Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ:

Thu hẹp hay giữ nguyên phạm vi áp dụng biện pháp hành chính?

Theo daibieunhandan.vn

Với đặc điểm thời gian xử lý ngắn, thủ tục đơn giản và chi phí thấp, đại diện Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng, biện pháp hành chính trong xử phạt vi phạm, tranh chấp sở hữu trí tuệ không phải đang bị “lạm dụng” mà còn là “cứu cánh” cho nhiều doanh nghiệp trong ngăn chặn loại hình vi phạm này. Bởi lý do này, tại hội thảo do Ủy ban Pháp luật và Viện Nghiên cứu lập pháp, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đề nghị, giữ phạm vi áp dụng biện pháp hành chính như hiện hành, với một số sửa đổi nhỏ nhằm phù hợp với điều kiện thực tế, cam kết quốc tế nước ta tham gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cần được tự do lựa chọn biện pháp xử lý

Về vấn đề phạm vi áp dụng biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tại Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra hai phương án. Cụ thể, phương án thứ nhất sẽ thu hẹp phạm vi áp dụng, chỉ áp dụng biện pháp hành chính với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc xã hội. Phương án thứ hai là giữ như quy định hiện hành.

Ủng hộ phương án thứ hai, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam Phạm Nghiêm Xuân Bắc lý giải, áp dụng biện pháp hành chính trong xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ phù hợp về nguyên tắc pháp lý, không trái với các hiệp định quốc tế Việt Nam tham gia, cũng như với điều kiện thực tế nước ta hiện nay.

Ví dụ, các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo đảm các thủ tục thực thi phải được quy định trong pháp luật quốc gia nhằm cho phép xử lý hiệu quả bất kỳ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nào. “Không hiệp định quốc tế nào hạn chế quyền của các quốc gia thành viên trong việc lựa chọn biện pháp áp dụng, ngược lại cho phép tự lựa chọn cách thức, biện pháp thích hợp”, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc nhấn mạnh.

Pháp luật hiện hành không quy định rõ hoặc có hàm ý quyền sở hữu trí tuệ nào được ưu tiên, có phạm vi áp dụng rộng hơn. Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc cho rằng, nếu lựa chọn theo phương án thứ nhất, trong tương lai gần, sẽ gây ra sự bất bình đẳng trong việc bảo vệ các đối tượng sở hữu trí tuệ, khi có một số đối tượng được lựa chọn hình thức xử lý vi phạm hay tranh chấp, trong khi một số đối tượng, chủ thể gần như chỉ có duy nhất một biện pháp xử lý.

Thực tế các vụ việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ cũng cho thấy, xử lý theo biện pháp hành chính có thời gian ngắn hơn, thủ tục đơn giản, chi phí thực thi thấp. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ đều quy tụ lực lượng cán bộ có chuyên môn, về cơ bản đưa ra quyết định xử phạt nhanh chóng, chính xác và công minh.

Hơn nữa, xử lý theo thủ tục hành chính sẽ giúp cơ quan chức năng có thể xử lý nhanh, tránh tẩu tán tang vật vi phạm. Trong khi đó, thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự, hình sự mất nhiều thời gian, cơ quan chức năng không thể xử lý nhanh dẫn đến đối tượng vi phạm có thể tẩu tán tang vật vi phạm.

Là "cứu cánh" cho nhiều chủ thể

Một lý do để thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp hành chính trong xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ là sẽ tạo cơ sở pháp lý và cơ hội để đầu tư, nâng cấp cho hệ thống Tòa án về cơ sở vật chất, cũng như nâng cao trình độ chuyên môn về sở hữu trí tuệ cho Tòa án, các thẩm phán xét xử, cũng như cơ quan giám định tư pháp.

Nếu không thu hẹp phạm vi xử lý hành vi xâm phạm đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, Tòa án sẽ ít có cơ hội để xử lý các vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ như thực trạng hiện nay. Trong khi đó, số lượng các vụ việc giải quyết bằng biện pháp dân sự qua Tòa án quá thấp cũng là nguyên nhân chính khiến chưa thể thành lập Tòa án chuyên trách (chuyên xét xử) về quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính cũng không phải là biện pháp xử lý triệt để và chưa hiệu quả, có tính răn đe chưa cao. Các quyết định xử lý vi phạm hành chính về quyền sở hữu trí tuệ vẫn có thể bị kiện ra Tòa án hành chính khác và bản án của Tòa mới là quyết định cuối cùng. Và, các mức phí phạt theo biện pháp hành chính thường là thấp, bên xâm phạm quyền vẫn có thể tiếp tục vi phạm.

Nhưng, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc cho biết, ngay các doanh nghiệp nước ngoài, công ty đa quốc gia là những chủ thể nắm giữ số lượng quyền sở hữu trí tuệ lớn, có giá trị và có thói quen sử dụng biện pháp dân sự tại Tòa án cũng quay sang biện pháp hành chính. Bởi, không nhiều Tòa án có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xử lý vi phạm, tranh chấp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khiến vụ việc bị kéo dài quá lâu, tốn nhiều chi phí. Doanh nghiệp nước ngoài quay lại biện pháp hành chính nhằm giúp ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm nhanh. “Như vậy, biện pháp hành chính không bị lạm dụng mà là cứu cánh cho nhiều chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trong việc ngăn chặn vi phạm về sở hữu trí tuệ hiện nay”, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc nói.

Đại diện Văn phòng luật Phạm và liên doanh cũng lưu ý, đối tượng sở hữu trí tuệ công nghiệp không tồn tại độc lập, vì kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại thường gắn với nhãn hiệu. Với những trường hợp này, khi chuyển giao kiểu dáng công nghiệp xảy ra xâm phạm thương hiệu sẽ khó xử lý nếu dự thảo Luật quy định theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp hành chính.

Do vậy, đại diện Văn phòng luật Phạm và liên doanh đề nghị, áp dụng phương án thứ hai, nhưng có một số sửa đổi để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án (như quy định rõ với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có dấu hiệu tranh chấp sẽ xử lý theo biện pháp dân sự tại Tòa án...).

Giải thích về phương án được lựa chọn tại Tờ trình dự án Luật, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho biết, bản chất của quyền sở hữu trí tuệ là các quyền sở hữu tư nhân. Các tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là tranh chấp hầu hết mang tính tư hữu (giữa các cá nhân và tổ chức với nhau), trừ các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp sản phẩm có thể gây ảnh hưởng tới lợi ích và trật tự công cộng. Do vậy, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, với tư cách qua tranh chấp quyền tư hữu, nên được giải quyết bằng biện pháp dân sự (thông qua Tòa án/hệ thống tư pháp) sẽ đúng bản chất quan hệ pháp lý hơn.

Dù sự mất cân bằng giữa số lượng vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ áp dụng biện pháp hành chính và biện pháp dân sự tại Tòa án chủ yếu do thủ tục xét xử phức tạp, song ông Trần Lê Hồng lưu ý, để xử phạt hành chính với các vi phạm về lĩnh vực này phải huy động một nguồn lực cán bộ và phương tiện xử phạt lớn.

Hơn nữa, nếu các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đều xử phạt hành chính vô hình trung sẽ đẩy trách nhiệm tự bảo vệ quyền chủ sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân cho Nhà nước. Trong khi, quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự, quyền tài sản nên việc bảo vệ trước hết là nhiệm vụ của mỗi chủ thể quyền.

Do cân nhắc trên các phương diện như đặc thù của đối tượng, khả năng xử lý và ý kiến của Tòa án Nhân dân tối cao, Ban soạn thảo dự án Luật đã đề xuất sửa đổi Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp hành chính. Nhưng rõ ràng, việc sửa đổi Luật vẫn cần những lý lẽ thuyết phục hơn khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai tới.