Quyền con người luôn ở vị trí trọng tâm và xuyên suốt

Thanh Vân

Ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam đã đặt nhiệm vụ bảo đảm quyền con người vào vị trí trung tâm. Và trong suốt chặng đường lịch sử từ năm 1945 đến nay, việc bảo vệ và đảm bảo các quyền cơ bản của con người luôn được Đảng, Nhà nước ta thực hiện xuyên suốt, nhất quán từ chính sách đến thực tiễn...

Quyền con người luôn được đảm bảo, thực hiện xuyên suốt

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử xuyên suốt tiến trình đấu tranh cách mạng, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới mục tiêu cao nhất là tôn trọng và bảo đảm các quyền con người.  

Các nội dung liên quan đến quyền con người được thể chế hóa thành những quyền hiến định trong bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946). Qua 4 lần sửa đổi, bổ sung từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1959, rồi Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và năm 2013, quyền con người ở Việt Nam đã thực sự trở thành quyền hiến định.

Để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và cơ chế, coi đây là yếu tố then chốt trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Công việc này được đặt trong mối quan hệ với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, hệ thống luật pháp không ngừng hoàn thiện là tiền đề và điều kiện để Việt Nam từng bước thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về quyền con người, tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Những thành tựu về bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân Việt Nam được thể hiện rất rõ trong việc thực hiện các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của người dân luôn được bảo đảm. Quan điểm và chủ trương của Nhà nước Việt Nam cũng thể hiện rất rõ ràng là dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó, dân chủ đã được hiện thực rõ nhất là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước.

Bên cạnh các quyền cơ bản trên được bảo đảm và bảo vệ thì hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng ngày ở Việt Nam cũng đã phát huy tính dân chủ cao. Minh chứng cụ thể nhất là sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí, mạng xã hội, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam đã được tận dụng và thực thi và phát huy. Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội, xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh.

Đặc biệt, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, ở Việt Nam còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 5 đoàn thể bao gồm: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hàng trăm tổ chức nhân dân bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp với hàng chục triệu hội viên. Sự tăng nhanh của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ, chứng tỏ quyền tự do hội họp và lập hội của người dân được tôn trọng và bảo đảm.

Bên cạnh đó, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo cũng được tôn trọng và đảm bảo bằng các chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam qua Hiến pháp và pháp luật (Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2016 có hiệu lực vào tháng 1/2018) và thực tiễn cuộc sống. Số chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng qua từng năm nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tâm linh của nhân dân. Các chức sắc tôn giáo cũng có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân như mọi công dân khác. Các tôn giáo có quyền và được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội… 

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được nêu trong các công ước mà mình đã tham gia, tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những thành tựu quan trọng trong bảo đảm các quyền cơ bản của con người mà Việt Nam đạt được và đã dành cho Việt Nam số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu chọn thành viên tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.

Tiếp tục phát huy quyền con người trong bối cảnh mới

Những thành tựu cơ bản trong bảo đảm và phát triển quyền con người ở Việt Nam nêu trên là kết quả từ chính sách nhất quán luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực và nghĩa vụ quốc tế. Không dừng lại ở đó, trong những năm tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để không những đảm bảo quyền con người, mà còn phát huy hơn nữa quyền tự do của con người qua những giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Thứ ba, nâng cao khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội.

Thứ tư, cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có giáo dục về quyền con người nằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề này.

Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới do đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một nguồn nhân lực vững mạnh, cũng như đẩy mạnh chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Thứ sáu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội khỏe mạnh và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần.

Thứ bảy, tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu có liên quan đến quyền con người”.

Nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, song vẫn có những sự khác biệt về cách tiếp cận và ưu tiên về quyền con người, xuất phát từ khác biệt về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ phát triển. Đây là thực tiễn bình thường trong quan hệ quốc tế. Điều quan trọng là chúng ta cần sẵn sàng hợp tác, đối thoại trên tinh thần hợp tác, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau.