Tỉnh Quảng Nam:

Xử phạt vi phạm trong khai thác thủy hải sản: Hiệu quả thấp

Theo Nguyễn Quang/ Báo Quảng Nam

Nghị định 42 của Chính phủ đã cụ thể hóa Luật Thủy sản về xử phạt các sai phạm trong khai thác thủy hải sản, kỳ vọng giúp nghề cá Quảng Nam đi vào nề nếp, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhiều ngư dân theo nghề câu mực khơi thường tắt GSHT khi hoạt động sản xuất trên biển. Ảnh: NQ
Nhiều ngư dân theo nghề câu mực khơi thường tắt GSHT khi hoạt động sản xuất trên biển. Ảnh: NQ

Nhiều vi phạm

Nghị định 42 đã quy định cụ thể về xử phạt khi ngư dân khai thác hải sản không đúng nghề, ngư trường, tắt giám sát hành trình (GSHT), tận diệt nguồn lợi bằng chất nổ, xung điện, đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản, sản xuất khi không có giấy tờ hợp lệ...

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Núi Thành cho rằng, Nghị định 42 phạt rất nặng các hành vi vi phạm trong khai thác thủy hải sản, đủ sức răn đe ngư dân. Địa phương tổ chức 2 buổi đối thoại với ngư dân trên địa bàn để thông tin cụ thể về Luật Thủy sản nói chung, Nghị định 42 nói riêng để ngư dân nắm bắt.

Trên địa bàn Núi Thành, hoạt động khai thác thủy hải sản không đúng quy định vẫn dai dẳng. Cụ thể, ngư dân theo nghề câu mực khơi tắt GSHT và khai thác hải sản bên ngoài vùng biển của nước ta.

Phương tiện được ngư dân đăng ký khai thác các nghề xa bờ nhưng thực chất là làm nghề giã cào gần bờ. Ngư dân sản xuất sai ngư trường, từ tuyến xa bờ vào tuyến lộng (nghề lưới vây, lưới chụp), từ tuyến lộng sang ven bờ (nghề giã cào, pha xúc)...

Xã Duy Hải (Duy Xuyên) hiện có 125 phương tiện nghề cá, trong đó có 12 tàu hành nghề pha xúc, 4 tàu theo nghề giã cào. Các phương tiện này nhiều lần hoạt động sai tuyến, đưa tàu đánh bắt hải sản ở tuyến lộng.

Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác hải sản đúng quy định.

“Điểm yếu của nghề cá địa phương là nhỏ lẻ, khai thác chủ yếu ở vùng biển ven bờ khiến suy giảm nguồn lợi. Địa phương khuyến khích ngư dân chuyển từ tuyến ven bờ, tuyến lộng ra đánh bắt hải sản xa bờ nhưng chưa hiệu quả. Để nghề cá địa phương hoạt động đúng quy định, rất mong ngành chức năng chú trọng tuần tra, kiểm soát, xử phạt nặng để răn đe ngư dân” - ông Siêm nói.

Khó quản lý

Ông Võ Công Tài - cán bộ thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, căn cứ Nghị định 42, cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 860 triệu đồng đối với các sai phạm trong khai thác hải sản; tổng số tiền phạt hơn 715 triệu đồng đối với 33 vụ ngư dân tắt GSHT khi đang sản xuất trên biển; phạt 1 vụ kích điện với mức 5 triệu đồng; phạt 30 vụ khai thác hải sản sai ngư trường, không đảm bảo giấy tờ, thủ tục về đăng kiểm, đăng ký khai thác hải sản với tổng số tiền hơn 146 triệu đồng.

Theo ông Tài, do tàu kiểm ngư bị hư hỏng nặng, để tuần tra, kiểm soát trên biển, Chi cục Thủy sản phải liên hệ với lực lượng biên phòng và bảo tồn biển để cùng tham gia nhưng số đợt tuần tra còn ít so với kế hoạch, từ đầu năm đến nay chỉ thực hiện 6 đợt.

“Chúng tôi đã mượn được tàu của lực lượng biên phòng tỉnh, thời gian tới sẽ tổ chức nhiều đợt tuần tra trên biển để chấn chỉnh trình trạng khai thác hải sản không đúng quy định” - ông Tài nói.

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, công tác quản lý hoạt động khai thác thủy hải sản hiện nay gặp nhiều khó khăn. Do tinh giản biên chế nên số cán bộ thanh tra thủy sản ít hơn trước, rất khó trong triển khai Nghị định 42.

Mặt khác, ngành thủy sản không được bố trí nơi tạm giữ phương tiện tàu cá, kho bảo quản tang vật vi phạm nên khó khăn trong thi hành quyết định xử phạt. Do nguồn lợi hải sản suy giảm nên ngày càng có nhiều phương tiện khai thác không đúng ngư trường. Nhiều ngư dân chống đối hoặc chây ỳ, không chấp hành quyết định xử phạt...

Triển khai nhiều giải pháp phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Ngày 28/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì hội nghị trực tuyến với 6 địa phương có nghề cá về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định (IUU). 

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ năm 2013 đến năm 2020, không ghi nhận tàu cá Quảng Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước khác nhưng gần đây có tàu vỏ thép QNa-91039 của ngư dân Nguyễn Văn H. (xã Tam Quang, Núi Thành) bị ngành chức năng của Thái Lan bắt giữ khi sản xuất ở vùng biển nước này. Về lắp đặt giám sát hành trình, có 637/676  tàu cá đã thực hiện.

Về kiểm tra tàu cá ra vào cảng, từ đầu năm đến nay có 133 lượt tàu cá rời cảng, 145 lượt tàu cá cập cảng với 145 quyển nhật kỳ khai thác hải sản; tổng sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng là 1.686 tấn, chủ yếu là mực xà. Quảng Nam có cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) được xác nhận truy xuất nguồn gốc hải sản nhưng không thực hiện do chỉ có tàu cá câu mực khơi (không phải truy xuất nguồn gốc) cập cảng.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu yêu cầu các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tuyên tuyên truyền ngư dân thực hiện nghiêm các quy định về IUU, cam kết không đánh bắt hải sản ở bên ngoài vùng biển Việt Nam. Các lực lượng biên phòng, thanh tra chuyên ngành thủy sản tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá khi xuất bến, hoạt động trên biển, cập cảng, bốc dỡ hải sản, nếu phát hiện sai phạm về IUU, xử lý nghiêm để răn đe.

Theo Nghị định 42, phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng đối với chủ tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m khi sản xuất trên biển mà không có GSHT, phạt 500 - 700 triệu đồng trong trường hợp tái phạm; phạt 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên khi sản xuất trên biển mà không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép đã hết hạn. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài dưới 12m khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ tỉnh khác. Phạt tiền 15 - 20 triệu đồng đối chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản tại vùng ven bờ. Phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng đối với chủ tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng. Về sử dụng kích điện trong khai thác thủy sản, phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với chủ tàu cá có chiều dài dưới 12m, phạt 20 - 30 triệu đồng đối với chủ tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, phạt từ 30 - 40 triệu đồng đối với chủ tàu có chiều dài từ 15m trở lên.