Từ vụ Công ty Cho thuê tài chính ALC 2: Dung túng nên hư?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Giai đoạn trước, các ngân hàng đã "đẻ" ra hàng loạt công ty cho thuê tài chính để giải ngân ồ ạt những khoản tín dụng hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng nhiều lỗ hổng trong cơ chế quản lý vốn của ngân hàng - công ty mẹ, cùng sự dung túng, bao che của lãnh đạo đã biến công ty tài chính thành "đứa con hư", gây nợ xấu khủng khiếp.

Hàng trăm tỷ đồng đã thất thoát và khối nợ xấu "khủng"
khó lòng thu hồi được. Nguồn: internet
Hàng trăm tỷ đồng đã thất thoát và khối nợ xấu "khủng" khó lòng thu hồi được. Nguồn: internet

Trong 15 ngày (từ ngày 6 - 20/11), Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiến hành phiên xử sơ thẩm vụ sai phạm và tham ô tài sản, gây thiệt hại hơn 531 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính ALC 2 (thuộc Agribank). Đây là một trong 10 "đại án" tham nhũng và lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng được đưa ra xét xử trong năm 2013, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Lòng tham không đáy

Trong số 11 bị cáo bị đưa ra xét xử, có tới 7 người nguyên là Tổng Giám đốc (TGĐ), phó TGĐ, kế toán, trưởng phòng cho thuê tài chính của Công ty ALC 2. Những cá nhân này đã câu kết với lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) tư nhân để thực hiện giao dịch thuê tài chính, hòng chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Trong giai đoạn 2008 - 2009, nguyên TGĐ ALCII Vũ Quốc Hảo và cấp phó Nguyễn Văn Tài đã ký kết 10 hợp đồng cho thuê tài chính, mua bán tài sản với 4 công ty "sân sau" để giải ngân tổng số tiền hơn 795 tỷ đồng. Đây thực chất là cách "lách" cho vay trong hoạt động của các công ty cho thuê tài chính, không riêng gì ALC 2.

Đơn cử, năm 2008, ALC 2 đã cho các công ty con của bà Trần Thị Phương Liên thuê tài chính hơn 83,8 tỷ đồng để đầu tư tàu biển.

Nhưng DN không trả được nợ. Để xử lý nợ xấu, ông Hảo đã chỉ đạo lập hồ sơ cho thuê bổ sung tài sản, lập khống hồ sơ sửa chữa tàu Thanh Hải 28 để rút tiền trả nợ cũ. Đến nay, ALC 2 vẫn chưa thu hồi được khoản nợ xấu này, hiện đã vọt lên hơn trăm tỷ đồng.

Cơ quan điều tra còn phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quá trình cho thuê tài chính, mua bán tài sản của ALC 2, gây ra thiệt hại hơn 531 tỷ đồng. Đặc biệt, các bị cáo đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 61 tỷ đồng, tham ô 80 tỷ đồng. Trong đó, "trùm sò" Vũ Quốc Hảo bị truy tố 2 tội danh là "tham ô tài sản" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…".

Theo các chuyên gia ngân hàng, những sai phạm cho thuê tài chính của ALC 2 là điển hình, phổ biến trong nhiều công ty tài chính khác do ngân hàng "đẻ" ra. Các công ty này quản lý lượng vốn lớn, lên tới cả hàng nghìn tỷ đồng, mà cơ chế quản lý tài chính từ ngân hàng - công ty mẹ lại khá "thoáng", nên dễ dẫn tới hành vi sai phạm, cho vay liều lĩnh, bất chấp rủi ro mất vốn.

Hậu quả có thể thấy rõ: những khoản tiền mà ALC 2 "hào phóng" giải ngân trước đó phần lớn đã biến thành nợ xấu, khó thu hồi. Năm 2009, tình hình tài chính của ALC 2 hết sức bi đát khi bị thua lỗ tới 3.000 tỷ đồng, mất cân đối vốn tới 7.000 tỷ đồng. Đây là "quả đắng" mà Agribank phải gánh chịu vì những sai lầm trong quản lý vốn, cho vay thiếu kiểm soát tại công ty con. Có điều, ngân hàng chẳng muốn bị "phơi" ra những sai phạm của "đứa con hư" mà chính họ có trách nhiệm liên quan trực tiếp.

"Con hư tại mẹ"

Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Trung - Văn phòng Luật sư Hoàng Trung và Anh em (Hà Nội), những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại ALC 2 xuất phát từ chính lỗ hổng trong cơ chế quản lý vốn, cho vay của ngân hàng tại công ty cho thuê tài chính.

Thứ nhất, ALC 2 là công ty con của Agribank, được ngân hàng bảo lãnh nên dễ dàng huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ các tập đoàn, TCT, DN nhà nước lớn, như: Tập đoàn Cao su, Tài chính Sông Đà, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… Riêng khoản tiền huy động từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hơn 1.100 tỷ đồng.

"Do quản lý lượng vốn nghìn tỷ, lãnh đạo ALC 2 nghiễm nhiên có quyền năng rất lớn. Cùng với cơ chế tài chính "thoáng", nên họ càng dễ cho vay sai quy định suốt thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng. Kể cả tài sản thuê mua tài chính không đảm bảo tính hợp pháp, lãnh đạo vẫn duyệt cho DN vay tiền", ông Trung nói.

Thứ hai, ALC 2 là công ty hạch toán độc lập, toàn quyền chủ động trong việc quản lý, cho vay vốn, nên lãnh đạo càng dễ "tự tung, tự tác". Khi thành lập các công ty cho thuê tài chính, mỗi ngân hàng đều xây dựng quy chế hoạt động cho DN này. Các quy định đều có đủ cả, nhưng thực tế lại khá lỏng lẻo đã tạo kẽ hở cho lãnh đạo, cán bộ cấp dưới trục lợi.

Chẳng hạn như vào năm 2009, khi mua rẻ được một tàu lặn cũ (tài sản thanh lý của hải quan) chỉ có giá 100 triệu đồng, ông Hảo đã chỉ đạo các thuộc cấp "thổi giá" lên tới 130 tỷ đồng, gấp 1.000 lần giá trị thực. Sau đó, lập hồ sơ cho thuê tài chính để rút tiền của ALC 2 chia chác, tiêu xài cá nhân. Dù sắp tới, hội đồng xét xử có kết tội, bỏ tù các bị cáo thì hàng trăm tỷ đồng đã thất thoát và khối nợ xấu "khủng" cũng khó lòng thu hồi được.

Liên quan đến những sai phạm tại ALC 2, ông Trung cho rằng các lãnh đạo của Agribank cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không kiểm tra, giám sát các hoạt động của ALC 2 suốt thời gian dài. Từ trường hợp của ALC 2, nếu cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra rốt ráo các công ty cho thuê tài chính thì có lẽ sẽ phát hiện thêm nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng, số tiền thiệt hại lớn hơn. Chẳng qua, các ngân hàng nhìn nhau và cố gắng "bao bọc", nên sự việc chưa vỡ lở ra!