Cửa khẩu Mộc Bài: bát nháo tình trạng gom hàng, cho thuê CMND để...né thuế

Theo Pháp luật Việt Nam

Tình trạng gom hàng và cho thuê chứng minh nhân dân (CMND) tái diễn nóng bỏng tại các siêu thị miễn thuế Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (KKTCK Mộc Bài), Tây Ninh.

Cửa khẩu Mộc Bài: bát nháo tình trạng gom hàng, cho thuê CMND để...né thuế
Liệu có một cá nhân nào tiêu thụ hết lượng sữa này mỗi lần mua?

Sôi động “gom hàng” miễn thuế?

Đi trên con đường Xuyên Á hướng về cửa khẩu Mộc Bài, chốc chốc lại có những chiếc xe máy chở hàng, chủ yếu là những thùng sữa Ensure nước, dạng chai 237ml và bia Heneiken – mỗi xe chở đến 5-6 thùng phóng với tốc độ cao theo hướng ngược lại

10 giờ 30 sáng, vừa bước vào lối vô siêu thị để đáp xe điện chở khách miễn phí, chúng tôi đã bị một đám người ập đến, vồ vập: “Thuê chứng minh không chị? Thuê thêm CMND để mua hàng được nhiều hơn, vì quy định mỗi người chỉ được mua năm trăm ngàn thôi. Có thuê thì thuê của tui nhé?” Đây là những người sống bằng nghề cho  khách vãng lai thuê CMND để mua hàng.  Giá cho thuê mỗi chứng minh thư  là “Ba chục ngàn đồng”.

Chúng tôi cũng chưa xác định là sẽ mua hàng gì nên nói ngay với một bà trung trung tuổi, cứ bám riết lấy đoàn của chúng tôi ko rời, là “chưa có nhu cầu” nhưng bà ta vẫn cứ  đi cùng cho đến khi chúng tôi vào siêu thị G.C.  Bà hướng dẫn tôi gửi túi xách và đứng ngoài chỗ thanh toán tiền bảo: “Chị đứng đây, khi nào em cần thuê CMND thì cứ bảo chị nhé”.

Đi lang thang trong siêu thị rộng thênh ngắm và chọn hàng hoá, không khó để nhận ra dân cho thuê chứng minh thư hay dân “đánh” hàng. Dân “đánh hàng” đa phần là nữ, ăn mặc bình dân.  Họ “đánh” hàng không phải mua về nhà mở quán hoặc bán lẻ, mà mua cho một đầu nậu nào đó để lấy tiền công. Họ vào siêu thị chọn mặt hàng rồi chuyển ra vô tư mà không bị kiểm soát.

Chúng tôi ngồi uống nước ở cổng ra vào siêu thị mới thấy số lượng hàng tuồn ra ngoài không hề nhỏ. Theo quan sát của chúng tôi, hai mặt hàng được “đánh” nhiều nhất là Sữa Ensure và bia Heneiken.

 Hai mặt hàng này được chuyển ra liên tục từ các siêu thị. Riêng mặt hàng sữa Ensure, mỗi người đánh hàng chuyển ra khoảng 10 thùng (mỗi thùng 30 chai).  Họ chất lên xe máy và chở về Gò Dầu mà không hề bị lực lượng chức năng nào kiểm tra. Theo chúng tôi được cho biết, mỗi thùng sữa như thế được mang ra đến Gò Dầu cho đầu nậu thì người gom hàng được hưởng 20.000 đồng.

Khi về đến TP. Hồ Chí Minh, sữa này được gọi là “hàng xách tay” nhập khẩu từ Mỹ. Điều đáng nói, sữa là mặt hàng phải được vận chuyển, bảo quản cẩn thận với điều kiện vệ sinh phù hợp nhưng sữa nước Ensure xách tay ở đây được quăng ở mọi chỗ, thậm chí các thùng sữa hoặc những chai rời còn được dân “đánh” hàng dùng để ngồi thay ghế, để ở những nơi rất mất vệ sinh.

Lấy cả  mã số CMND cũ “giải cứu” khách hàng?

Điều tra riêng của nhóm phóng viên cho thấy nhiều khả năng các đối tượng “gom hàng” thuê lại chứng minh thư của người Campuchia. Mỗi suất chứng minh thư hoặc passport của người Campuchia  được quy định mua lượng hàng tối đa mười triệu đồng đối với mặt hàng “nhạy cảm” như rượu, thuốc lá và không bị giới hạn với các mặt hàng khác. Nhưng nếu thuê CMND của người Campuchia thì  hàng phải mang về Campuchia chứ không được mang ra theo cửa phía về Việt Nam. Vậy đâu mới là sự thực của vấn đề?

Chiều cùng ngày, một anh bạn trong đoàn muốn mua thêm bia Heneiken nên chúng tôi quay lại siêu thị Smilling. Mặc dù đã mượn thêm một CMND của người trong đoàn nhưng anh vẫn bị vượt quá số tiền quy định. Ngay lúc đó, nhân viên tính tiền mở ngăn kéo, lấy một mảnh giấy nhỏ trong xấp mã số CMND của những người đã từng tới siêu thị mua hàng để “giải cứu”.

Qua hình thức này, có thể thấy các đối tượng gom hàng có lẽ cũng dùng thủ đoạn này để mua được nhiều hàng. Chính vì vậy, ở những quầy thanh toán, chúng tôi còn thấy hiện tượng người cho thuê CMND xin mẩu giấy mã số của người mua hàng.

Cơ quan chức năng có hay biết những thủ đoạn này hay chưa? Câu hỏi này xin gửi tới Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và cơ quan Thuế Tây Ninh?

KKTCK Mộc Bài đã đi vào hoạt động nhiều năm qua và rất nhiều bài báo đã đề cập đến những vấn nạn nơi đây và cũng đến lúc cần xem lại lợi ích thực sự của các khu kinh tế cửa khẩu. Đây có phải là nơi để giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và Camphuchia hay là nơi tiếp tay cho nạn buôn lậu bằng mánh lới nhập hàng và đưa về siêu thị vùng biên để trốn thuế rồi tìm cách tuồn lại vào thị trường?  Có năm, doanh số của toàn khu đạt đến hơn 12.000 tỉ đồng, vậy số thuế mà nhà nước bị thất thu không nhỏ, ước tính cũng lên đến hàng nghìn tỷ/năm.