Thuốc lá nhập lậu: "Cuộc chiến" chưa hồi kết!

Theo Thanh Lê/baocongthuong.com.vn

Trên tuyến biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam, thuốc lá lậu vẫn ồ ạt được đưa vào nội địa; đường biển, hàng không vẫn bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng chuyển hàng với số lượng lớn…

Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Nguồn: Internet
Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Nguồn: Internet

Cam go chống thuốc lá lậu 

Ở các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, Đồng Tháp, mùa nước nổi cuối tháng 7, đầu tháng 8 đồng nghĩa với việc người dân sẽ được mùa. Nhưng với những người làm công tác chống buôn lậu, nước về lớn, cực nhọc lại nhân đôi. Một cựu cán bộ có thâm niên trong công tác chống lậu tại Đồng Tháp bộc bạch: Khi những cánh đồng mênh mông nước, kênh rạch dọc ngang mở ra, cũng chính là thời điểm dân buôn lậu gia tăng hoạt động.

Những tháng cuối năm, là thời điểm thuốc lá nhập lậu từ biên giới Campuchia đổ về. Đồng mênh mông, rừng bạt ngàn, vây chỗ này, đối tượng thoát chỗ kia, gây khó cho lực lượng chức năng. 

Đến thời điểm hiện nay, thuốc lá nhập lậu trên các tuyến biên giới vẫn đầy cam go, thách thức, bào mòn sức lực của người chống lậu. Thế nhưng, có thời điểm, giới buôn lậu đã phải chùng tay, thuốc lá nhập lậu bị kìm chế. Đó là thời điểm cuối năm 2014 - 2015, khi lực lượng chức năng đồng loạt ra quân chống buôn bán thuốc lá lậu trên các tuyến biên giới, đường biển, đường hàng không. Nhiều đầu nậu, đường dây buôn lậu lớn bị triệt phá; hàng chục triệu bao thuốc lá lậu bị tịch thu và tiêu hủy.

Sự quyết liệt của các ngành chức năng đã làm giới buôn lậu, đầu nậu phải co cụm, thúc thủ. Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - cho biết: Với sự vào cuộc của các bộ, ngành thực hiện Chỉ thị 30 của Chính phủ, công tác chống buôn lậu đã có chuyển biến lớn, hiệu quả rõ rệt. Năm 2015, lượng thuốc lá lậu giảm 30 - 40%.

Vậy nhưng, giới buôn lậu không ém mình quá lâu. Từ năm 2016 đến nay, buôn lậu thuốc lá bùng phát trở lại. Trên các tuyến biên giới, đặc biệt biên giới Tây Nam, các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp vẫn là "điểm nóng" thuốc lá nhập lậu. Tại Long An, theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh, buôn lậu thuốc lá chủ yếu tập trung trên tuyến biên giới huyện Đức Hòa, Đức Huệ.

Các địa bàn giáp ranh như: Huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường, đối tượng buôn lậu nhỏ lẻ ngày càng nhiều. Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 1.572 vụ buôn lậu, tịch thu gần 2,3 triệu bao thuốc lá nhập lậu và thực hiện 9 đợt tiêu hủy.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đối tượng buôn lậu câu kết, móc nối, hình thành đường dây trong và ngoài địa bàn biên giới, khi vận chuyển luôn có người cảnh giới, bị bắt thì tổ chức cướp hàng và tấn công lực lực lượng chống lậu.

8 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh đã kiểm tra, xử lý gần 700 vụ, bắt 240 đối tượng buôn lậu thuốc lá. Tại An Giang, Tây Ninh, các đầu nậu dùng thủ đoạn giao khoán cho người làm thuê vận chuyển, hàng đưa tới nơi trót lọt mới được nhận tiền công, cam kết tuyệt đối không khai báo người thuê vận chuyển hàng lậu…

Hiệu quả ở lực lượng thực thi

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, thuốc lá nhập lậu tăng mạnh trở lại có nguyên nhân từ việc chống buôn lậu chùng xuống, cùng với sự không thống nhất trong các văn bản về xử lý thuốc lá nhập lậu. Số liệu thống kê cho thấy, riêng lượng thuốc lá nhập lậu tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây lên đến 225 triệu bao.

Trong khi đó, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh An Giang và Long An - nơi hoạt động buôn lậu thuốc lá trên tuyến biên giới rầm rộ nhất - số thuốc lá lậu thu giữ được chưa tới 2 triệu bao. Không những thế, việc truy tố, xét xử đều giảm. Năm 2016, cơ quan chức năng bắt giữ 6,8 triệu bao, xử lý hình sự giảm 58%, đối tượng xử lý hình sự giảm 53,5%.

Dự báo, tình hình buôn lậu thuốc lá qua biên giới tiếp tục xu hướng gia tăng, nhất là thời điểm từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2018. Mặt khác, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, có chế tài nghiêm khắc với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lậu, hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nên giới buôn lậu lợi dụng khoảng thời gian này để tăng tốc.
Các chuyên gia cho rằng, các điều luật mới của Bộ luật Hình sự khi có hiệu lực sẽ răn đe rất mạnh với đối tượng buôn lậu và tăng khả năng xử lý của các lực lượng chống lậu. Dẫu vậy, từ thực tế nhiều năm cho thấy, thành công trong công tác chống buôn lậu nói chung và thuốc lá nhập lậu nói riêng phụ thuộc rất lớn vào lực lượng thực thi. Khi các lực lượng lơ là, hoạt động cầm chừng, thiếu quyết liệt, thậm chí tiếp tay thì vi phạm trỗi dậy! 

Kết quả của đợt tăng cường chống thuốc lá nhập lậu năm 2015 đã thấy rõ: Với quyết tâm cao của các ngành, các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng thực thi, một loạt trùm buôn lậu, nhiều đường dây buôn lậu thuốc lá tại Long An, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh đã bị triệt phá, thuốc lá nhập lậu giảm rõ. 

Chống buôn lậu không lúc nào hết khó! Các đối tượng luôn có "trăm phương, ngàn kế", nhưng không quá khó để nhận biết những thủ đoạn như phương thức, thời gian chuyển hàng lậu qua biên giới, nơi tập kết, cách thức phân tán, cất giấu, xé lẻ hàng để lách luật, theo dõi thông tin của lực lượng chống lậu.

Để "cuộc chiến" chống thuốc lá lậu có những kết quả tích cực, cần tăng cường cho lực lượng chống buôn lậu cả về khâu tổ chức, sự phối hợp, phương tiện, chế độ, đặc biệt là trách nhiệm trên địa bàn. Quyết liệt đánh trúng các ổ, nhóm, trùm buôn lậu; tập trung các địa bàn biên giới; nơi tập kết, phân phối, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn nhất cả nước như TP. Hồ Chí Minh…

Dù không "nóng" như biên giới Tây Nam, nhưng buôn lậu thuốc lá ở các tỉnh Tây Nguyên đang có xu hướng tăng. Tại Gia Lai, từ đầu năm đến nay, số thuốc lá lậu bị thu giữ tăng 6 -7 lần so với năm trước.