Xử lý khi hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối

Theo Ths. LS Nguyễn Tiến Nùng/lsvn.vn

Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, một trong các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là: “Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo quy định này, cụm từ “người tham gia giao dịch” của BLDS 2005 đã được sửa đổi thành cụm từ “chủ thể” và nội hàm cũng được mở rộng từ “có năng lực hành vi dân sự” sang “có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập” để phản ánh đúng hơn các giao dịch dân sự phát sinh trên thực tế.
Ngoài ra, Điều 122 BLDS 2015 ghi rõ: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”.
Đồng thời, Điều 116 cũng quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, một hợp đồng được ký kết bởi một người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện sẽ không có giá trị pháp lý.

Trên thực tế có nhiều hợp đồng được ký kết giữa người không có quyền đại diện của pháp nhân với khách hàng, đối tác và người lao động. Dưới đây là một vụ việc điển hình:

Xác định thẩm quyền đại diện của người đại diện theo ủy quyền khi ký kết hợp đồng

Ngày 31/12/2015 tại Hà Nội, ông S ký một hợp đồng cung cấp dịch vụ với Công ty TNHH P có trụ sở tại K.H và văn phòng tại Hà Nội. Khoảng 10 ngày sau đó, ông S nhận được bản hợp đồng có đóng dấu Công ty và chữ ký của ông D.T.A - Giám đốc tài chính và là thành viên góp vốn của Công ty. Ông D.T.A ký theo giấy ủy quyền của ông H.P - Tổng giám đốc ký ngày 18/12/2015 có hiệu lực tới ngày 31/12/2016.

Sau khi đã hoàn tất 80% khoản thanh toán của hợp đồng, ông S nhận được nhiều thông tin tiêu cực về sản phẩm của Công ty P và không hài lòng với dịch vụ được cung cấp nên tháng 09/2016, ông S có đề nghị Công ty P hủy hợp đồng và hoàn tiền thanh toán nhưng Công ty lấy lý do hợp đồng có điều khoản không hủy ngang và không hoàn tiền cho ông S.

Ngoài hợp đồng cung cấp dịch vụ trên, trong khoảng thời gian tương tự, ông D.T.A đã ký nhiều hợp đồng với khách hàng khác và các hợp đồng lao động với người lao động của Công ty P. Điển hình, ngày 02/02/2016 ông D.T.A ký hợp đồng lao động với ông N sau khi ông N đã làm việc tại Công ty P được 06 tháng và cũng theo giấy ủy quyền của ông H.P với nội dung như sau: “Tôi, H.P, là Tổng giám đốc của Công ty, mang hộ chiếu số 51….2 do Cục Căn cước và Hộ chiếu Anh Quốc cấp ngày …, bằng văn bản ủy quyền cho ông D.T.A, là Giám đốc tài chính của Công ty, mang chứng minh nhân dân số 01…..8 do Công An thành phố Hà Nội cấp ngày …, để thay mặt tôi và Công ty ký hợp đồng lao động”.

Điều đáng nói trong sự việc này, khi lựa chọn sản phẩm dịch vụ và ký kết hợp đồng lao động, cả ông S và ông N đều tin rằng Công ty P là một công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn hàng trăm triệu đô la Mỹ và Tổng giám đốc cũng là người nước ngoài.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2016, qua tìm hiểu, ông S và ông N mới biết Công ty P chỉ là một công ty TNHH hai thành viên có vốn 105 tỷ VND (một trăm lẻ năm tỷ đồng) và đến tận ngày 08/4/2016, ông H.P mới chính thức được Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh K.H công nhận chức danh tổng giám đốc, còn vào thời điểm ông H.P ủy quyền cho ông D.T.A ký hợp đồng với ông S và ông N, ông H.P chưa phải là đại diện theo pháp luật của Công ty P. Trước những thông tin như vậy, ngày 07/02/2017, ông N làm đơn gửi đến Công ty P đề nghị làm rõ tư cách đại diện của ông H.P trong việc ủy quyền cho ông D.T.A nhưng Công ty P không trả lời.

Do vụ việc phát sinh từ thời điểm BLDS 2015 chưa có hiệu lực nên chúng tôi đề cập đến các quy định của cả BLDS 2005 và BLDS 2015. Theo Điều 139 BLDS 2005: “Quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo ủy quyền” và theo Điều 140 BLDS 2005: “Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định”.

Chuyển sang BLDS 2015, căn cứ xác lập quyền đại diện được quy định tại Điều 135: “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật)”

Đặc biệt, khoản 1 Điều 137 BLDS 2015 quy định rõ: “Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm: a) người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; b) người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; c) người do tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại tòa án”. Không những vậy, pháp luật còn yêu cầu: “Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình” (khoản 4, Điều 141 BLDS 2015).

Trong vụ việc trên, ngày 08/4/2016, ông H.P mới chính thức là Tổng giám đốc - người đại diện theo pháp luật của Công ty P. Điều này đồng nghĩa với việc điều lệ có quy định tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật và Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh K.H chính là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cuối cùng và chỉ từ ngày 08/4/2016, ông H.P mới có đủ thẩm quyền ký kết các giấy tờ pháp lý của Công ty P, bao gồm cả giấy ủy quyền.

Từ đó, có thể khẳng định quyền đại diện theo ủy quyền của ông D.T.A vào thời điểm 18/12/2015 là không phù hợp các quy định của pháp luật, nhưng ông D.T.A vẫn ký kết hàng loạt hợp đồng theo ủy quyền của ông H.P. Điều này có nghĩa là các hợp đồng ký kết giữa ông D.T.A với ông S, ông N và các hợp đồng khác ký theo ủy quyền ngày 18/12/2015 đều có thể bị tuyên bố vô hiệu.     

Xác định dấu hiệu lừa dối trong vụ việc

Theo Điều 127 BLDS 2015, giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép và “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.

Liên quan đến Công ty P, không phải chỉ ông S và ông N mà còn nhiều người khác hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất và nội dung của giao dịch do các quảng cáo trước tháng 01/2017 của Công ty P đều ghi Công ty P là một công ty 100% vốn nước ngoài, được đầu tư bởi tỷ phú đô la và có trụ sở tại Hà Nội.

Việc đưa thông tin không rõ ràng và có chủ ý như vậy rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiếp nhận. Cụ thể trong quảng cáo tuyển dụng tháng 02/2017, tại phần “Về công ty chúng tôi” có ghi: “Công ty P là công ty 100% vốn nước ngoài được đầu từ bởi tỷ phú…” và tại trang 28 của cuốn tạp chí phát hành tháng 04/2015, Công ty P cũng nhấn mạnh: “tháng 09/2013, khai trương trụ sở Hà Nội và tháng 01/2015, khai trương văn phòng thứ hai tại TP. Hồ Chí Minh, nâng tổng số nhân viên lên 600 người”.

Tuy giới thiệu thế, nhưng Công ty P chỉ là công ty do một pháp nhân Singapore và một cá nhân Việt Nam thành lập với số vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng và có trụ sở tại tỉnh xa Hà Nội.

Không những vậy, ngay cả khi ký kết hợp đồng, Công ty P cũng khéo léo để vị tổng giám đốc chưa được thừa nhận theo quy định của pháp luật ủy quyền cho thành viên góp vốn ký kết hợp đồng với khách hàng, đối tác và người lao động. Nếu không tìm hiểu kỹ, thật khó ai có thể phát hiện ra các kỹ thuật này!

Đó là chưa kể đến nội dung của giao dịch là một loại hàng hóa liên quan đến bất động sản, hình thành trong tương lai và chưa có dấu hiệu triển khai xây dựng trước tháng 08/2016 nhưng đã được giới thiệu nhằm bán ra thị trường với số lượng lớn.

Yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối và người ký kết của pháp nhân không có quyền đại diện xác lập, thực hiện

Khi ký kết hợp đồng có yếu tố nước ngoài, các bên cần chú ý đến luật áp dụng của hợp đồng và cơ quan giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhất là khi người lao động tham gia ký kết hợp đồng lao động và người tiêu dùng tham gia ký kết hợp đồng tiêu dùng[1].

Đối với hai đối tượng này, nếu điều khoản của hợp đồng gây bất lợi hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của họ thì trên nguyên tắc pháp luật Việt Nam và tòa án Việt Nam sẽ được ưu tiên áp dụng.

Trong hoạt động kinh doanh hiện nay, không ít các đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ soạn sẵn hợp đồng với điều khoản lựa chọn trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, phương thức này có thể bị lạm dụng bởi bên có ưu thế trong quan hệ lao động, tiêu dùng nên pháp luật có những quy định để bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong trường hợp cần có sự phân xử.

Cụ thể, Điều 17 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn trọng tài hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”.

Đây là một cơ chế thực sự có lợi cho người tiêu dùng. Khi khách hàng và đơn vị kinh doanh hàng hóa dịch vụ không tìm được tiếng nói chung thông qua thương lượng hoặc hòa giải thì tòa án chính là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nói chung và tuyên bố hợp đồng vô hiệu nói riêng.

Trong vụ việc trên, có những khách hàng đã đóng vài chục % giá trị hợp đồng nhưng bỏ không tiếp tục đóng; có những khách hàng đã đóng tiền nhưng không muốn tiếp tục hợp đồng và muốn rút lại tiền nhưng Công ty P không chấp thuận với lý do hợp đồng có điều khoản không hủy ngang và nếu giải quyết tranh chấp phải chuyển sang Trọng tài Singapore[2]. Vậy khách hàng phải làm những thủ tục gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

Thứ nhất, khách hàng có thể trực tiếp gửi đơn đề nghị Công ty chấp thuận hợp đồng vô hiệu và yêu Công ty trả lại khoản tiền đã đóng góp. Thứ hai, khách hàng có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu làm rõ việc ủy quyền trái pháp luật và đề nghị can thiệp để rút lại khoản tiền đã thanh toán. Thứ ba, khách hàng có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của BLDS.

Liên quan đến người lao động trong diễn biến trên, ông N cũng có thể yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu và đề nghị tòa án bảo vệ trong trường hợp quyền và lợi ích chính đáng của mình bị xâm hại.

Khi quyết định đưa vụ việc ra tòa án giải quyết, vấn đề thời hiệu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Khoản 1 Điều 132 BLDS 2015 quy định: “Thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm” và có liệt kê các căn cứ để tính thời hiệu.

Điều này có nghĩa, giao dịch dân sự do: người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 125); giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 126); giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127); giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129) thì việc yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu có giới hạn 2 năm.

Một điểm cần lưu ý là nếu hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 132 mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực và khoản 3 Điều 132 cũng nhấn mạnh: “Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế”.

Như vậy, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội và giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì không bị hạn chế. Đối với vụ việc trên, thời hiệu có thể được xem xét dựa vào thời điểm ông S biết được ông D.T.A không có thẩm quyền ký kết hợp đồng, tức ông đã bị lừa dối về chủ thể xác lập quan hệ pháp luật.

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự do bị lừa dối và người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện

Khoản 1 Điều 131 BLDS 2015 quy định: “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập”. Như vậy, khi hợp đồng vô hiệu thì quyền và nghĩa vụ các bên không được pháp luật thừa nhận.

Nếu hợp đồng mới thực hiện thì các bên không thực hiện nữa và nếu đã thực hiện thì không tiếp tục thực hiện và các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại Điều 131 BLDS 2015, “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả”.

Quay trở lại trường hợp của ông S, hợp đồng đã thực hiện một phần do ông S đã đóng 80% giá trị hợp đồng, tuy nhiên về bản chất thì hợp đồng chưa có giá trị pháp lý vì đối tượng của hợp đồng chưa tồn tại và Công ty P có sự lừa dối nên việc Công ty P hoàn trả lại cho ông S số tiền đã nhận là phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu, Điều 131 BLDS 2015 cũng quy định “Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Như vậy, ông S hoàn toàn có thể yêu cầu Công ty P bồi thường thiệt hại cho mình bằng việc yêu cầu Công ty P trả lãi theo quy định của pháp luật ngay cả khi hợp đồng có điều khoản miễn trừ trách nhiệm bồi thường.

Thực tiễn cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về hợp đồng là việc người đứng đầu của pháp nhân chưa hiểu đúng hoặc cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về tư cách đại diện. Nhiều trường hợp chủ thể vi phạm nhận thức hành vi của mình là sai nhưng họ đều cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì và hợp đồng chỉ là “hình thức”, còn thực tế mới quan trọng nên họ sẵn sàng để người khác ký kết hợp đồng thay mình nhằm tránh được các hậu quả pháp lý.

Nhiều trường hợp, đại diện pháp nhân tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về ủy quyền ở thời gian đầu nhưng sau đó do người lao động, đối tác và khách hàng không đề cập đến văn bản ủy quyền nên họ không tuân thủ quy định và thường chỉ ghi thông tin ủy quyền ngay cả khi giấy ủy quyền hết hiệu lực hoặc không được lập trên thực tế. Việc này không những gây ảnh hưởng đến các chủ thể khác mà còn gây ra những hậu quả bất lợi cho chính pháp nhân.

Đã có những trường hợp người đại diện không có thẩm quyền vẫn ký kết hợp đồng, thực hiện những giao dịch tài chính bên ngoài nhưng không báo cáo cho người đại diện làm ảnh hưởng đến uy tín, thiệt hại cho pháp nhân. Ngoài ra, hiện nay các quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn còn thiếu các hướng dẫn chi tiết và không theo sát với các quan hệ phát sinh trong cuộc sống, thiếu tính răn đe và bảo vệ.

Vì vậy, trong thời gian tới Nhà nước cần đưa ra những quy định chi tiết phù hợp với đời sống, trong đó có việc ban hành các văn bản giải thích, hướng dẫn thống nhất về luật nội dung và luật hình thức (thủ tục tố tụng) để các ngành, các cơ quan hiểu và áp dụng. Chẳng hạn, pháp luật cần bổ sung quy định trong tất cả các hợp đồng ký theo ủy quyền bắt buộc phải kèm theo một giấy ủy quyền có xác nhận sao y của tổ chức hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng án lệ sẽ có vai trò rất lớn trong việc giải quyết các vụ việc phát sinh đa dạng trong kinh doanh nên Tòa án nhân dân tối cao cần sớm tập hợp, ban hành các tập án lệ nhằm làm cơ sở giải quyết các vụ việc tương tự. Đây chính là tài liệu quan trọng để tòa án các cấp vận dụng khi xét xử, nhằm đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật thống nhất và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người dân.

[1] Xem bài: “Những điểm mới của pháp luật Việt Nam liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài”, của TS Ngô Quốc Chiến và LS Nguyễn Tiến Nùng, Tạp chí Luật sư Việt Nam, tháng 9/2016.

[2] Hợp đồng có điều khoản lựa chọn Trọng tài Singapore là cơ quan giải quyết tranh chấp.