Vi phạm an toàn thực phẩm: Tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe

Theo Quỳnh An/thanhtravietnam.vn

Trước tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) ngày một gia tăng, đe dọa lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Bởi vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng mức phạt về vi phạm ATTP, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Việc kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả tại các chợ, các điểm nhỏ, lẻ lại gặp không ít khó khăn. Nguồn: Internet
Việc kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả tại các chợ, các điểm nhỏ, lẻ lại gặp không ít khó khăn. Nguồn: Internet

Tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, số vụ vi phạm về ATTP vẫn ngày một gia tăng. Mặc dù việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm đã được các cơ quan chức năng tăng cường đẩy mạnh và rà soát, nhưng việc kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả tại các chợ, các điểm nhỏ, lẻ lại gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2017, qua kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ở tuyến xã, phường, thị trấn và quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 1.9 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra cũng như xử phạt các cơ sở vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, do nhân lực triển khai còn mỏng, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, 9 tháng đầu năm, các ban, ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 31.449 đơn vị, cá nhân trong sản xuất và cung cấp dịch vụ về ATTP, trong đó phát hiện 9.420 trường hợp vi phạm, chiếm gần 30%, với số tiền phạt gần 12,5 tỷ đồng và tiêu hủy khoảng 13.636 gia súc, gia cầm.

Hiện nay, việc vận chuyển thực phẩm vào các tuyến phố, nội đô theo rất nhiều tuyến đường, ngõ ngách, nên các cơ quan chức năng rất khó phát hiện, kiểm tra và xử lý. Vì vậy, nếu không có biện pháp mạnh, chế tài xử lý nghiêm khắc, chắc chắn số vụ vi phạm ATTP sẽ còn gia tăng, đặc biệt vào những tháng cuối năm, giáp Tết.

Mức xử phạt thấp chưa đủ sức răn đe

Trước thực trạng báo động trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 771/TTg-KGVX về việc thực hiện Kết luận số 11-KL/TW ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư về ATTP. Theo tinh thần của công văn, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan thực hiện bảo đảm ATTP.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, chậm nhất vào tháng 11/2017 trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo hướng tăng mức phạt, bảo đảm đủ tính răn đe.

Bộ Y tế cho rằng, việc xử phạt các vi phạm hành chính về ATTP đã và đang được thực hiện theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, một số quy định này chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, kết quả giám sát của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, trong giai đoạn 5 năm từ năm 2011-2016, cho thấy cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3,3 triệu cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện gần 680.000 cơ sở vi phạm (chiếm 20,3%). Tuy nhiên, trong số này mới chỉ có hơn 136.000 cơ sở bị xử lý (chiếm 20,1%), trong đó mức phạt tiền rất thấp, trung bình chỉ 200.000 đồng/vụ. Còn lại gần 80% số cơ sở chỉ bị xử lý theo hình thức nhắc nhở. Mặc dù, theo quy định, chủ tịch xã có quyền xử phạt đến 5 triệu, chủ tịch huyện được phạt đến 50 triệu. Như vậy, với số tiền xử phạt trung bình 200.000 đồng/vụ ở các địa phương là quá thấp.

Mức xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ trong khoảng 200.000 đồng/vụ là không đủ sức răn đe. Do đó, theo Thủ tướng phải tăng mức xử phạt đối với các cơ sở khi phát hiện có vi phạm. Đồng thời, hạn chế quy định hình thức xử phạt cảnh cáo. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Đối với vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, dự thảo nghị định quy định mức phạt tiền bằng 60% đến 80% tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thuộc diện phải công bố hợp quy nhưng số tiền phạt không vượt quá 100 triệu đồng.

Đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm… bị phạt tiền bằng 100% đến 120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo phải xử lý nghiêm theo pháp luật việc đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn.

Bị xử nghiêm sẽ không dám vi phạm

Nếu mỗi vi phạm bị phạt tối đa 100 triệu đồng hoặc 200 triệu đồng theo như dự thảo thì cá nhân, tổ chức vi phạm nhiều nội dung thì số tiền phạt sẽ cộng dồn lên rất cao. Chỉ cần vài trường hợp bị phạt sẽ là tấm gương răn đe khiến các cá nhân, tổ chức khác nhìn vào và không dám vi phạm nữa.

Mặc dù dự thảo nghị định điều chỉnh mức phạt là cần thiết nhưng để quản lý chặt hơn vấn đề ATTP cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Điển hình, việc nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực hiện của các cơ quan thực thi là vô cùng quan trọng. Song song với việc xử lý các hành vi vi phạm ATTP, cần có chế tài nghiêm đối với những cơ quan chức năng có thẩm quyền thực thi trong trường hợp các cơ quan này lạm quyền hoặc lơ là, không thực hiện nghiêm các quy định xử phạt. Và các cơ quan chức năng cũng bị xử lý nếu không xử lý được các trường hợp vi phạm ATTP hoặc để vi phạm kéo dài quá lâu.