Vẫn “nóng” buôn lậu thuốc lá

Theo Hoàng Anh/daibieunhandan.vn

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá tại biên giới các tỉnh Tây Nam vẫn “nóng”. Trong khi đó, những vướng mắc giữa các văn bản pháp luật về chế tài xử lý đã gây ách tắc ở nhiều khâu, khiến cơ quan chức năng chưa thể tiến hành xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Tình trạng buôn lậu thuốc lá tại biên giới các tỉnh Tây Nam vẫn “nóng”. . Nguồn: Internet
Tình trạng buôn lậu thuốc lá tại biên giới các tỉnh Tây Nam vẫn “nóng”. . Nguồn: Internet

Chia lẻ hàng đưa vào nội địa

Bên kia biên giới cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), không khó để nhận ra ghe thuyền chất đủ loại thuốc lá ngoại ẩn chờ dưới các con kênh, lẩn trốn lực lượng chức năng. Chỉ tới đêm khuya, hàng hóa mới được đóng thành kiện, vượt kênh tập kết tại các kho hàng rồi được cửu vạn mang vác len lỏi qua các lối mòn, đường tắt thâm nhập sâu vào nội địa.

Không như những năm trước, năm nay các “nài” (người chở hàng thuê) ở An Giang không chở một lúc 10 đai (mỗi đai 600 gói thuốc lá) mà chỉ chở chưa tới 1 đai/lần nhằm tránh nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sửa đổi (hiện nay luật quy định người chuyên chở, buôn bán 1.500 bao thuốc lá lậu trở lên mới bị xử lý hình sự, trước đây là 500 bao thuốc).

“Đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu phần lớn là người dân địa phương thông thạo địa bàn. Khi bị chúng tôi phát hiện, họ sẵn sàng đánh trả, cướp lại hàng và tẩu tán tang vật, phương tiện vi phạm. Một số tội phạm khác lại sử dụng xuồng máy, lợi dụng kênh rạch chằng chịt để vận chuyển ngược lại biên giới”, một kiểm soát viên thuộc Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang cho biết.

Từ Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (An Giang), nhìn sang phía biên giới Campuchia là một vùng quê yên bình nhưng ít ai biết rằng, ẩn giấu trong vẻ bình yên đó, hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn âm thầm diễn ra.

Tuyến biên giới Tây Nam dài 340km đi qua các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang là cung đường “nóng” của tội phạm buôn lậu thuốc lá. Hàng chục nghìn bao thuốc trốn thuế luôn trực chờ để thâm nhập vào thị trường nội địa, bất chấp sự kiểm soát gay gắt của cơ quan chức năng, trong đó mục tiêu của tội phạm buôn lậu là thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Mặt hàng thuốc lá nhập lậu được vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh bằng nhiều ngả đường. Tuyến kênh Thầy Cai là một điểm nóng với số lượng lớn. Ngoài ra, tội phạm còn chuyển hàng từ Vàm Trảng - Trảng Bàng (Tây Ninh) tập kết tại bãi Than Bùn - Hóc Môn, sau đó chuyển tiếp bằng xe gắn máy đưa về các quận trong thành phố tiêu thụ.

Gần đây, do có sự tăng cường phối hợp kiểm tra của các lực lượng chức năng nên các đối tượng đã hoạt động dè dặt hơn và có chiều hướng chuyển đổi vận chuyển từ đường thủy sang đường bộ. Chúng chủ yếu sử dụng xe khách, xe taxi, xe du lịch, xe tải… chở hàng với số lượng lớn, đi theo các tuyến đường bộ như tỉnh lộ 2, 7, 8, 15, Quốc lộ 22….

Hàng hóa vào tới trung tâm thành phố trót lọt được giấu tại nhiều địa điểm mà khu vực trọng điểm là các ngôi nhà nhỏ trên tuyến đường Học Lạc (quận 5) và Trần Quốc Toản (quận 3). Sau khi giấu hàng, tội phạm nhanh chóng chẻ nhỏ thuốc lá đi tiêu thụ ngay.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tội phạm buôn lậu thuốc lá thực hiện có tổ chức, hình thành nhiều đường dây với sự móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong nội địa và ở nước bạn Campuchia. Việc vận chuyển được chia thành nhiều nhóm đông người, có người cảnh giới, canh đường, theo dõi lực lượng chức năng.

Chúng thường sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như điện thoại di động không hiện số nhằm tránh sự kiểm soát. Mặt khác, các đối tượng vận chuyển thuốc lá sẵn sàng manh động ra tay chống trả lực lượng làm nhiệm vụ để tạo điều kiện cho đồng bọn tẩu thoát hàng”.

7,5 triệu bao thuốc bị tiêu hủy

Năm 2017, công tác phối hợp chống buôn lậu thuốc lá của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã được đẩy mạnh, như cùng với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp hoạt động theo Chỉ thị 30/CT-TTg, kiểm tra tình hình buôn lậu các tỉnh biên giới Tây Nam.

Hiệp hội cũng phối hợp với Cục QLTT Bộ Công thương thực hiện chương trình tuyên truyền chống buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, triển khai đến Chi cục QLTT 18 tỉnh, thành phố dán áp phích tuyên truyền. Phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện các phóng sự thực trạng buôn lậu tại Long An, An Giang và các điểm bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An tổ chức tuyên truyền về hệ lụy và tác hại của việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Tổng cộng đã có 660 đại biểu tham dự, góp phần nâng cao ý thức của cư dân vùng biên giới Tây Nam trong công cuộc chống buôn lậu thuốc lá điếu.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam tích cực phối hợp  với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc Quyết định 2371/QĐ-TTg ngày 26-12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, kịp thời thanh toán kinh phí hỗ trợ bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá nhập lậu cho lực lượng chức năng.

Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, số lượng thuốc lá ngoại nhập lậu, thuốc lá giả bị tiêu hủy trong năm 2017 đạt 7,5 triệu bao.

Dẫu vậy, do sự vướng mắc giữa các luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn về chế tài xử lý hành vi buôn bán thuốc lá lậu, đã gây ách tắc ở nhiều khâu, khiến các cơ quan chức năng chưa thể tiến hành xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Các đơn vị trong Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã tích cực phát triển nhiều loại sản phẩm trung, cao cấp, phần nào đẩy lùi thuốc lậu ở một số thị trường Tây Nam bộ, nhưng chưa đủ sức cạnh tranh mạnh mẽ với thuốc lá nhập lậu.