Siết kiểm tra xuất xứ, nhãn hàng hóa nhập khẩu


Để hạn chế và phòng ngừa gian lận qua xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa nhâp khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn hàng hóa thể hiện “Made in VietNam”.

 

Tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa không chỉ khiến người tiêu dùng, nhất là tại các thị trường xuất khẩu mất tin tưởng vào hàng hóa Việt Nam mà còn gây tác hại khôn lường đối với thương hiệu hàng Việt Nam. Để hạn chế và phòng ngừa gian lận qua xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa nhâp khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn hàng hóa thể hiện “Made in VietNam”.

Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ -Trung nổ ra, trước cảnh báo về tình trạng có nguy cơ về gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, cơ quan Hải quan đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận.

Lực lượng Hải quan đã phát hiện nhiều thủ đoạn gian lận xuất xứ đối với cả hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu. Trước diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, công tác chống gian lận xuất xứ tiếp tục được cơ quan Hải quan coi trọng. 

Cụ thể như, cơ quan Hải quan đã liên tiếp phát hiện các đối tượng nhập khẩu hàng Trung Quốc về Việt Nam nhưng trên sản phẩm không thể hiện xuất xứ hàng hóa. Theo Hải quan TP. Hồ Chí Minh, nếu lượng hàng hóa này được đưa trót lọt vào nội địa, các đối tượng sẽ thực hiện gắn xuất xứ giả mạo hàng Việt Nam lên sản phẩm, lừa người tiêu dùng. 

Có thể kể đến các vụ việc điển hình như: cuối năm 2018, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) – Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I kiểm tra một lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phát hiện trên 600 chiếc loa kéo giả mạo xuất xứ Việt Nam; 

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện Công ty TNHH H.T (TP. Hồ Chí Minh) khai báo mặt hàng nhập khẩu 6 container gạch ốp lát không tráng men, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Qua kiểm tra, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I phát hiện trên bao bì sản phẩm thể hiện chữ “Made in Viet Nam”; nhãn hiệu ROYALGRES PORCELLANATO, sản xuất tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Các cán bộ Hải quan xác minh tại Công ty TNHH Gạch men Hoàng Gia có địa chỉ và sản phẩm như thông tin thể hiện trên sản phẩm nhập khẩu nêu trên, tuy nhiên công ty này khẳng định không có bất cứ mối quan hệ làm ăn, mua bán hay đặt gia công với Công ty TNHH H.T, và cũng không xuất khẩu mặt hàng gạch lát nền nhãn hiệu ROYALGRES vào thị trường Trung Quốc; 

Cục Hải quan Đồng Nai đã từng phát hiện và bắt quả tang một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Nhơn Trạch 3- Đồng Nai thông qua các công ty trung gian tại Việt Nam nhập khẩu ủy thác mặt hàng Trichloroisocyanuric Acid (thuốc khử trùng diệt khuẩn) từ Trung Quốc về Việt Nam. Sau đó, DN này không qua công đoạn sản xuất, chế biến nào mà chỉ thực hiện thay nhãn mác Trung Quốc bằng nhãn mác “Made in Vietnam”, xin cấp C/O để có xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Mới đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 4 xe tải vận chuyển một lô hàng lớn từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam tiêu thụ. Hàng hóa trên xe ước tính khoảng 100 tấn gồm quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, hàng điện gia dụng… Toàn bộ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí các sản phẩm gia dụng còn ghi rõ sản xuất tại quận Hà Đông (Hà Nội) với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận hợp quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao.

Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ, nhãn mác hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 38/2018/TT-BTC; quy trình kiểm tra xuất xứ của Tổng cục Hải quan và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.

Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) công chức hải quan thực hiện kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có).

Trường hợp phát hiện hàng hóa nhập khẩu ghi nhãn “Made in Vietnam”, cục hải quan các tỉnh, thành phố xác minh làm rõ, trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hòa thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ hành vi vi phạm để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), thời gian gần đây, các khiếu nại từ thị trường XK đối với xuất xứ hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng. Cụ thể, đến hết tháng 12/2018, VCCI đã nhận được 110 thư yêu cầu thẩm tra lại 287 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) với nhiều loại hàng hoá, như: lốp xe, đinh vít, quần áo, gạch men, tôm, thực phẩm, găng tay, da giày... trong đó thị trường EU chiếm 90%, còn lại 10% là các thị trường khác chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Turkey, Iraq.

Nguyên nhân chủ yếu là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ có việc gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua hình thức làm giả chữ ký của tổ chức cấp phát C/O theo quy định pháp luật Việt Nam đối với hàng chuyển tải bất hợp pháp, hàng không đủ tiêu chuẩn về xuất xứ Việt Nam.