Thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMTND là không chính xác

Theo An Nhi/kinhtevadubao

Tại cuộc họp báo ngày 07/11 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMTND là không chính xác, mà sẽ có lộ trình thực hiện trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, hiện các thủ tục giấy tờ về quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành thực hiện chủ yếu bằng hình thức thủ công, chủ yếu phục vụ cho hoạt động của ngành mình mà chưa phục vụ mục tiêu quản lý chung, chia sẻ, kết nối với nhau. Khi tiến hành giải quyết thủ tục hành chính, công dân phải xuất trình nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân thân, gây phiền hà, lãng phí.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã có quyết định giao Bộ Công an nghiên cứu, thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 896) nhằm tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thông qua việc thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản về dân cư sẽ tạo lập một hệ cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân thông qua việc tra cứu thông tin dữ liệu khi giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực khác trên toàn quốc, khắc phục tình trạng thu thập, cập nhật thông tin dân cư trùng lắp, gây lãng phí.

Việc đề xuất đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Bộ Công an dự kiến sẽ hoàn thành dự án này trong khoảng 2-3 năm.

Chỉ sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì mới có cơ sở để các bộ, ngành xây dựng phương án và đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, các giấy tờ liên quan đến quản lý công dân cho phù hợp và đảm bảo tính khả thi.

“Do vậy, thông tin về việc bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân kể từ ngày 30/10/2017 như một số báo đã đăng tải là không chính xác, mà sẽ có lộ trình thực hiện trong thời gian tới”, Trung tướng nói.

Hiện tại, sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân vẫn còn nguyên giá trị theo quy định của Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân và việc xóa bỏ các loại giấy tờ này đang được Chính phủ giao Bộ Công an thực hiện theo lộ trình.

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, hiện tại nước ta đang có ba loại giấy tờ chứng minh nhân thân, bao gồm: Chứng minh thư nhân dân cũ (9 số), Chứng minh thư nhân dân mới (12 số), thẻ Căn cước công dân. Cả ba loại giấy tờ trên đều có giá trị sử dụng như nhau.

Hiện tại Bộ Công an đã tổ chức cấp thẻ Căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và cấp Chứng minh thư nhân dân (9 số) cho công dân tại 47 tỉnh, thành phố.

Theo lộ trình, đến ngày 1/1/2020, sẽ mở rộng và cấp căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc, khi đó căn cước công dân sẽ dần thay thế cho chứng minh thư nhân dân hiện nay.

“Tuy nhiên, người dân vẫn có quyền sử dụng chứng minh nhân dân chưa hết hạn”, Trung tướng nhấn mạnh.

Đến thời điểm này sẽ bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy thay vào đó là quản lý căn cước công dân và mã số định danh cá nhân với 15 trường thông tin cơ bản, mà nhiều cơ quan quản lý đều cần có để cập nhật thông tin về cá nhân đó.

Mỗi công dân chỉ cần cho biết số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý tra cơ sở dữ liệu sẽ nắm được các thông tin cơ bản về công dân đó.

Bộ Công an sẽ tổ chức thu thập, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin cơ bản của toàn bộ công dân Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tiến hành cấp cho mỗi công dân một số định danh cá nhân duy nhất. Đây chính là chìa khóa để tiến hành kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Mã số định danh cá nhân gồm 12 chữ số, được cấp cho công dân Việt Nam từ khi chào đời (giấy khai sinh) đến khi qua đời (giấy khai tử). Đây là con số sẽ theo công dân trong suốt cuộc đời. Khi công dân đủ tuổi làm thì số định danh cá nhân lúc này sẽ trở thành số chứng minh thư nhân dân, nhưng được gắn thêm các dữ liệu sinh trắc học như: Dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng khuôn mặt. Chỉ cần có mã số định danh cá nhân, sẽ có đầy đủ thông tin về nhân thân của công dân và mã số định danh cá nhân sẽ thay thế Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân trong công tác quản lý dân cư.