Thu hồi xe quá đát: Liệu có khả thi?

Theo baochinhphu.vn

Với mật độ giao thông lớn và mức độ phát thải gây ô nhiễm môi trường của các phương tiện giao thông cơ giới làm cho chất lượng không khí ở Hà Nội đã lên tới mức báo động. Do đó, Hà Nội đang lên kế hoạch thu hồi các xe quá đát. Nhưng liệu việc làm này có khả thi?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều ý kiến trái chiều

Những người khi tham gia giao thông ở Thủ đô Hà Nội không hiếm khi gặp những chiếc xe máy quá đát chạy trên đường phố xả khói mù mịt, tiếng kêu inh ỏi, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các phương tiện giao thông khác.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ nghiên cứu phương án để thu hồi xe máy quá cũ, nát, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Dự kiến, sẽ trình lên HĐND Thành phố vào kỳ họp tháng 6/2017, sau đó sẽ trình Chính phủ.

Hiện Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô các loại đang lưu hành. Trong đó có 2,5 triệu xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng giờ vẫn tham gia giao thông. Từ những số liệu này, có thể thấy các loại xe “hết đát” là một phần tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến trái chiều nên hay không nên thu hồi xe hết đát. Anh Nguyễn Văn Quang (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi khi đi làm về, đứng chờ đèn đỏ mà gặp những chiếc xe này thì thật không chịu nổi khi mùi khói, xăng xộc thẳng vào mặt, khiến tôi có cảm giác mệt mỏi hơn. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp cho vấn đề này".

Nhưng trái với ý kiến trên, anh Đỗ Văn Hân (Thanh Trì, Hà Nội) lại cho rằng, hiện đa số các xe máy cũ đều được chuyển về khu vực nông thôn, hoặc đối tượng sử dụng đều là những người nghèo. Do đó nếu có quy định về thu hồi xe quá đát sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của những đối tượng này.

“Nhiều gia đình không có đủ điều kiện để mua xe mới, họ thậm chí chỉ có chiếc xe máy cũ để đi kinh doanh, đi làm ăn. Nếu bị thu hồi thì việc kiếm “miếng cơm manh áo” của những người này thật là khó khăn”, anh Hân băn khoăn.

Liệu có khả thi?

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, việc Hà Nội lên kế hoạch thu hồi hơn 2,5 triệu xe máy quá đát là một chủ trương đúng nhằm cải thiện môi trường sống, giảm áp lực giao thông cho nhân dân nội đô. Tuy nhiên, việc làm này rất khó thực hiện bởi quy trình tiến hành sẽ phức tạp từ việc xác định thế nào là xe cũ nát, xe thuộc sở hữu của ai, cơ quan nào thu hồi.

Ông Liên cho biết, hiện nay pháp luật mới quy định chỉ có ô tô là phải tiến hành đăng kiểm còn lại xe máy không có đăng kiểm, bên cạnh đó xe mô tô, xe máy đang lưu thông xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau, tình trạng xe không chính chủ vẫn phổ biến nên để truy ra được xe thuộc sở hữu của ai để thu hồi là việc nan giải. “Chưa kể, các loại xe máy đang lưu hành hiện nay còn có cả những xe phạm pháp, xe trộm cắp, xe bị các lực lượng chức năng tịch thu đang để trong kho, bãi…”, ông Liên nói.

Hiện nay trong khi giao thông công cộng còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân thì phương tiện cá nhân như xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính của người dân. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng các cơ quan chức năng cần phân định rạch ròi giữa xe cũ nát và xe có tuổi thọ cao bởi có nhiều xe dù hoạt động thời gian dài nhưng do được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên chất lượng khá tốt, song cũng có loại xe dù nhìn có vẻ mới song chất lượng lại không bảo đảm.

Chính vì vậy, ông Bùi Danh Liên cho rằng, các đơn vị có chức năng cần thận trọng trong việc đưa ra quyết định thu hồi xe máy hết đát, đồng thời để việc xử lý diễn ra công bằng, các đơn vị có chức năng cần phải xây dựng các trung tâm kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe máy, từ đó xác định xe nào cần phải thu hồi, xe nào không.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cũng ủng hộ chủ trương của Hà Nội song cho rằng, để thu hồi được xe quá đát thì phải có quy định về niên hạn của xe, nhưng hiện chưa có quy định về niên hạn xe máy nên phải chờ Chính phủ ban hành do vậy Hà Nội chưa thể thực hiện ngay.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, theo Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia hiện rất nhiều nước không ban hành quy định niên hạn đối với xe máy mà tiến hành kiểm soát chất lượng phương tiện, khí thải trong quá trình sử dụng.“Trước khi quy định niên hạn, chúng ta cần thúc đẩy nhanh việc kiểm soát khí thải đối với xe máy thông việc kiểm tra chất lượng kỹ thuật định kỳ”, ông Khuất Việt Hùng nói.