương nóng về buôn lậu thuốc lá ở các tỉnh phía Nam, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang khẳng định, sẽ tổ chức tuyên truyền các văn bản quy định của pháp luật đối với hoạt động thương mại và công thương đến các cơ sở kinh doanh, qua đó vận động họ ký cam kết. Lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật.

Thuốc lá lậu trốn thuế, không in cảnh báo sức khỏe, không phải trích Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, nên được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ ngày càng nhiều và ngày càng tăng. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất, Bộ Công thương dừng các hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất thuốc lá ngoại, vì nguy cơ tái thẩm lậu là rất cao.

Thực tế, các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngoại chủ yếu lợi dụng nguồn thuốc lá tạm nhập tái xuất đưa vào các kho ngoại quan để làm thủ tục tái xuất đi Trung Quốc. Trong quá trình tái xuất, các đầu nậu tìm cách đưa lên tàu cao tốc chở lậu về vùng biển Hải Phòng hoặc sang Móng Cái, Quảng Ninh để tiếp tục vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ.

Và bên cạnh việc tăng cường trang thiết bị và nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng chống buôn lậu, thì số tiền thu được vào Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cần được sử dụng hiệu quả và phải có một phần dành cho lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu thuốc lá. Có như vậy, công tác này mới đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.