Sự thật về vụ đầu tư vào tiền ảo với “lãi suất khủng”

Theo Trí Nhân - Hạnh Nhung - Minh Khang/saigondautu.com.vn

Việc Công ty CP Modern Tech kêu gọi đầu tư vào tiền ảo với “lãi suất khủng” khiến hàng ngàn người mù quáng lao vào như con thiêu thân, giờ đứng trước viễn cảnh trắng tay, mang băng rôn đứng trước công ty kêu cứu. Nguyên do vì sao?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngày 9/4, Công an quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, việc hơn 30 người dân kéo đến trụ sở Công ty CP Modern Tech (phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) giăng băng rôn tố cáo công ty này lừa mua tiền kỹ thuật số (tiền ảo), chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng và “cầu cứu” cơ quan chức năng vào cuộc điều tra là có thật. Đến thời điểm này, Công an quận 1 vẫn chưa nhận được đơn tố cáo của bất cứ bị hại nhưng cơ quan công an đang xác minh vụ việc.
Mượn danh người nổi tiếng, hứa ảo trả “lãi khủng”
Việc tố cáo lừa đảo này xuất hiện khoảng 3 tháng nay trên mạng xã hội Facebook. Theo nội dung tố cáo, Công ty Modern Tech do 7 người Việt Nam đứng ra thành lập. Công ty này được các công ty iFan và PinCoin ở nước ngoài ủy quyền hợp pháp tại Việt Nam, tổ chức các sự kiện tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh - thành khác để huy động vốn đầu tư.
Theo đó, iFan được công ty giới thiệu là 1 dự án tiền kỹ thuật số được thành lập theo luật pháp Singapore, dùng để thanh toán các dịch vụ giữa người nổi tiếng và fan hâm mộ. Còn PinCoin được gắn mác là dự án đến từ Dubai. Nhóm kinh doanh còn cho người đầu tư xem các video, hình ảnh chủ của đồng Pincoin rồi khẳng định đó là một dự án nghiêm túc và tiềm năng cao. Thậm chí, họ tổ chức gặp người được cho là “ông chủ thật sự” của đồng tiền này. Nhóm phát triển iFan kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan có giá khởi điểm từ 1 - 1,6 USD với lãi suất 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng.
Từ tháng 9 đến cuối năm 2017, Công ty Modern Tech tổ chức sự kiện ở những nơi sang trọng tại Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội. Một số ca sĩ, diễn viên nổi tiếng ở Việt Nam cũng bị lợi dụng hình ảnh nhằm làm tăng độ tin cậy đối với các nhà đầu tư. Công ty Modern Tech còn thông báo đang xây dựng ứng dụng công nghệ để giúp quản lý thu nhập của giới nghệ sĩ, từ đó tạo tiền đề để nhân rộng ra toàn xã hội.
Công ty còn cam kết giá trị iFan sẽ tăng mỗi ngày do sự ký kết liên tục với các ca sĩ nổi tiếng tại Việt Nam. Thậm chí mua tiền ảo iFan sẽ giúp nhân 10, nhân 100 số tiền đầu tư.Tuy nhiên, trước thông tin ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là người đại diện thương hiệu cho Ifan, trên fanpage cá nhân nam ca sĩ này đã khẳng định: “Tôi không phải là người đại diện hình ảnh cho bất kỳ dự án nào hay cuộc chơi về tiền ảo nào cả”.
Công ty Modern Tech còn khẳng định đang liên kết với Chính phủ để nhà đầu tư iFan được định cư, mua nhà ở Mỹ. Họ quảng bá, Modern Tech đang liên kết với nhiều địa phương để đầu tư trong lĩnh vực giải trí, xây công viên, mở rạp chiếu phim. Thậm chí, họ còn “nổ” công ty trong quá trình xây dựng học viện tiền ảo đầu tiên tại Việt Nam, quy mô cực lớn. Đặc biệt, nhà đầu tư có thể dùng tiền ảo Ifan để thanh toán, thậm chí là có thẻ visa tiền ảo cho tất cả những người tham gia.

Mới nửa năm, bị tố lừa 15.000 tỷ đồng

Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm phát triển của Công ty Modern Tech phát hành hàng chục triệu đơn vị tiền ảo. Để lôi kéo thêm nhà đầu tư, Công ty CP Modern Tech đưa ra mô hình kinh doanh đa cấp. Nhiều người mờ mắt vì lãi suất khủng nên rót vốn đầu tư.
Thế nhưng, sau khi thu được khoảng 15.000 tỷ đồng của hàng chục ngàn nhà đầu tư thì Công ty Modern Tech không trả lãi suất, trả thưởng bằng tiền mặt như đã hứa. Nhóm điều hành các đồng tiền ảo này đã đổi từ hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. Lúc này, nhiều người mới… ngã ngửa biết bị lừa.

Đến tối 9/4, các cơ quan công an liên quan của quận, TP. Hồ Chí Minh và Bộ Công an vẫn chưa nhận được đơn tố cáo của các nạn nhân về vụ việc này. Một lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), Bộ Công an, khẳng định đến thời điểm này C50 vẫn chưa nhận được đơn tố cáo đối với Công ty Modern Tech và các đối tượng lừa 15.000 tỷ đồng.
Nhưng trước đây, C50 đã điều tra, làm rõ nhiều vụ án lừa đảo bằng cách kinh doanh đa cấp biến tướng, như vụ Công ty Tâm Mặt Trời (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) tự lừa bán hơn 23.000 gian hàng ảo chiếm đoạt hơn 121 tỷ đồng và các vụ án lừa đảo lợi dụng hình thức đa cấp khác… Trong các vụ việc này, nhiều người cả tin vào những lời hứa ảo và bị mê hoặc bởi số tiền lãi khủng nên tham gia đầu tư. Vụ đầu tư vào đồng tiền ảo như trên cũng tương tự như vậy.

“Có thể ban đầu công ty này chi trả lợi nhuận cao, kiểu lấy tiền người sau trả cho người trước. Nhưng đó là ban đầu, khi số người tham gia đầu tư còn ít. Đến khi có hàng ngàn người đầu tư, huy động được một số tiền lớn thì các đối tượng ôm tiền chạy trốn, còn người dân la làng bị lừa đảo. Điều tôi muốn nói là các đối tượng đánh vào lòng tham của con người? Do vậy, người dân cần cảnh giác, không nên tin vào hình thức kinh doanh tiền ảo có lợi nhuận cao như vậy. Vụ việc này đã có dấu hiệu hình sự. Nạn nhân phải gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để giải quyết, thay vì mang băng rôn đứng trước công ty như hiện nay”, vị lãnh đạo này hướng dẫn.
Công ty Modern Tech được cấp mã số thuế ngày 31/10/2017 với mã số 0314707223 tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Công ty này đăng ký trụ sở làm việc tại lầu 9 tòa nhà Vietcomreal, số 68 đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, đại diện pháp luật là Giám đốc Hồ Xuân Văn. Ông Hồ Xuân Văn có số điện thoại nhưng gọi không ai nghe máy.

Theo đơn tố cáo của các nhà đầu tư tham gia dự án này, ông Hồ Xuân Văn là người đại diện pháp luật, kiêm Giám đốc Công ty CP Modern Tech. Còn các cá nhân trực tiếp kêu gọi người dân đầu tư vào dự án tiền ảo iFan là ông Diệp Khắc Cường và ông Lê Ngọc Tuấn. Trong đó, người chủ đạo đứng ra kêu gọi huy động vốn cho dự án iFan là ông Lê Ngọc Tuấn, sinh năm 1983, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc đào tạo và phát triển marketing quốc tế của iFan.
Tuy nhiên, khi iFan bắt đầu gặp nhiều vấn đề tài chính sau đợt suy thoái giá của bitcoin cuối năm 2017, ông Tuấn và nhóm lãnh đạo đã đăng đàn trên facebook cá nhân và các fanpage chối bỏ mọi liên quan với iFan. Ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng mình cũng là một nhà đầu tư, muốn chia sẻ cơ hội kiếm tiền đến cho mọi người nhưng chẳng may gặp phải dự án thất bại.

 Dự án có yếu tố lừa đảo
Nhiều nhà đầu tư cũng cho biết, vào khoảng tháng 1/2018, tất cả trang kêu gọi đầu tư của iFan trên Facebook, nhóm chat vào trang cá nhân của các người dẫn đầu iFan đều “biến mất”. Nhiều nhà đầu tư ngậm ngùi và chấp nhận nhìn số tiền đầu tư ra đi vì “dự án ma” chứ không phải mới đây họ mới phát hiện ra dự án này có yếu tố lừa đảo. Tuy nhiên, số nhà đầu tư còn lại không cam tâm và đã “xuống đường” vào ngày 8-4 để “kêu cứu” các cơ quan chức năng với hy vọng thu lại số tiền đầu tư. Do đó, nhiều người cho rằng con số mà nhà đầu tư bị mất thông qua dự án này không chỉ dừng ở con số 15.000 tỷ đồng. 

Hiện các trang kêu gọi đầu tư của dự án iFan trên facebook đều “im hơi lặng tiếng” và một số trang đã đóng. Thay vào đó, nhiều nhóm được lập ra trên facebook để tố cáo vụ việc này với sự tham gia của hàng ngàn thành viên. Tại các nhóm kín được thành lập, nhiều thành viên cho biết mình là nạn nhân của nhóm lừa đảo trên, trong đó không ít nhà đầu tư tham gia mua dự án tiền ảo này lên đến hàng tỷ đồng/người. Nhiều “người trong cuộc” kể lể rằng họ đã sử dụng toàn bộ số tiền tích cóp hơn 20 năm để đầu tư, thậm chí kêu gọi thêm nhiều người trong gia đình và vay mượn thêm tiền để đầu tư và hiện giờ đang bấn loạn vì không chỉ trắng tay mà còn nợ chồng chất.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM: 
Cung ứng, sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật
Trước cơn sốt tiền ảo, Chính phủ và NHNN đã ra những thông tư quy định việc hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác; đồng thời việc sử dụng tiền ảo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 1/1/2018. Cụ thể, theo Nghị định 80/2016 của Chính phủ, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Từ năm 2014, NHNN cũng đã khẳng định rằng tiền ảo không phải là tiền tệ. Nếu người nào cung ứng, sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật và chịu xử phạt theo quy định. Về xử phạt, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, theo Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ 1-1-2018, những hành vi này có thể bị khởi tố hình sự. Theo đó, những người sở hữu những đồng tiền ảo cũng không được pháp luật bảo vệ và thừa nhận.
Liên quan đến việc đầu tư vào tiền ảo, NHNN đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tham gia đầu tư bất chấp những cảnh báo đó. Vì NHNN đã không công nhận tiền ảo, do vậy khó có thể bảo vệ quyền lợi cho những người sở hữu nó. Riêng về sự việc nhiều nhà đầu tư iFan và PinCoin, cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan công an hay các cơ quan tố tụng sẽ tham gia. Hiện NHNN cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để tham mưu cho UBND TP và NHNN xử lý. 
Tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân
Trước thực trạng nhiều đồng tiền ảo xuất hiện tại Việt Nam, cùng với đó là các giao dịch, kinh doanh tiền ảo gắn với nhiều rủi ro, nguy cơ về lừa đảo tài sản, tội phạm rửa tiền... đang có xu hướng lan rộng, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã có khuyến cáo đối với người dân về vấn đề này.

Theo đó, Tổng cục Cảnh sát chỉ rõ, theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền tệ và ngân hàng thì các tổ chức và cá nhân không được phép sử dụng bitcoin hay các loại tiền ảo khác như một loại tiền tệ. Đồng thời, việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân cũng như tiềm ẩn nguy cơ về các loại tội phạm như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền... Do vậy, các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Đồng thời, lực lượng cảnh sát sẽ tăng cường tuyên truyền, đấu tranh, xử lý nghiêm minh với các loại tội phạm liên quan đến giao dịch tiền ảo. 

Tổng cục Cảnh sát cũng cho biết, qua khảo sát, hiện nay tại Việt Nam có nhiều sàn tài chính sử dụng đồng tiền ảo bitcoin. Cách thức chung của các sàn này là cho nhận tài chính thông qua đồng bitcoin, hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền người sau trả cho người trước. Bản chất đây là đa cấp biến tướng, đưa ra chiêu trò lãi suất khủng từ 30% - 80%/năm. Hình thức kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam đang diễn ra tự phát, các cá nhân tự đứng ra mua đi, bán lại các đồng tiền ảo mà không đăng ký với bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào. Cơ quan công an cũng xác định, tất cả các hệ thống máy chủ có thể cung cấp mã điện tử nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, vì thế, chỉ xử lý được những người xác định được tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc vi phạm quy định sử dụng mạng máy tính. Quá trình đấu tranh, cơ quan công an đã bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng “chân rết” tại Việt Nam nhưng chính họ cũng là nạn nhân của việc lừa đảo tiền ảo bitcoin.