Anh đặt mục tiêu gia nhập CPTPP năm 2022

Theo Kim Ngân/nhdautu.vn/Nikkei Asia

Vương quốc Anh muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vào cuối năm 2022, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss cho biết.

 Bà Liz Truss, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh. Ảnh: Reuters
Bà Liz Truss, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh. Ảnh: Reuters

"Tôi dự đoán khung thời gian sẽ tính theo tháng, chứ không theo năm", bà Truss nói với Nikkei Asia trong bối cảnh Anh tìm kiếm các cơ hội kinh tế sau khi rời EU và đàm phán để Anh gia nhập CPTPP chính thức bắt đầu vào thứ Ba.

“Tôi hy vọng có kết quả trong năm 2022”.

Anh nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 2. Nước này coi CPTPP, hiện gồm 11 thành viên trong đó có Việt Nam, Nhật Bản và Singapore, là một phần thiết yếu trong chính sách thương mại hậu Brexit.

Các quốc gia muốn tham gia hiệp định phải đàm phán về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường khác với từng thành viên của khối.

Ngành nông nghiệp Anh đã bày tỏ lo ngại về việc mở cửa thị trường cho cạnh tranh từ nước ngoài.

Tuy nhiên, bà Truss cho biết Anh tự tin họ "có thể đàm phán thành công các chương tiếp cận thị trường”.

“Gần đây chúng tôi đạt được thỏa thuận về nguyên tắc cho một hiệp định thương mại tự do với Australia, một thành viên CPTPP”.

Trung Quốc cũng muốn tham gia CPTPP. Tuy nhiên, hiệp định yêu cầu các thành viên cải tổ khối doanh nghiệp nhà nước và loại bỏ thuế quan đối với một loạt sản phẩm, điều mà nhiều người tin sẽ đặt ra thách thức lớn cho Bắc Kinh.

Truss nhất trí với quan điểm này, nói rằng Trung Quốc vẫn "cần phải làm nhiều hơn" để hoàn toàn tuân thủ các quy tắc của WTO, chưa nói đến các yêu cầu khắt khe hơn đối với các thành viên CPTPP.

Nếu Anh trở thành thành viên chính thức của CPTPP, nước này sẽ tham gia công tác sàng lọc những ứng viên mới như Trung Quốc.

Bà Truss nói: “Vẫn còn những khu vực của WTO mà Trung Quốc chưa minh bạch, ví dụ trợ cấp công nghiệp hay những vấn đề về chuyển giao công nghệ bắt buộc. Họ cũng có vấn đề lao động cưỡng bức".

Cải cách WTO dự kiến sẽ trở thành một chủ đề chính tại cuộc họp của các bộ trưởng thương mại G7 mà Truss sẽ chủ trì vào tháng 10 tới.

Một trong những câu hỏi cấp bách nhất là WTO phân loại các nước “đang phát triển” như thế nào. Tổ chức này dành cho các nước “đang phát triển” một số ưu ái, như khả năng xuất khẩu hàng nông nghiệp và công nghiệp giá rẻ tới các nền kinh tế tiên tiến.

Mỗi quốc gia có thể tự quyết định mình có phải là nước “đang phát triển” không, và Trung Quốc tiếp tục khẳng định mình là nước “đang phát triển” ngay cả khi đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Khi WTO được thành lập năm 1995, kinh tế Trung Quốc có quy mô bằng 1/10 Mỹ. Bây giờ chúng ta đang ở một vị trí rất khác. Địa vị nước “đang phát triển” nên được sử dụng cho những nước kém phát triển nhất, những nước cần hỗ trợ để tham gia WHO và đưa người dân thoát khỏi đói nghèo thông qua thương mại”.

Truss muốn giải quyết vấn đề đó, cũng như những thách thức khác như hệ thống giải quyết tranh chấp bị tắc nghẽn của WTO, tại cuộc họp tháng 10 này, để chuẩn bị cho Hội nghị cấp bộ trưởng của WTO sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Các thành viên CPTPP, hiệp định có hiệu lực năm 2018, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu. Trong số 11 quốc gia thành viên, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, bảy quốc gia trong đó có Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định này. CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Về thỏa thuận thương mại tự do giữa Anh và Mỹ, bà Truss cho biết hai nước "tiếp tục nói về tiềm năng" của việc ký kết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra thận trọng về ý tưởng này và hai bên khả năng sẽ đối mặt với những rạn nứt sâu sắc khi đề cập đến các sản phẩm nông nghiệp.

"Thỏa thuận đó phải phù hợp với Anh và Hoa Kỳ", Truss nói, lưu ý thêm bà chưa có khung thời gian cho một thỏa thuận như vậy. "Chúng tôi sẽ không hy sinh chất lượng cho tốc độ”. 

Kể từ khi gia nhập quốc hội năm 2010, bà Truss đã nắm giữ một số chức vụ quan trọng, như bộ trưởng môi trường, thực phẩm và các vấn đề nông thôn, và bộ trưởng tư pháp.

Bà có một trong những xếp hạng tín nhiệm cao nhất so với bất kỳ thành viên nội các nào là người thuộc Đảng Bảo thủ Anh.

Khi được hỏi về tham vọng đối với chức thủ tướng, bà Truss nhấn mạnh bà đang tập trung cho vị trí hiện tại.

“Có một cơ hội tuyệt vời để thực sự định hình chính sách thương mại trong tương lai của Anh và đưa Anh trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu, làm việc với những người bạn và đồng minh thân thiết của chúng tôi như Nhật Bản. Vì vậy, tôi không nghĩ về bất cứ điều gì khác. Tôi đang nghĩ về thương mại 24 giờ một ngày".