Ví điện tử, tiền ảo, cầm đồ, cho vay trực tuyến... tiềm ẩn rủi ro rửa tiền

Theo Hương Dịu/haiquanonline.com.vn

Ngân hàng Nhà nước cho hay, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực có rủi ro rửa tiền nhưng chưa được đưa vào đối tượng báo cáo theo Luật Phòng chống rửa tiền, cụ thể là 4 đối tượng: Ví điện tử, cho vay trực tuyến, tiền ảo, dịch vụ cầm đồ.

Phòng chống rửa tiền góp phần giảm thiểu tội phạm. Ảnh: Internet
Phòng chống rửa tiền góp phần giảm thiểu tội phạm. Ảnh: Internet

Hiện nay, Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. Theo NHNN, còn 4 đối tượng có rủi ro rửa tiền đang bị “lọt lưới” chưa được đưa vào đối tượng báo cáo theo Luật Phòng chống rửa tiền.

Thứ nhất là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Theo NHNN, ví điện tử đang ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc, nhưng bên cạnh tiện ích, ví điện tử cũng có dấu hiệu bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…).

Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) - một cơ quan liên chính phủ được thành lập vào năm 1989 với chức năng xây dựng, ban hành các chuẩn mực và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hoạt động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt... - cũng khuyến nghị, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (đặc biệt là cung ứng dịch vụ ví điện tử) cần phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Đối tượng thứ hai được NHNN đưa ra là các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản ảo. Nguyên nhân do lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố khi chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền "sạch" hoặc chuyển các khoản tài trợ cho khủng bố thông qua việc mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.

Hiện nay, Bitcoin và nhiều đồng tiền ảo hiện được giao dịch rộng rãi trên các sàn giao dịch tiền ảo như một loại “chứng khoán”, với việc gia tăng giá trị nhanh chóng trong thời gian qua, các đồng tiền ảo đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tài sản ảo diễn ra hết sức sôi động và đang tạo ra các cơn sốt giao dịch trong thời gian qua. Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch tiền ảo, tài sản ảo.

FATF cũng nhiều lần chỉ ra các rủi ro tiềm tàng về rửa tiền, tài trợ khủng bố của tiền ảo và khuyến nghị, yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, được đăng ký, cấp phép và chịu sự quản lý giám sát.

Thứ ba là các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến (cho vay ngang hàng - P2P lending). Hiện trên thị trường có khoảng 100 công ty trong lĩnh vực P2P lending, bao gồm công ty đã hoạt động chính thức lẫn trong giai đoạn thử nghiệm (theo dự thảo mới đây), trong đó, nhiều công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia…. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về hoạt động cho vay trực tuyến, nhưng cũng không có quy định cấm đối với hoạt động này.

Thứ tư là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Theo NHNN, nếu như trước đây hoạt động cầm đồ chủ yếu là cầm cố điện thoại, xe đạp, đồng hồ... là những tài sản có giá trị không lớn, thì ngày nay hoạt động này đã chuyển mạnh mẽ sang cầm cố các tài sản có giá trị lớn nhưng lại rất khó kiểm soát… trong đó có cả việc nhận cầm cố, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.

Với những phân tích như trên, NHNN đề nghị bổ sung các tổ chức, cá nhân kinh doanh 4 dịch vụ trên vào danh sách đối tượng phải báo cáo theo Luật Phòng chống rửa tiền. Theo đó, các đối tượng này thực hiện nghĩa vụ báo cáo, cung cấp, lưu giữ thông tin theo quy định của Luật Phòng chống rửa tiền, có trách nhiệm báo cáo NHNN khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền.

NHNN nhận định, việc mở rộng phạm vi của đối tượng báo cáo góp phần tăng cường nhận thức về công tác phòng chống rửa tiền đến nhóm các đối tượng báo cáo được mở rộng. Hoạt động phòng chống rửa tiền được tăng cường sẽ góp phần giảm thiểu tội phạm, đặc biệt là các tội phạm kinh tế gắn với tham nhũng, lừa đảo, buôn lậu…