Vì sao đăng ký bảo hộ vẫn trùng nhãn hiệu?

Theo Đỗ Mến/tinnhanhchungkhoan.vn

Asano đăng ký bảo hộ nhãn hiệu năm 2008, còn nhãn hiệu Asanzo được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2014. Việc cấp trùng nhãn hiệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy cơ quan quản lý là Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thẩm định như thế nào? Báo Đầu tư Chứng khoán đã phỏng vấn luật sư Lê Quang Vinh (Công ty Luật Bross và cộng sự) về vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

PV. Chủ sở hữu thương hiệu có buộc phải đăng ký nhãn hiệu không và thủ tục này được tiến hành ra sao, thưa ông?

Luật sư Lê Quang Vinh: Ðăng ký bảo hộ nhãn hiệu (thương hiệu) là không bắt buộc, nhưng việc không đăng ký bảo hộ về cơ bản có thể dẫn tới hai rủi ro: Một là, bị bên thứ ba khởi kiện xâm phạm quyền nhãn hiệu của họ được cấp văn bằng bảo hộ, bị cấm sử dụng, lưu thông hàng hóa mang nhãn hiệu đó, bị buộc phải bồi thường thiệt hại và xin lỗi bên thứ ba;

Hai là, về cơ bản rất khó có thể ngăn chặn, hoặc xử lý hành vi sử dụng nhãn hiệu đó hoặc nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu đó dùng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự bởi đối thủ cạnh tranh.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu không phức tạp. Doanh nghiệp cần phải nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Quy trình đăng ký gồm có các bước gồm nộp đơn, xét nghiệm hình thức (1 tháng), công bố đơn để bên thứ ba có thể phản đối, thẩm định nội dung trong vòng 9 tháng, thông báo cấp bảo hộ và nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.

Trên thực tế, thời gian lấy được văn bằng có thể lên tới 2 năm do tình trạng tồn đọng đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ. 

Vậy cơ quan quản lý có trách nhiệm thẩm định thế nào, bởi trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng nhãn hiệu bị cấp trùng. Phải chăng điều này phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm của doanh nghiệp khi làm thủ tục đăng ký?

Theo nguyên tắc của pháp luật Việt Nam thì một nhãn hiệu muốn được bảo hộ nhìn chung phải vượt qua được phép thử 2 bước (tiêu chuẩn bảo hộ).

Thứ nhất, nhãn hiệu xin đăng ký phải có khả năng tự phân biệt. Nghĩa là nó phải không mô tả công dụng, chức năng, thành phần, tính chất hoặc các thuộc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Thứ hai, nhãn hiệu xin đăng ký phải không được trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký hoặc được nộp đơn sớm hơn gắn liền với hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự.

Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo việc cấp bảo hộ nhãn hiệu phải tuân thủ theo quy tắc 2 bước đó. Việc cấp bảo hộ do nhầm lẫn hoặc sai lầm cũng có thể có trên thực tế, song nhìn chung tỷ lệ này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp.

Nhưng cần lưu ý, đôi khi việc cấp hay không cấp bảo hộ cho nhãn hiệu này, trong khi đã biết đến sự tồn tại của nhãn hiệu tương tự có trước còn có thể xuất hiện tùy thuộc vào quan điểm cá nhân đánh giá khác nhau về khả năng có nhầm lẫn hay không nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu. 

Trường hợp nếu muốn hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu xâm hại thì doanh nghiệp cần phải làm gì?

Luật pháp có quy định cho phép bên thứ ba hoặc người có quyền lợi liên quan có thể yêu cầu phản đối việc xin cấp bảo hộ đối với nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu xin đăng ký vẫn còn trong giai đoạn chưa xét nghiệm xong) hoặc quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu (nếu đã được bảo hộ) vì một số lý do.

Chẳng hạn như nhãn hiệu được cấp bảo hộ không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ tại thời điểm cấp (tức là nó không thỏa mãn tiêu chuẩn 2 bước nêu trên) trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp. Hoặc có thể yêu cầu hủy bỏ (không áp dụng thời hạn 5 năm như trên) dựa trên căn cứ người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu được bảo hộ đó không có tư cách (quyền nộp đơn) đăng ký nhãn hiệu đó hay còn gọi là người nộp đơn xác lập quyền với động cơ không trung thực, trái với tập quán thương mại lành mạnh.

Do đó, nếu doanh nghiệp bị thiệt hại vì nhãn hiệu được cấp bởi người khác mà mình cho rằng nhãn hiệu đó được cấp không đúng thì cần nhanh chóng tham vấn luật sư chuyên nghiệp, tìm hiểu, thu thập chứng cứ và nộp đơn yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu đúng thời hiệu.

TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh vừa tuyên buộc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam chấm dứt hành vi xâm phạm, xóa bỏ nhãn hiệu Asanzo, hình đã dán trên các sản phẩm và buộc công ty này phải bồi thường số tiền là 100 triệu đồng cho Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Đông Phương - đơn vị sở hữu nhãn hiệu Asano.

Công ty Đông Phương yêu cầu hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Asanzo của Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, tòa án xác định yêu cầu trên không thuộc thẩm quyền của tòa án kinh doanh thương mại. Vì vậy, Tòa án đã đình chỉ giải quyết yêu cầu trên. Công ty Đông Phương phải khởi kiện theo thủ tục hành chính.