ADB: "Đại dịch tồi tệ nhất thế kỷ" sẽ quét sạch 4.000 tỷ USD khỏi nền kinh tế thế giới

Theo Bảo Quân/doanhnhansaigon.vn

Theo báo cáo hằng năm của Ngân hàng Phát triển châu Á, nền kinh tế thế giới sẽ hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng hơn nhiều từ Covid-19 so với những dự báo trước đây.

Trong kịch bản lạc quan nhất, nền kinh tế thế giới cũng mất 2.000 tỷ USD vì Covid-19. Nguồn: internet
Trong kịch bản lạc quan nhất, nền kinh tế thế giới cũng mất 2.000 tỷ USD vì Covid-19. Nguồn: internet

Theo đó, trong kịch bản tồi tệ nhất được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra, Covid-19 sẽ làm "bốc hơi" 4.100 tỷ USD khỏi nền kinh tế thế giới, tương đương 4,8% GDP toàn cầu, khi đại dịch quét qua Mỹ, châu Âu, cùng nhiều nền kinh tế lớn khác.

Tuy nhiên, ADB cho biết, thiệt hại kinh tế mà Covid-19 gây ra thậm chí có thể lớn hơn nữa, tuỳ theo tác động của dịch bệnh lên các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thời gian nó được kiểm soát. "Không có ai có thể chắc chắn về việc đại dịch sẽ lan rộng như thế nào và việc ngăn chặn virus cũng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến", Yasuyuki Sawada - kinh tế trưởng của ADB cho biết.

Gọi Covid-19 là "đại dịch tồi tệ nhất thế kỷ", báo cáo của ADB có đoạn viết: "Thiệt hại ước tính có thể lớn hơn nhiều, do các yếu tố cộng thêm như sự gián đoạn nguồn cung và kiều hối, khả năng xảy ra các cuộc khủng hoàng tài chính và xã hội, cũng như những ảnh hưởng lâu dài lên hệ thống chăm sóc y tế và giáo dục không được đưa vào phân tích".

Còn với kịch bản "lạc quan" nhất, ADB cho rằng, nền kinh tế thế giới sẽ mất khoảng 2.000 tỷ USD, tương đương 2,3% GDP toàn cầu, nếu các cú sốc nhu cầu nhỏ hơn và thời gian kiểm soát dịch bệnh được rút ngắn lại. Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á, kể cả Trung Quốc, sẽ gánh phần lớn thiệt hại, với tỷ lệ 22% - 36%.

Trước đó, ADB vào ngày 6/3 từng dự báo rằng, trong kịch bản xấu nhất, sự bùng phát của Covid-19 có thể gây thiệt hại 347 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới, và đồng thời giảm dự báo tăng trưởng thêm 0,4%. Kể từ thời điểm đó, tâm dịch đã chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ, với số ca nhiễm toàn cầu vượt qua hơn 1 triệu người.

Dẫn nội dung báo cáo mới nhất từ ADB, hãng tin RT cho biết, ngân hàng này đã hạ triển vọng tăng trưởng năm 2020 của khu vực châu Á xuống còn 2,2%, giảm hơn 3% so với dự báo hồi tháng 9 năm ngoái.

Còn với Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ 2 thế giới, tốc độ tăng trưởng cũng sẽ chỉ dừng ở mức 2,3% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với con số 6,1% của năm 2019. Đồng thời, ADB cho rằng, tốc độ tăng trưởng của tất cả các nước đang phát triển tại châu Á sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay.

Lạm phát cũng được dự báo có thể sẽ tăng tốc, với chi phí thực phẩm cao hơn, ngay cả khi hoạt động kinh tế suy yếu. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, tốc độ tăng trưởng sẽ hồi phục mạnh mẽ, ở mức hơn 6% và áp lực lạm phát sẽ giảm, với điều kiện thế giới bình thường trở lại.