Việt Nam đảm bảo thực thi hiệu quả quyền con người trên nhiều lĩnh vực

khánh Chi

Là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn coi việc bảo đảm quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực này, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Ông Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nhân quyền, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về nhân quyền do Liên Hợp quốc ban hành và đảm bảo thực thi hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền con người đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, hầu hết các xã, cụm dân cư, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người đều có điện, trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông phát triển; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra qua các giai đoạn.

Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo trước 10 năm. Đến hết năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 9,45%, vượt mức mục tiêu đề ra là 10%. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng định hướng giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu giảm số hộ nghèo còn 4% - 5% vào năm 2020.

Trên lĩnh vực quyền dân sự và chính trị, kế thừa các Hiến pháp trước đó, Quốc hội (khóa XIII) đã xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 2013. Đây là văn kiện chính trị, pháp lý thể hiện đầy đủ về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Có thể nói, những quy định về quyền con người tại Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có những quyền được xem là “nhạy cảm” cũng đã được đưa vào văn kiện này.

Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể như: Ở Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Ngoài ra, Quốc hội đã sửa và xây dựng nhiều đạo luật mới, như: Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013); Luật An ninh mạng (năm 2018)... Các quy định của những bộ luật này đều nhằm bảo đảm an ninh Quốc gia, trật tự công cộng và quyền con người.

Trong bối cảnh internet, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước ta đã bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí và đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của nhân dân. Việt Nam là quốc gia hòa mạng internet toàn cầu sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực, từ ngày 01/12/1997. Theo tổ chức nghiên cứu về mạng xã hội quốc tế - Next Web, hiện nay, Việt Nam nằm trong “Top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới” với 64 triệu người, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu.

Người dân Việt Nam ngày nay có thể tự do đăng tải các video/clip, nếu không vi phạm pháp luật. Ngoài các đài phát thanh, truyền hình của quốc gia và các tỉnh, thành phố, hiện nay, Việt Nam có tới 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Người nước ngoài và người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới mà không có bất kỳ hạn chế nào.

Những thành tựu trên là rất cơ bản và to lớn, nhất là hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân.

Với những nỗ lực trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người, Việt Nam đã được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009) và là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người.