Nhà thầu xây dựng vi phạm có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ có các biện pháp tăng cường pháp chế để xử lý các nhà thầu tư vấn quản lý dự án thiếu năng lực do chủ đầu tư thuê, xử lý các đơn vị vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng không thi hành quyết định xử phạt.

Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng lên đến 1 tỷ đồng. Nguồn: internet
Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng lên đến 1 tỷ đồng. Nguồn: internet

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời cử tri tỉnh Nghệ An như sau:

Theo quy định hiện hành thì các tiêu chí về điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn quản lý dự án đã được quy định rất cụ thể tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Đồng thời, pháp luật về đấu thầu cũng đã quy định các tiêu chí lựa chọn nhà thầu trong đó có nhà thầu tư vấn hoạt động xây dựng, một trong các tiêu chí đó là nhà thầu phải có điều kiện năng lực đáp ứng với quy mô, tính chất của gói thầu.

Tuy nhiên, đúng như phản ánh của cử tri tỉnh Nghệ An, trong thực tế, nhiều chủ đầu tư dự án sử dụng vốn Nhà nước đã không thực hiện đúng các quy định. Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, chủ yếu quan tâm đến giá dự thầu thấp nhất mà không quan tâm đến năng lực của nhà thầu, dẫn đến trong quá trình thực hiện không đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm hoạt động xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng lên đến 1 tỷ đồng; đồng thời quy định nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt của cơ quan có thẩm quyền thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định này còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề và quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm và các biện pháp khác đối với từng hành vi vi phạm.

Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể và chặt chẽ nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động xây dựng. Song thực tế vẫn còn những vấn đề như cử tri của tỉnh Nghệ An nêu.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, trong đó đã coi trọng việc tăng cường quản lý các dự án đầu tư xây dựng theo nguyên tắc các dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau thì quản lý khác nhau; coi trọng hiệu quả đầu tư dự án sử dụng vốn Nhà nước, thông qua công tác thẩm định của các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng. Đồng thời, sẽ chuyển đổi mô hình quản lý dự án theo hướng thành lập các Ban quản lý dự án chuyên ngành có đủ điều kiện năng lực để quản lý dự án và giao làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.