Ai hưởng lợi từ cuộc xung đột khí đốt?

HOÀI VY (Người Lao động)

Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ và Na Uy là những nước nhiều khả năng được hưởng lợi trong cuộc xung đột khí đốt kéo dài giữa Nga và Ukraine.Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga thông báo bị thiệt hại 800 triệu USD trong cuộc chiến khí đốt với Ukraine. Đồng thời, các nước vùng Baltic bị thiếu nhiên liệu từ khi Nga ngưng cung cấp khí đốt qua ngả Ukraine.

Ngư ông đắc lợi


Trước tình hình đó, người ta dễ dàng quên mất rằng chắc chắn sẽ có những nước được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này. Trong khi đó, tranh cãi vẫn tiếp diễn khi Gazprom đã bắt đầu chuyển khí đốt cho châu Âu qua ngả Ukraine. Gazprom nói rằng Kiev đã chặn các dòng cung cấp khí đốt cho châu Âu, trong khi Ukraine nói không thể bơm khí đốt khi Nga đã chuyển lộ trình trung chuyển. Tạp chí Forbes đã đưa ra danh sách những “ứng cử viên” có thể thay Gazprom.

Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng do cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine, đường ống dẫn của Công ty Nabucco của nước này sẽ được Liên hiệp châu Âu (EU) chọn sử dụng để châu Âu có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Theo hãng tin Rosbalt (Nga), Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra có lợi thế trong việc chọn thay thế Ukraine để trung chuyển khí đốt khai thác ở biển Caspi và các nước vùng Cận Đông sang châu Âu.

Tuy nhiên, Andrew Neff, chuyên gia phân tích về năng lượng của Trung tâm Dự báo IHS Global Insight, cho rằng nguy cơ sẽ phát sinh trong trường hợp nhu cầu năng lượng của riêng Ankara không được đáp ứng và khi ấy, có thể sẽ xảy ra tình trạng đình trệ ở đây. Lúc đó, châu Âu sẽ phải phó mặc số phận cho Ankara. Ông nói: “Thực sự là việc Thổ Nhĩ Kỳ trung chuyển khí đốt không có gì khác với việc khí đốt được trung chuyển qua ngả Ukraine. Trong trường hợp nào thì châu Âu vẫn phải phụ thuộc”. Theo ông, để tránh bị rơi vào một sự phụ thuộc mới, châu Âu sẽ phải giúp Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất khí đốt bản địa.


Châu Âu sẽ chọn nguồn khí đốt mới?


Trong khi đó, Công ty Khí đốt Sonatrach của Algeria đã tăng cường xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng năng lượng nước này cho biết Sonatrach muốn gia tăng việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, theo Forbes, về việc thiết lập mối quan hệ sâu đậm hơn trong lĩnh vực này, châu Âu có thể còn lưỡng lự với Algeria nhiều hơn là với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuần trước, khi châu Âu đang tìm kiếm những phương cách thay thế khác trong lúc xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng, Công ty Trung chuyển khí đốt quốc gia Gassco của Na Uy đã thông báo những con số xuất khẩu mới. Bên cạnh đó, Công ty Dầu khí StatoilHydro (cũng của Na Uy) thông báo đang sản xuất hầu như hết công suất và bán hàng theo hợp đồng dài hạn”. Những động thái đó đều nhằm mục đích thu hút sự chú ý của châu Âu.

Các nhà sản xuất khí đốt thiên nhiên hóa lỏng như Shell và BP, cũng như 4Gas (Hà Lan) cũng đang trông mong lọt vào danh sách những khả năng được châu Âu chọn thay thế cho việc trung chuyển khí đốt Nga qua ngả Ukraine.