"Siết" kiểm tra xuất xứ, kinh doanh xuất nhập khẩu gỗ sang Mỹ


Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị ngành Hải quan rà soát, kiểm tra công tác quản lý, kiểm tra xuất xứ gỗ dán xuất khẩu nhập khẩu của các cơ quan hải quan từ năm 2018 đến nay; Đồng thời, tăng cường biện pháp kiểm tra xuất xứ, hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ dán của các doanh nghiệp.

Mặt hàng gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã tăng đột biến. Nguồn: Internet
Mặt hàng gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã tăng đột biến. Nguồn: Internet

Theo Bộ Công thương, hiện nay có hiện tượng một số doanh nghiệp Việt Nam nghi vấn tiếp tay cho hàng Trung Quốc bằng cách gian lận về xuất xứ, nhãn mác các lô gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam tới Mỹ.

Tại hội thảo "Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt" diễn ra mới đây, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, cho biết, hiện các dự án FDI của Trung Quốc với số vốn 50 triệu USD đã được đăng ký đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam trong 5 tháng đầu 2019, cao hơn gần 1,7 lần vốn đăng ký của họ cùng kỳ năm trước. Báo cáo "Đầu tư và chuyển dịch đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam thời gian vừa qua" của Tổ chức Forest Trends phân tích: Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc vào Việt Nam bao gồm gỗ dán, đồ nội thất và ván lạng.

Lý giả về nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng về các dự án với quy mô nhỏ của Trung Quốc trong ngành gỗ có thể do Mỹ đánh thuế với hàng Trung Quốc, ông Phúc cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc mở nhà máy nhỏ tại Việt Nam nhằm tranh thủ lợi thế về xuất xứ. Hiện vẫn chưa có đánh giá về rủi ro gỗ Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, đã có hiện tượng, một số công ty của Trung Quốc tại Việt Nam nhập gỗ từ Trung Quốc sau đó xuất vào thị trường Mỹ với nhãn mác sản phẩm Việt.

Theo thông tin Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cung cấp, Cục Hải quan và biên phòng Hoa Kỳ đã có nghi vấn và tiến hành điều tra các doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng của Mỹ đối với sản phẩm gỗ dán cứng từ Trung Quốc được các đơn vị này nhập khẩu vào Mỹ.

Trước tình hình đó,  nhằm phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan rà soát, kiểm tra công tác quản lý, kiểm tra xuất xứ gỗ dán xuất khẩu nhập khẩu của các cơ quan hải quan từ năm 2018 đến nay; Đồng thời, tăng cường biện pháp kiểm tra xuất xứ, hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ dán của các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cho biết, mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và đến nay thuế suất thuế nhập khẩu đã nâng từ 10% lên 25%. Điều này đã và đang làm gia tăng nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ dán của Việt Nam.

Theo đó, có sự liên đới của một số doanh nghiệp Việt Nam với hành vi vi phạm về thuế của các doanh nghiệp đang bị điều tra.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam đã có hành vi gian lận về xuất xứ, nhãn mác các lô gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam tới Mỹ.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy mặt hàng gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hạch và Đầu tư), trong số 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ trong 5 tháng đầu năm 2019, có tới 21 dự án của Trung Quốc, tương đương 43% tổng vốn FDI đầu tư vào ngành gỗ.