Thực thi quy định về sở hữu trí tuệ: Hướng đi nào cho doanh nghiệp?

Theo Thảo Mộc/daibieunhandan.vn

Mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã có quy định cụ thể trong việc hình sự hóa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với pháp nhân, song dù là biện pháp hình sự hay hành chính, nếu doanh nghiệp không tự nâng cao nhận thức cũng như tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình thì việc bị xâm phạm quyền là điều khó tránh khỏi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Thảo Mộc
Ảnh minh họa. Nguồn: Thảo Mộc

Khẳng định này được đưa ra tại buổi Tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức ngày 18/4. 

Gỡ vướng về quy mô thương mại?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những điểm mới được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự 2015 đã phần nào gỡ vướng khi xử lý hình sự pháp nhân vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đó là quy định về “quy mô thương mại”.

Trưởng phòng Pháp luật Hình sự, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Lê Thị Vân Anh cho biết, trước đây khái niệm “quy mô thương mại” được đưa vào Bộ luật Hình sự là căn cứ để xử lý hình sự đối tượng có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ song đã khiến cơ quan tố tụng “bó tay” vì không có căn cứ nào xác định, khi nào xử lý hành chính, khi nào đạt ngưỡng quy mô để xử lý hình sự.

Bộ luật Hình sự 2015 đã tháo gỡ khó khăn này, khi bên cạnh “quy mô thương mại” còn bổ sung 3 dấu hiệu cấu thành cơ bản như thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho chủ thể quyền và trị giá hàng hóa vi phạm, với định lượng cơ bản, giúp cơ quan chức năng có đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Đồng tình với quan điểm đó, luật sư Phạm Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên doanh cho rằng, rào cản về “quy mô thương mại” vốn bó buộc cơ quan tố tụng, kẽ hở cho nhiều hành vi vi phạm đã được tháo gỡ cùng với việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nếu doanh nghiệp vi phạm đạt ngưỡng đã định lượng thì nguy cơ bị khởi tố không thể tránh khỏi.

Theo Luật sư Trần Mạnh Hùng, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đây là điểm khá tiến bộ và phù hợp với cam kết, đàm phán quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Theo đó, quy mô thương mại theo quan điểm quốc tế được giải thích đơn giản, như đã được thực hiện trong lĩnh vực thương mại, nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc có thu lợi bất chính. Quy mô thương mại cũng có thể được xác định nếu hành vi vi phạm  gây ra hậu quả ở mức độ đáng kể.

“Quy định về quy mô thương mại” trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) sẽ góp phần chống lại tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có bản quyền máy tính - một trong những vấn đề nhức nhối, đáng báo động nhất hiện nay, khi tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm vẫn ở mức 78%” - Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Văn Minh khẳng định.

Doanh nghiệp phải chủ động

Mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã có quy định rõ ràng, cụ thể hơn góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, thế nhưng không phải tất cả mọi hành vi xâm phạm quyền đều cấu thành tội phạm mà chỉ xử lý hình sự nếu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hoặc hàng hóa sao chép, phân phối quyền tác giả và quyền liên quan.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm cho biết, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng, từ nhãn hiệu tới sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích.

Đáng nói là việc xử lý hành vi xâm phạm cũng khá khó khăn, nhất là khi rất nhiều sản phẩm không được sản xuất trong nước, mà từ bên ngoài đi qua con đường biên giới, tiểu ngạch, đường mòn lối mở và việc kiểm soát cũng không hề dễ dàng, khiến cho việc bảo vệ quyền của chủ thể gặp nhiều khó khăn.

Dẫn chứng thêm về những khó khăn trong bảo vệ quyền của chủ thể quyền tác giả và quyền liên quan, luật sư Phạm Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên doanh cho hay, Bộ luật Hình sự 2015 chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi sao chép và hành vi phân phối, thế nhưng quyền tác giả phức tạp hơn rất nhiều, có khi bao gồm cả quyền biểu diễn, quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng, quyền làm cho tác phẩm tái sinh hay những quyền liên quan.

Bên cạnh đó, trên nền tảng viễn thông và internet hiện nay, có không ít tác phẩm ghi âm, ghi hình bị xâm phạm quyền theo các hình thức khác như truyền hình trực tiếp mà không hề tạo ra bản sao tác phẩm cũng như phân phối, vẫn gây ảnh hưởng tới chủ sở hữu là các doanh nghiệp, song hành vi này lại không có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Doanh nghiệp cần phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu khác bên cạnh chế tài về hành chính, dân sự để bảo vệ thích đáng quyền lợi của chính mình. Đồng thời phải chủ động, nắm rõ nội hàm về quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình nhưng cũng không xâm phạm quyền của người khác, tránh bị xử lý hình sự” - ông Phạm Anh Tuấn khuyến nghị.

Dưới góc nhìn khác, luật sư Trần Mạnh Hùng, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đối với chương trình phần mềm máy tính có giá trị và hàm lượng chất xám cao, khi bị xâm phạm, điều mà doanh nghiệp quan tâm hàng đầu là bồi thường thiệt hại, chứ không phải là đưa ra tòa để xử lý hình sự.

Bởi nếu làm đơn tố giác với cơ quan công an, khi xử lý hình sự, bên vi phạm có thể bị phạt tiền từ vài trăm triệu tới hàng tỷ đồng, vô hình trung ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng bồi thường dân sự cho chủ sở hữu.

Nếu doanh nghiệp là chủ sở hữu, cần cân nhắc trong việc áp dụng biện pháp hành chính, hình sự đối tượng vi phạm hay hướng tới chuyện bồi thường thiệt hại. Mỗi doanh nghiệp sẽ có bài toán, hướng đi riêng cho mình.