Vô tình tiếp tay cho hàng giả

Theo Tuệ Minh/congthuong.vn

Nhiều người tiêu dùng biết sản phẩm mình mua trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, nhưng vẫn mua vì giá rẻ. Hành vi này vô tình tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân thu lợi bất chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Biết là hàng giả vẫn mua

TMĐT không còn xa lạ với người tiêu dùng hiện nay. Chỉ cần 1 điện thoại thông minh hay máy tính, người tiêu dùng đều có thể mua sắm bất kỳ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, cùng sự bùng nổ nhu cầu mua hàng hóa online, đi kèm với đó là nhiều tổ chức cá nhân lợi dụng loại hình kinh doanh này để thu lợi bất chính bằng cách kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Mặc dù vậy, phải nhìn thực tế là "có cầu thì mới có cung". Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - cho biết, điều đáng lo ngại nhất trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua TMĐT chính là nhận thức của người tiêu dùng. Có khoảng 80% người tiêu dùng biết sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm như LV, Gucci, Chanel chính hãng có giá hàng chục triệu đồng, nhưng khi đặt mua trên mạng chỉ vài trăm nghìn đồng. Nhưng vì nhu cầu làm đẹp, giá rẻ... người tiêu dùng vẫn chấp nhận.

"Như vậy, người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân thu lợi bất chính, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền" - ông Nguyễn Đức Lê nhận định.

Việc gián tiếp tiếp tay cho sự tồn tại của hàng giả, hàng nhái trên mạng internet đã góp phần cho hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có cơ hội "hoành hành". Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn khiến các doanh nghiệp chân chính cũng phải "lao đao" và công cuộc chống hàng giả, hàng nhái của lực lượng chức năng rất khó đạt được như mong muốn.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Ông Nguyễn Đức Lê cho biết, thời gian tới, lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, phối hợp cơ quan chức năng như công an, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để nâng cao chất lượng hiệu quả đấu tranh với các hành vi vi phạm trên TMĐT. Cùng với đó, phối hợp các đơn vị vận chuyển ngăn chặn ngay từ đầu; phối hợp với sàn TMĐT để ngăn ngừa việc đưa sản phẩm hàng giả, kém chất lượng bày bán công khai trên các sàn TMĐT.

"Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật không chỉ dừng lại cho các sàn TMĐT hợp tác cơ quan quản lý nhà nước, mà quan trọng nhất là người tiêu dùng. Làm thế nào để tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận diện cũng như từ bỏ thói quen sử dụng hàng nhái, hàng giả và không tiếp tay cho hành vi vi phạm này trên TMĐT" - ông Nguyễn Đức Lê chia sẻ.

Ngoài ra, để từng bước làm tốt hơn công tác chống hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT, ông Lê Đức Anh – Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số) - cho biết, thời gian tới, sẽ có ứng dụng liên quan đến công nghệ để một chứng minh thư, hoặc định danh của chủ thể khi tham gia bán hàng trên sàn TMĐT, cơ quan quản lý có thể định danh, xác định chủ thể một cách hiệu quả hơn.

Có thể nói, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc trên nền tảng TMĐT, người tiêu dùng phải thực sự là "mắt xích" quan trọng, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa hiện nay.

Thời gian tới, Tổng cục QLTT sẽ xây dựng đội ngũ chuyên trách về TMĐT và nâng cao năng lực của công chức QLTT trong việc đấu tranh vi phạm trên TMĐT.