Việt Nam nặng tay với tham nhũng hơn các nước

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Đây không là nhận định có tính "biện minh" mà bằng con số khi có tới khoảng 70 - 80% bị cáo bị kết án tù, trong khi các nước tỷ lệ này chỉ tối đa khoảng 50%.

 Việt Nam nặng tay với tham nhũng hơn các nước  - Ảnh 1
Trung tướng Trần Văn Độ
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về chủ đề này, Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án Tòa án Nhâ dân Tối cao cho biết Việt Nam xử tội tham nhũng rất nặng, nhưng đó là ở khâu xét xử còn vấn đề phòng ngừa thì vẫn còn nhiều điều cần khắc phục.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng án treo trong các vụ án tham nhũng kinh tế. Tòa án Nhân dân Tối cao đã có báo nhiêu kháng nghị giám đốc thẩm đối với các vụ tham nhũng kinh tế án treo, thưa ông?

Trung tướng Trần Văn Độ: Có tình trạng án treo trong tham nhũng kinh tế nhiều, cần có sự đánh giá để áp dụng án treo đúng hơn.

Về kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Đây là thẩm quyền của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, nhưng có thể nói là đã có nhiều vụ án hình sự bị kháng nghị theo hướng hình phạt nặng hơn với các trường hợp án treo hoặc xử không đúng.

Thanh tra Tòa án Nhân dân tối cao làm rất chặt chẽ, tất cả tòa các cấp đều đã kiểm tra và ra kháng nghị nếu có căn cứ.

Kết quả chống tham nhũng được qua báo cáo thanh tra, kiểm toán rất lớn, nhưng ở địa phương xử 1, 2 vụ mỗi năm. Vì sao có sự chênh lệch này?

Báo cáo thì dựa trên số liệu, của các ngành khác tôi không rõ, nhưng số liệu của ngành tòa án chủ yếu trên cơ sở vụ án xét xử và 100% các vụ án tham nhũng được chuyển đến tòa án đều được tiến hành xét xử. Có lẽ vấn đề ở đây là phát hiện tội phạm để khởi tố điều tra.

Tôi nghĩ, đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn là trách nhiệm của xã hội. Vừa qua, báo chí có công rất lớn trong phát hiện các vụ tham nhũng để điều tra, khởi tố, xét xử.

Qua các án tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát rất nhỏ. Nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

Hành vi tham nhũng thường được tiến hành trong thời gian dài và tài sản bị tẩu tán, tiêu xài hoang phí mà cơ quan tiến hành tố tụng không có cách nào chứng minh được.

Đã không chứng minh được thì rất khó, cùng lắm chỉ kê biên tài sản do phạm tội mà có và sau này khi xét xử thì sẽ buộc bị cáo phải bồi thường. Sau đó, bằng mọi cách thu hồi lại tài sản, nhưng rất khó. 

Để tích cực thu hồi tài sản, theo tôi, khi phát hiện vụ án, càng xử lý nhanh càng tốt, tránh trường hợp đối tượng thấy có dấu hiệu sẽ tẩu tán tài sản.

Thông thường, án tham nhũng sẽ khởi đầu từ công tác thanh tra, kiểm tra rồi điều tra, xét xử. Trong thời gian đó, không tránh khỏi có trường hợp đối tượng tẩu tán tài sản.

Theo ông, tình trạng tham nhũng thời gian qua có giảm không và công tác phòng chống tham nhũng có đáp ứng yêu cầu?

Tình hình tham nhũng vẫn rất phức tạp. Thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện nhiều vụ án, điều tra, khởi tố, tiến hành xét xử nhưng để đáp ứng nhu cầu thì cần phải tiếp tục làm tiếp.

Riêng tòa án, chúng tôi hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, có án chuyển đến là tòa án tổ chức xét xử đúng thời hạn, đúng quy định. Nhưng vấn đề quan trọng là phát hiện, điều tra, xét xử.

Để phòng ngừa hạn chế tham nhũng ít xảy ra hơn, vấn đề không phải ở công tác điều tra, xét xử, mà quan trọng là chính sách, cơ chế toàn xã hội, có biện pháp, chính sách, pháp luật, tuyên truyền, giáo dục, hoạch định chính sách làm sao để hạn chế tham nhũng. Chứ để tham nhũng xảy ra rồi mà đuổi theo điều tra xét xử không ổn. Đó là biện háp tạm thời, lâu dài nhất là có biện pháo tổng thể về kinh tế xã hội, pháp luật, chính sách và lĩnh vực khác để tham nhũng không còn đất sống

Chúng ta chưa từng có tội phạm tham nhũng bị án tử hình, trong khi các nước xung quanh có nhiều vụ tham nhũng tuyên tử hình, phải chăng là hình phạt quá nhẹ?

Không tử hình là do quy định của pháp luật. Tuy nói là có nước tử hình tham nhũng, nhưng còn tùy đặc thù. Ví dụ như Trung Quốc có tử hình, nhưng 2 năm không thi hành và chuyển thành chung thân, gọi là tử hình treo.

Ở Việt Nam, Bộ Luật hình sự có hình phạt rất nặng và nghiêm khắc.

Trong xét xử, khoảng 70 - 80% bị cáo bị kết án tù, trong khi các nước tỷ lệ này chỉ tối đa khoảng 50%. Như vậy, chúng ta không xử nhẹ, mà xử rất nặng, nhưng có lẽ, vấn đề phòng ngừa thì khác.

Phải tìm những nguyên nhân, điều kiện và xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện đó thì mới ngăn chặn được tham nhũng.

Ngăn ngừa quan trọng hơn là để xảy ra rồi xét xử, bỏ tù. Quan trọng không phải đánh đập con hư, mà làm sao để con không hư.