Thuốc lá hết cửa tạm nhập tái xuất để “tuồn” vào nội địa

Thu Thủy

Kể từ khi Quyết định số 27/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan (KNQ) có hiệu lực, tới nay theo đánh giá của các cơ quan chức năng đã góp phần giảm tình trạng hàng hóa, nhất là thuốc lá và rượu mạnh trong việc gian lận tạm nhập tái xuất để tuồn vào thị trường nội địa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hải quan Online.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hải quan Online.

Đánh giá của Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua số lượng và tần xuất, lưu lượng các mặt hàng làm thủ tục quá cảnh, xuất kho ngoại quan (KNQ) tăng, hàng hóa theo khai báo chủ yếu là mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, hàng điện tử, thuốc lá điếu, xì gà, rượu mạnh.... từ các quốc gia như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Điều này dẫn tới tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ gây thiệt hại về thuế cho Nhà nước (từ hoạt động buôn lậu) mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, do sử dụng những sản phẩm lậu và không được kiểm soát về chất lượng. 

Chỉ ra nguyên nhân, theo Tổng cục Hải quan, hầu hết các mặt hàng được gửi vào KNQ để xuất khẩu hoặc tái xuất sang nước thứ 3 thì các doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ làm dịch vụ thu phí, không phải là chủ hàng thực sự, do đó, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không thể kiểm soát được hàng hóa thực sự mình làm thủ tục. Trong trường hợp các đối tượng buôn lậu sử dụng công ty ma (ở nước ngoài), chứng từ giả để làm thủ tục, rồi lợi dụng kẽ hở trong chính sách để buôn lậu, thì nếu có bị phát hiện cũng sẽ khó tìm được chủ hàng thực sự.

Các lực lượng chức năng cho hay, việc nghi vấn hàng hóa làm thủ tục qua KNQ bị thẩm lậu vào thị trường nội địa là có cơ sở. Tuy nhiên, theo thông tin nắm được, toàn bộ hàng hóa sau khi làm thủ tục xuất KNQ đều được giám sát thực xuất, sau khi hàng đã thực xuất thì các đối tượng buôn lậu mới lợi dụng địa hình và thời gian trời tối để đưa hàng hóa quay trở lại, do đó gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan.

Điển hình tháng 9/2020, lô hàng chứa trong 2 container, được vận chuyển từ cảng ở Campuchia về cảng Đình Vũ đã bị Cục Hải quan Hải Phòng và các lực lượng liên quan phát hiện, xử lý. Qua kiểm tra, số hàng trên đều là thuốc lá điếu giả mạo nhãn hiệu thuốc lá 555, Esse. Theo các lực lượng chức năng của Hải Phòng, các đối tượng sử dụng các thủ đoạn tinh vi, lợi dụng chính sách của Nhà nước đối với hàng hóa quá cảnh, gửi kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất… để thực hiện hành vi vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam sang nước thứ 3, thông qua hệ thống cảng biển tại khu vực Hải Phòng.

Trước đó, tại một số địa phương khác như Quảng Ninh, An Giang… cũng xuất hiện không ít vụ việc tương tự liên quan đến thuốc lá điếu 555 và ESSE tạm nhập tái xuất.

Theo Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ những yêu cầu bức thiết đặt ra các ngành chức năng thời gian qua cũng đã xây dựng và ban hành các khung pháp lý chặt chẽ để kiểm soát và tránh hoạt động gian lận thương mại trong đó có mặt hàng thuốc lá nhập lậu đưa vào KNQ rồi tái xuất.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan căn cứ quy định tại Điều 46 Luật Hải quan về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất; Điều 31 Nghị định số 69/2018/NĐ- CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương; Điều 85, Điều 86 tại Nghị định số 08/2015/NĐ- CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật Hải quan và thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và các quy định liên quan về thủ tục hải quan, quản lý giám sát hải quan với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất và hàng hóa đưa vào, đưa ra KNQ...  để kiểm soát chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, vào tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2020 quy định danh mục hàng hóa không được gửi KNQ bao gồm mặt hàng thuốc lá điếu, từ lá thuốc lá hoặc từ các nguyên liệu thay thế thuốc lá. Cũng trong danh mục này có mặt hàng thuốc lá điếu, từ lá thuốc lá hoặc từ các nguyên liệu thay thế thuốc lá.

Mặc dù tới nay chưa có thống kê đầy đủ, song ông Trần Hoàng Trọng Kỳ (Hải quan Đồng Nai) cho biết, việc thực hiện siết chặt quản lý các loại hàng hóa gửi KNQ theo Quyết định số 27 của Chính phủ đã làm giảm mạnh tình trạng gian lận thương mại hàng hóa, nhất là mặt hàng thuốc lá, rượu mạnh qua KNQ. Riêng tại địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu là nhập sợi thuốc lá nguyên liệu để sản xuất nên tình trạng nhập lậu thuốc lá không có hoặc rất hiếm. Tuy vậy, Hải quan Đồng Nai cũng rất quyết liệt tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu hàng hóa, trong đó có cả mặt hàng thuốc lá nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng...

Từ kết quả thực hiện nêu trên, gần đây Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Điều tra chống buôn lậu và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Hải quan gồm: Công văn số 119/TCHQ-GSQL ngày 11/01/2021 về việc nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát hải quan; Công văn số 1644/TCHQ-ĐTCBL ngày 09/4/2021 về việc chấn chỉnh việc thực hiện công văn số 119/TCHQ-GSQL ngày 11/01/2021 của Tổng cục Hải quan. Theo đó, Tổng cục giao cho Hải quan các tỉnh, thành phố chủ động, chịu trách nhiệm trong địa bàn với các lô hàng quá cảnh, xuất KNQ sang Campuchia có dấu hiệu, nghi vấn thẩm lậu vào nội địa.

Với những biện pháp quyết liệt kể trên, các cơ quan chức năng hy vọng sẽ góp phần làm giảm tình trạng gian lận thương mại, tránh thất thu ngân sách và bảo vệ quyền lợi cho chính người tiêu dùng tại nội địa.