Phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản


Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Thời gian qua, đã xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư. Nguồn: sggp.org.vn
Thời gian qua, đã xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư. Nguồn: sggp.org.vn

Thực tế thời gian qua cho thấy, đã xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử..., đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn; kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý; lợi dụng hoạt động họ, hụi, biêu, phường, phòng, chống dịch bệnh...

Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.

Theo các luật sư, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm xâm phạm quyền sở hữu phổ biến nhất hiện nay. Theo Điều 174, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đó là: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…” Như vậy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin và giao tài sản để chiếm đoạt tài sản đó.

Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi. Tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web. Sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại. Người phạm tội thường giấu hoặc cung cấp sai thông tin làm bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm.

Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội. Đây cũng là đặc điểm để phân biệt với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi. Tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web. Sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại. Người phạm tội thường giấu hoặc cung cấp sai thông tin làm bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm.

Trong bối cảnh đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan gây vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời tham mưu, kiến nghị và đề ra các giải pháp khắc phục. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt…

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn liên quan về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nhất là các nguồn tin liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, phối hợp trao đổi thông tin, nâng cao năng lực điều tra, thu hồi tài sản, bắt giữ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trốn ra nước ngoài... Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phối hợp các bộ, ngành kiểm tra các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh các loại hình kinh doanh dịch vụ như công ty tài chính, cầm đồ, môi giới việc làm, nhà đất, du học, đưa người đi lao động ở nước ngoài, thương mại và thanh toán điện tử... để phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán...; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm căn cứ để khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định đối với việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, tiên tiến, bảo đảm chặt chẽ, an toàn; tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, không đúng quy định pháp luật về hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, phòng ngừa đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động như cho vay, thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền...

Bên cạnh đó, phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong công tác xác minh, xử lý tội phạm; kịp thời có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ việc, vụ án. Phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), các hình thức thanh toán mới chưa có quy định của pháp luật…

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt Tội phạm. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Bộ luật Hình sự…