Thúc đẩy việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay


Thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp đang là một vấn đề đặt ra hiện nay bởi sự tác động nhiều mặt của nó đối với đời sống xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng thực hiện pháp luật kinh doanh cho thấy nhu cầu phải thúc đẩy tính chủ động thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết tập trung phân tích các yếu tố tác động đến việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực hiện pháp luật kinh doanh ở Việt Nam hiện nay.

Đặt vấn đề

Doanh nghiệp là một chủ thể có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội. Việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp, cũng có những tác động mạnh mẽ đến các chủ thể khác trong xã hội và sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp chưa tích cực thực hiện pháp luật kinh doanh mà rõ nét nhất là trong các lĩnh vực pháp luật về thuế, môi trường và lao động. Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng thuế, trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, xả thải gây ô nhiễm môi trường còn xảy ra với số lượng lớn. Điều đó đặt ra nhu cầu có các biện pháp thúc đẩy tính tự giác trong thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp

Cũng như các hiện tượng xã hội khác, việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Các yếu tố này có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm việc thực hiện pháp luật đó. Do vậy, để thúc đẩy việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp cần chú trọng tăng cường các yếu tố có tác động tích cực và hạn chế các yếu tố có tác động tiêu cực.

Yếu tố thứ nhất là lợi ích của doanh nghiệp

Đây là yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi doanh nghiệp bởi đây chính là mục tiêu, là động lực để doanh nghiệp tham gia vào thị trường, thực hiện các hành vi kinh doanh. Chính vì vậy, yếu tố này cũng tác động đến việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa việc thực hiện pháp luật đem lại lợi ích cho mình như các chính sách miễn giảm thuế, chính sách thúc đẩy đầu tư, đồng thời hạn chế việc thực hiện pháp luật mà kết quả là ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, như: nộp thuế, thực hiện trách nhiệm với người lao động, bảo vệ môi trường…

Đây là một yếu tố then chốt ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp nhưng lại khó thay đổi bởi lẽ lợi ích chính là lý do cho sự tồn tại của các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp xã hội), do đó, việc sử dụng các yếu tố khác có tác động tích cực đến việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp sẽ làm giảm sự tác động tiêu cực từ yếu tố ảnh hưởng này, hướng đến bảo vệ và phát triển các lợi ích của Nhà nước và xã hội, cũng như của các chủ thể khác.

Yếu tố thứ hai là chất lượng của hệ thống pháp luật kinh doanh

Xây dựng pháp luật là hoạt động mô hình hóa hiện thực xã hội và nâng lên thành các quy tắc xử sự chung được đảm bảo bằng sức mạnh của nhà nước còn thực hiện pháp luật là đưa những mô hình đó vào cuộc sống. Chính vì vậy, chất lượng của hệ thống pháp luật với ý nghĩa là kết quả của quá trình xây dựng pháp luật có tác động mang tính quyết định đến thực hiện pháp luật nói chung, việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng.

Yếu tố thứ ba là trình độ ý thức pháp luật của doanh nghiệp

Ý thức pháp luật là tổng thể những quan điểm, quan niệm về pháp luật, là tình cảm và tâm trạng của con người đối với pháp luật.

Về mặt cấu trúc, ý thức pháp luật bao gồm tâm lý pháp luật, hệ tư tưởng pháp luật. Tâm lý pháp luật là tổng thể những cảm xúc, tâm trạng, thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý khác, tâm lý pháp luật được hình thành ở từng cá nhân, từng nhóm người, từng giai cấp từ sự ảnh hưởng của pháp luật, của quá trình điều chỉnh xã hội bằng pháp luật, của quá trình áp dụng pháp luật, thực hiện pháp luật. Hệ tư tưởng pháp luật là tổng thể các tư tưởng, học thuyết, trường phái lý luận, quan điểm khoa học về pháp luật, nói cách khác, đó là nhận thức, là sự hiểu biết của con người về pháp luật.

Đối với việc thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật kinh doanh nói riêng, sự tác động của ý thức pháp luật có thể được xem xét thông qua sự tác động của từng bộ phận cấu thành ý thức pháp luật là hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật.

Hệ tư tưởng pháp luật ở cấp độ cá nhân và nhóm được hiểu là những suy nghĩ, nhận thức, quan điểm… về pháp luật. Sự nhận thức này có thể ở nhiều cấp độ khác nhau, tương ứng với đó, ý thức thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật kinh doanh nói riêng cũng sẽ khác nhau.

Ví dụ, cùng với quy định về việc đóng bảo hiểm cho người lao động, nếu doanh nghiệp không nắm rõ các quy định của pháp luật thì có thể thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình; ở mức độ cao hơn, doanh nghiệp nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình và người lao động có thể thực hiện đúng, đủ các quy định này nhưng vẫn có thể chây ỳ hoặc trốn tránh nghĩa vụ để được hưởng lợi từ đó; nếu có nhận thức đầy đủ và toàn diện về quy định này, doanh nghiệp sẽ nhận thức được việc trốn tránh nghĩa vụ nộp bảo hiểm cho người lao động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, dẫn đến tâm lý chán nản, không tích cực lao động sản xuất của họ, ảnh hưởng đến năng suất lao động của doanh nghiệp mà còn nhận thức được hành vi đó sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp và trong trường hợp pháp luật có quy định, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích nhiều mặt của doanh nghiệp do bị đánh thấp chỉ số tin cậy.

Tâm lý pháp luật bao hàm các trạng thái tâm lý đối với pháp luật như tôn trọng, niềm tin, mong muốn… của chủ thể. Tâm lý pháp luật chi phối trực tiếp quá trình thi hành pháp luật của chủ thể, là yếu tố thúc đẩy các chủ thể lựa chọn và thực hiện hành vi pháp luật trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Khi doanh nghiệp có sự tôn trọng pháp luật, doanh nghiệp sẽ tự giác, chủ động thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định, kiềm chế thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm, đồng thời, sẽ có ý thức thực hiện đúng, đủ mà không phải là thực hiện một cách đối phó, gượng ép.

Niềm tin vào pháp luật, vào lẽ công bằng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện pháp luật. Nếu doanh nghiệp tin tưởng vào cơ chế giải quyết tranh chấp hợp pháp thì doanh nghiệp sẽ sử dụng các cơ chế đó thay vì thực hiện các hành vi trái pháp luật để bảo vệ các lợi ích của mình như sử dụng xã hội đen, dịch vụ đòi nợ xấu bất hợp pháp… Nếu doanh nghiệp tin tưởng rằng các hành vi vi phạm pháp luật thuế đều bị xử lý nghiêm minh thì doanh nghiệp sẽ tích cực hơn trong việc thực hiện pháp luật về thuế.

Yếu tố thứ tư là các cơ chế điều chỉnh xã hội khác

Các cơ chế điều chỉnh xã hội khác bao gồm: đạo đức, dư luận xã hội, hoạt động của các tổ chức phi nhà nước.

Đạo đức là những quan niệm, nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội về điều thiện, điều ác, về danh dự, lẽ công bằng… hay “là toàn bộ những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ chúng mà con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người và tiến bộ xã hội trong quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với xã hội và giữa con người với giới tự nhiên”. Đạo đức hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ, chống lại cái giả, cái xấu.

Trên cơ sở quy chuẩn đạo đức, mỗi cá nhân, bằng nhận thức của mình để đánh giá hành vi của mình và những người xung quanh để từ đó có những điều chỉnh hành vi một cách tự giác cũng như đưa ra những phản ứng phù hợp. Doanh nghiệp cũng bị chi phối bởi yếu tố này khi quyết định hành vi thực hiện pháp luật kinh doanh bởi bên cạnh việc tự nhận thức về hành vi của mình, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc đến phản ứng của những chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Dư luận xã hội là tập hợp các ý kiến, thái độ có tính chất phán xét, đánh giá của các nhóm xã hội hay của xã hội nói chung trước những vấn đề mang tính thời sự, có liên quan tới lợi ích chung, thu hút được sự quan tâm của nhiều người và được thể hiện trong các nhận định hoặc hành động thực tiễn của họ. Dư luận xã hội có tính lợi ích, theo đó, những vấn đề là đối tượng của dư luận xã hội có quan hệ mật thiết với lợi ích vật chất hoặc tinh thần của các nhóm xã hội khác nhau.

Ví dụ, việc xả thải ra môi trường của các doanh nghiệp sẽ tạo nên dư luận của những người dân sống xung quanh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc xả thải đó như phải sử dụng nước nhiễm độc, không khí ô nhiễm… Với sức mạnh điều hòa các mối quan hệ xã hội của mình, dư luận xã hội đóng vai trò bảo vệ các quyền lợi, các giá trị phổ biến của xã hội cũng như các giá trị, lợi ích cá nhân chính đáng của con người, khi xuất hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích đặc thù của nhóm xã hội, dư luận xã hội sẽ lập tức lên án, gây sức ép nhằm ngăn chặn hành vi đó. Do đó, việc sử dụng công cụ dư luận xã hội cũng tác động lên việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể thấy điều này qua việc thời gian qua, đứng trước nhiều thông tin tiêu cực về hỏa hoạn tại các nhà chung cư, người tiêu dùng đã có ý thức hơn với các điều kiện phòng cháy chữa cháy của chung cư, từ đó, các chủ đầu tư cũng phải chú trọng vấn đề này để đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình.

Các tổ chức phi nhà nước bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, xã hội - chính trị khác nhau. Hoạt động của các tổ chức này có thể là nhằm đại diện cho tiếng nói của cộng đồng dân cư, người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp), người tiêu dùng (hệ thống cơ quan của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - VINATAS), bảo vệ môi trường (Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Tổ chức hành động vì môi trường…), từ đó tạo ra các đối trọng buộc doanh nghiệp phải cân nhắc để thực hiện pháp luật kinh doanh.

Các tổ chức xã hội phi nhà nước hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp như các hiệp hội ngành nghề trong từng lĩnh vực cụ thể luôn có điều lệ hoạt động chung, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong hoạt động kinh doanh của mình mà còn thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp.

Phương hướng nhiệm vụ thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện pháp luật kinh doanh ở nước ta

Từ những phân tích trên có thể thấy, để thúc đẩy thực hiện pháp luật của doanh nghiệp, cần xác định các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng pháp luật kinh doanh

Theo đó, phải đảm bảo các thuộc tính bao gồm tính toàn diện, tính đồng bộ, tính thống nhất, tính phù hợp, tính khả thi của pháp luật.

Tính toàn diện và đồng bộ của hệ thống pháp luật thể hiện ở cấu trúc hình thức của nó, nghĩa là hệ thống pháp luật phải có khả năng đáp ứng được đầy đủ nhu cầu điều chỉnh pháp luật trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội để các quan hệ xã hội quan trọng có tính điển hình, phổ biến cần có sự điều chỉnh của pháp luật thì đều có pháp luật điều chỉnh.

Yêu cầu về tính toàn diện và đồng bộ của pháp luật kinh doanh, do đó, được hiểu là có các quy định đầy đủ để điều chỉnh các phương diện của hoạt động kinh doanh, từ sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng.

Yêu cầu về tính toàn diện và đồng bộ càng đặt ra cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc xuất hiện các ngành nghề mới với các phương thức sản xuất, kinh doanh mới phải được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật. Nhất là trong giai đoạn mà khoa học công nghệ đang có những tiến bộ mạnh mẽ làm nền tảng cho rất nhiều phương thức kinh doanh mới.

Có thể thấy, nhu cầu trên qua sự xuất hiện của Grab, Uber tại Việt Nam và nhiều quốc gia. Sự xuất hiện của một loại phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ đã khiến các quốc gia gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và thậm chí là phân loại nó. Việc chậm trễ trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh loại hình kinh doanh này đã gây ra nhiều vấn đề về xã hội (tranh chấp kéo dài giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ hay vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động, người tiêu dùng).

Tính đồng bộ của pháp luật kinh doanh trong trường hợp này còn thể hiện ở việc pháp luật phải dự liệu các vấn đề có liên quan đến toàn bộ quá trình kinh doanh, như các vấn đề môi trường (chất thải rắn, chất thải khí…), lao động (quyền lợi của người lao động), các vấn đề xã hội khác (như quyền lợi của người tiêu dùng, tác động đến văn hóa, truyền thống, tập quán xã hội…).

Trào lưu startup hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức đối với tính đồng bộ và toàn diện của pháp luật kinh doanh. Với phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ và là những yếu tố ban đầu của nền kinh tế tri thức, sự xuất hiện của các startup cũng đặt ra hàng loạt các vấn đề về mặt pháp lý cần phải giải quyết.

+ Tính thống nhất của pháp luật kinh doanh:

Giữa các bộ phận hợp thành hệ thống pháp luật không chỉ có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ mà còn luôn có sự thống nhất nội tại với nhau15.

Tính thống nhất của pháp luật kinh doanh thể hiện ở sự thống nhất giữa các chế định, giữa các quy phạm pháp luật trong cùng chế định, không có trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn nhau giữa các quy phạm pháp luật trong mỗi bộ phận và trong các bộ phận khác nhau của hệ thống pháp luật kinh doanh.

Tính thống nhất của pháp luật kinh doanh còn thể hiện ở sự đồng nhất về mục đích điều chỉnh của các quy phạm pháp luật. Theo đó, các quy phạm bắt buộc luôn có các chế tài đảm bảo thực hiện hoặc tương ứng với các quy phạm ghi nhận quyền của doanh nghiệp thì cũng có cơ chế bảo vệ phù hợp.

+ Tính phù hợp của pháp luật kinh doanh:

Tính phù hợp của pháp luật kinh doanh là sự tương thích giữa các quy phạm pháp luật với các quy luật khách quan của xã hội. Yêu cầu về tính phù hợp của hệ thống pháp luật thể hiện ở nhiều mặt, như phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, đạo đức, tập quán, truyền thống và các quy phạm xã hội khác.

Khi pháp luật kinh doanh phù hợp kinh tế, nghĩa là vừa phản ánh được những quy luật kinh tế chung vừa phản ánh được những quy luật kinh tế đặc thù của phương thức sản xuất đang tồn tại thì sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của phương thức sản xuất ấy.

Yêu cầu phù hợp với các điều kiện chính trị được thể hiện ở chỗ pháp luật kinh doanh phản ánh đầy đủ đường lối chính sách của Đảng lãnh đạo, bảo vệ lợi ích của các tầng lớp xã hội khác nhau một cách hài hòa.

Trong xã hội luôn tồn tại nhiều giai tầng khác nhau với các lợi ích khác nhau, do đó, chỉ khi các quy định của pháp luật hài hòa được các lợi ích đó, tức là đảm bảo lợi ích cơ bản của tất cả các lực lượng chủ yếu trong xã hội, lợi ích hợp pháp của tầng lớp này không xung đột với lợi ích của các tầng lớp khác thì mới đảm bảo sự phát triển bình thường của các quan hệ xã hội và thúc đẩy việc thực hiện pháp luật kinh doanh.

Pháp luật kinh doanh cũng cần phù hợp với các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác như đạo đức, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, dư luận xã hội…, theo đó, nếu pháp luật kinh doanh có tác động cùng chiều với các công cụ khác thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng thúc đẩy việc thực hiện pháp luật.

Sự phù hợp của pháp luật kinh doanh với pháp luật quốc tế cũng ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, quốc gia đã ký kết hoặc tham gia, các điều ước quốc tế, hệ thống pháp luật quốc gia trong đó có pháp luật kinh doanh phải phù hợp với các điều ước quốc tế đó để đảm bảo các nguyên tắc xây dựng pháp luật; đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hội nhập sâu rộng vào các hoạt động kinh tế quốc tế.

Chỉ khi pháp luật kinh doanh có các thuộc tính trên thì mới có tính khả thi trong thực tế.

Thứ hai, nâng cao trình độ ý thức pháp luật của doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp có sự tôn trọng pháp luật, doanh nghiệp sẽ tự giác, chủ động thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định, kiềm chế thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm, đồng thời, sẽ có ý thức thực hiện đúng, đủ mà không phải là thực hiện một cách đối phó, gượng ép.

Thứ ba, sử dụng một cách hiệu quả các cơ chế điều chỉnh xã hội khác

Việc sử dụng các cơ chế điều chỉnh xã hội khác như đạo đức, dư luận xã hội, hoạt động của các tổ chức phi nhà nước đem lại hiệu quả cao, đồng thời có tác động bền vững và sâu rộng. Trong thời gian qua, có thể thấy sự ảnh hưởng của các cơ chế này đối với việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp như sức ép từ dư luận xã hội đối với việc thực hiện pháp luật phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư các nhà chung cư hay sự nhận thức về đạo đức kinh doanh cũng định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp…

Tài liệu tham khảo, trích dẫn

1. Trang thông tin Cục Thuế Hà Nội tại địa chỉ http://hanoi.gdt.gov.vn/ đăng tải công khai 125 doanh nghiệp nợ thuế, phí.

2. Trang Thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh tại địa chỉ http://bhxhtphcm.gov.vn/tintuc/chitiet/2815 thông báo việc Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim bị truy thu tiền bảo hiểm xã hội của người lao động.

3. Trường Đại học Luật Hà Nội ( 2016), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp,  tr. 443 - 444.

4. Nguyễn Thị Hồng Huệ, Vai trò của ý thức pháp luật với việc thực hiện pháp luật, Luận văn thạc sỹ, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.

5. Hoàng Thị Kim Quế (chủ biên) (2007), Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, tr.440.

6. Lê Thị Tuyết Ba (2010), Ý thức đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.14.

7. Hoàng Thị Kim Quế (2002), "Cơ chế điều chỉnh pháp luật và cơ chế điều chỉnh xã hội", 18 (3), tr.2.

8. Ngọ Văn Nhân (2011), Tác động của dư luận xã hội đối với ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.22.

9. Tlđd, tr.36.

11. Tlđd, tr.48.

12. Tlđd, tr.48.

13 .http://cityland.com.vn/news/detail/cfl-chu-dau-tu-ngay-cang-quan-tam-den-antoan-phong-chay-chua-chay-o-chung-cu-745.html

14. Hoàng Thị Kim Quế (2002), "Cơ chế điều chỉnh pháp luật và cơ chế điều chỉnh xã hội", 18 (3), tr.11.

15. Nguyễn Minh Đoan (2013), Thực hiện pháp luật và văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 44.

16. Nguyễn Minh Đoan (2010), Thực hiện và áp dụng pháp luật ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.45.