Lùi thời hạn áp dụng quy định ghi tên người sử dụng đất trong sổ đỏ

Theo Thanh Tâm/baocongthuong.com.vn

Ngày 1/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra thông cáo, sẽ lùi thời hạn bắt buộc ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ thay vì thời điểm có hiệu lực là ngày 5/12/2017.

Chưa phải ghi tên người sử dụng đất trong sổ đỏ. Nguồn: Internet
Chưa phải ghi tên người sử dụng đất trong sổ đỏ. Nguồn: Internet

Ngày 29/9/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số  01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai và có hiệu lực từ ngày 5/12/2017. Tuy nhiên, sau khi Thông tư được ban hành, dư luận băn khoăn về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện; trong đó, lo ngại làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, nhũng nhiễu khi thực hiện…

Về tính hợp pháp của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường một lần nữa khẳng định: Việc hướng dẫn ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT là phù hợp với quy định tại Khoản 29 Điều 3, Khoản 1 Điều 97 và Khoản 2 Điều 98 của Luật Đất đai; Điều 101 và Điều 212 của Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư Tư pháp cũng khẳng định quy định này là đúng đắn, tiến bộ, xác định rõ ràng chủ thể  là thành viên có chung quyền sử  dụng đất được tham gia vào các giao dịch về  quyền sử dụng đất, giảm thiểu hạn chế vướng mắc, ngăn ngừa tranh chấp phát sinh trong các giao dịch về  quyền sử  dụng đất; nhằm minh bạch về  tài sản, hỗ trợ  tích cực cho việc xác định chính xác đối tượng được bồi thường, hỗ trợ  khi Nhà nước thu hồi đất, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước, bảo đảm sự công bằng cho người sử dụng đất…

Về băn khoăn của dư luận là vướng mắc có thể phát sinh khi áp dụng Thông tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích rõ: Đối tượng áp dụng của quy định này chỉ điều chỉnh cho chủ thể sử dụng đất là “hộ gia đình” mà trong đó có các thành viên có chung quyền sử dụng đất; Các trường hợp khác như quyền sử dụng đất của cá nhân, của vợ và chồng, dòng họ… thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành (Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT).

Việc ghi tên người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận đối với quy định này chỉ áp dụng đối với thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 của Luật Đất đai (theo đó, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất) mà không phải là nhân khẩu trong Sổ hộ khẩu như dư luận lo ngại;

Quy định này chỉ hướng dẫn kỹ thuật cách ghi tên của người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận nằm trong thủ tục đăng ký lần đầu hoặc đăng ký biến động đã và đang áp dụng theo Bộ thủ tục hành chính đã được quy định và công bố công khai, chứ không làm phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào;

Giấy chứng nhận đã cấp tại thời điểm trước đây theo quy định của pháp luật về đất đai vẫn có giá trị pháp lý người sử dụng đất không cần phải thực thủ tục cấp đổi. Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT không quy định việc phải cấp đổi này như lo ngại của dư luận.

Bộ sẽ lùi thời hạn có hiệu lực lại cho đến khi nghiên cứu kỹ, làm công tác truyền thông để người dân nhận thức được các lợi ích mang lại, cũng như đảm bảo cơ sở pháp lý khi xảy ra tranh chấp... - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - chia sẻ.