Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế liên quan đến quyền con người

PV.

“Tăng cường hợp tác quốc tế liên quan đến quyền con người” là một trong những ưu tiên của Việt Nam nhằm đảm bảo tốt hơn quyền con người. Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu có liên quan đến quyền con người.

Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu có liên quan đến quyền con người. Việt Nam cũng tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại về quyền con người với một số nước đối tác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và mở ra những cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực quyền con người. Qua đó, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.

Thời gian qua, để phát huy tốt vai trò, nâng cao uy tín quốc tế và hội nhập vào đời sống chính trị - xã hội quốc tế, Việt Nam đã gia nhập, phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế chủ chốt về quyền con người.

Từ những năm 1980, Nhà nước đã thực hiện tương đối đầy đủ và bảo đảm thời gian hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ các Báo cáo quốc gia của các Công ước Nhân quyền quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam hiện cũng từng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016).

Trong việc thực hiện quyền con người theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), Việt Nam đã bảo vệ thành công báo cáo của mình tại cả hai chu kỳ (I và II) năm 2009 và 2014. Mới đây, Việt Nam vừa nộp Báo cáo UPR chu kỳ III, trong đó đánh giá tổng thể việc bảo vệ quyền con người và những ưu tiên cam kết của Việt Nam trong thời gian tới. Dự kiến, ngày 22/01/2019, Việt Nam sẽ tham gia đối thoại về UPR chu kỳ III tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc.

Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả lời và giải quyết kháng thư của Liên hợp quốc. Trong việc thực thi nghĩa vụ thực hiện các Thủ tục đặc biệt (SP) cho đến nay, Việt Nam đã đón các chuyên gia về các vấn đề người thiểu số; đói nghèo cùng cực và nhân quyền; tác động của nợ nước ngoài đối với nhân quyền, quyền được chăm sóc y tế; Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa và tôn giáo. Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về quyền con người, qua đó tạo cơ hội để các đại biểu quốc tế hiểu rõ, trao đổi cởi mở, thẳng thắn, công khai hơn về chính sách, pháp luật của Việt Nam về quyền con người.