Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới

Theo Khởi Vũ/doanhnhansaigon.vn

GDP tăng ròng 1.000 tỷ USD chỉ trong giai đoạn 2014-2019, dự báo Ấn Độ sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

 Trong tương lai, Ấn Độ sẽ trở thành một trong những đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong tương lai, Ấn Độ sẽ trở thành một trong những đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ấn Độ được dự báo sẽ soán ngôi Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào cuối năm nay. Sau đó, quốc gia này sẽ chỉ cần thêm 6 năm nữa để vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, và lớn thứ hai tại châu Á - Thái Bình Dương.

Trong giai đoạn 2019-2025, GDP của Ấn Độ sẽ tăng từ 3.100 tỷ USD lên 5.900 tỷ USD, quy mô thị trường tiêu dùng nước này sẽ tăng từ 1.900 tỷ USD lên 3.600 tỷ USD.

Đồng thời, Ấn Độ sẽ trở thành một trong những đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP toàn cầu, theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit.

Dự báo này hoàn toàn khớp với kế hoạch đầy tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi, mong muốn biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Kể từ khi ông Modi nhậm chức vào năm 2014, GDP của Ấn Độ đã tăng 50%, từ 2.000 tỷ USD năm 2014 lên ước tính 3.100 tỷ USD vào năm 2019, tăng ròng 1.000 tỷ USD chỉ sau 5 năm.

Tuy nhiên, để có thể chắc chắn đạt được các mục tiêu nói trên, Ấn Độ cần duy trì tăng trưởng GDP bình quân thực tế ở mức 7,1 - 7,3% (dẫn đến tăng trưởng GDP danh nghĩa trung bình là 11,5%), và giữ tỷ giá USD/rupee ổn định trong phạm vi 71-72.

Theo IHS Markit, dù thị trường toàn cầu đang tồn tại nhiều thách thức, song triển vọng kinh tế của Ấn Độ vẫn khả quan, với tăng trưởng hàng năm dự kiến ở mức 7% trong giai đoạn 2019-2023.

Ngoài ra, nền kinh tế Ấn Độ hiện sở hữu sức chống chịu hơn trước, có khả năng đối chọi với các cú sốc tiềm ẩn bên ngoài thông qua những chính sách ứng phó phù hợp. Để có thể đứng vào nhóm các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình cao trên thế giới, Ấn Độ sẽ cần ưu tiên giải quyết một số thách thức như cải cách hệ thống pháp lý, thị trường lao động và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng.

“Dù đã có nhiều thành tựu đáng kể trong xây dựng cơ sở hạ tầng mới dưới nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Modi, song việc phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng trong các lĩnh vực chủ chốt như giao thông và năng lượng vẫn là các ưu tiên quan trọng, bên cạnh việc giảm gánh nặng từ bộ máy cồng kềnh của chính phủ”, IHS Markit phân tích.

Theo tờ Economic Times, những cột mốc quan trọng mà Ấn Độ nên hướng đến trước năm 2024-2025 là đưa thu nhập bình quân đầu người lên 4.000 USD vào năm 2025 - mức tăng gần gấp đôi so với hiện tại, giảm nợ công/GDP xuống 60%, nâng tổng dòng vốn FDI lên 100 tỷ USD và tăng dự trữ ngoại hối lên 600 tỷ USD.