Mất tiền tỉ vì “thông báo tín dụng 60 tỉ đồng”: Dùng giấy giả lừa nạn nhân!

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) - khẳng định: “Thông báo tín dụng 60 tỉ đồng” mà ông Nguyễn Huỳnh Đức dùng để lòe các nạn nhân rồi vay tiền tỉ là giấy giả, không liên quan gì đến ngân hàng.

Thông báo tín dụng giả do ông Đức cung cấp. Nguồn: laodong.com.vn
Thông báo tín dụng giả do ông Đức cung cấp. Nguồn: laodong.com.vn
Ngày 11/12, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong có công văn số 589/2013 gửi Báo Lao Động xung quanh bài báo “Mất tiền tỉ vì “thông báo tín dụng 60 tỉ đồng”.  Như đã thông tin, cuối năm 2011, ông Nguyễn Huỳnh Đức - Giám đốc Công tư TNHH MTV Bách Lạc (ấp Trung An, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) - gặp nhiều người và trưng ra “thông báo tín dụng” do Ngân hàng Tiên Phong chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phát hành, có đóng dấu đỏ nhằm mục đích vay tiền. Theo thông báo này, ông Đức đề nghị ngân hàng tài trợ vốn 60 tỉ đồng để ông thực hiện dự án Nhà máy sản xuất bao bì Bách Lạc tại TP. Mỹ Tho, tổng mức đầu tư 257 tỉ đồng, thời hạn trong vòng 72 tháng.

Văn bản ký tên bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, thừa lệnh Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong, đồng ý cho Bách Lạc vay 60 tỉ đồng. Có giấy này, ông Đức đi vay mượn của nhiều người khoảng 15 tỉ đồng. Ngoài “lá bùa” là “thông báo tín dụng”, ông Đức còn được sự giúp sức của ông Nguyễn Văn Non – Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng An Bình - chi nhánh Tiền Giang. Trong hầu hết các giấy tờ nhận nợ, ông Non đều ký bảo lãnh với nội dung “ông Đức không trả nợ thì tôi sẽ trả”. Tuy nhiên, ông Đức không trả đồng nào, ông Non cũng im luôn, nên các nạn nhân khiếu nại khắp nơi.

Theo công văn do ông Nguyễn Hưng ký, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga không ký bất kỳ thông báo tín dụng nào trị giá 60 tỉ đồng đối với Công ty Bách Lạc. Mẫu thông báo tín dụng mà ông Nguyễn Huỳnh Đức sử dụng không có số, cũng không phải là mẫu của Ngân hàng Tiên Phong. Do việc giả mạo giấy tờ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngân hàng, nên ngân hàng sẽ làm việc với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng này.

Chiều 11/12, trao đổi  về “thông báo tín dụng” này, ông Nguyễn Huỳnh Đức cho biết: “Tôi hợp tác với các công ty ở TP. Hồ Chí Minh để mở rộng sản xuất nên phải vay vốn. Họ nói với tôi muốn vay 60 tỉ đồng thì chi phí giao dịch sẽ là 10%. Thông báo này là do họ đưa cho tôi, chứ tôi không biết bà Nga, cũng không biết ai ở Ngân hàng Tiên Phong cả”. Khi phóng viên đặt câu hỏi, ai là người đưa “thông báo tín dụng” để ông Đức đi lòe các nạn nhân thì ông Đức trả lời: “Tôi cũng không nhớ ai đưa luôn!”.

Liên quan đến dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Huỳnh Đức, nhiều nạn nhân của ông viết đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Tiền Giang từ rất lâu. Tuy nhiên, từ công an đến viện kiểm sát cấp tỉnh đều cho rằng đây chỉ là vụ việc dân sự. “Nếu anh mà lừa đảo thì công an bắt anh rồi, đâu có tự do thoải mái mà nói chuyện với em” - ông Đức nói với phóng viên.

Trong khi ông Đức ung dung với số nợ khổng lồ thì những nạn nhân của ông đang kêu bán nhà, bán xe để trả nợ.