Anh thể hiện quan điểm cứng rắn trong đàm phán thương mại với EU

Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Anh có khoảng thời gian cho tới cuối năm 2020 để đàm phán một thỏa thuận thương mại với EU và các thỏa thuận về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương, từ lĩnh vực đánh bắt cá cho tới giao thông.

Anh thể hiện quan điểm cứng rắn trong đàm phán thương mại với EU.
Anh thể hiện quan điểm cứng rắn trong đàm phán thương mại với EU.

Ngày 27/2, Chính phủ Anh công bố văn bản ủy nhiệm đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về quan hệ song phương thời hậu Brexit thể hiện rõ quan điểm cứng rắn, trong đó nhấn mạnh mong muốn một tương lai tự do về kinh tế và chính trị.

Sau khi chính thức rời EU hồi tháng trước, Anh có khoảng thời gian cho tới cuối năm 2020 để đàm phán một thỏa thuận thương mại với EU và các thỏa thuận về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương, từ lĩnh vực đánh bắt cá cho tới giao thông.

Chấp nhận thực tế rằng việc rời khỏi liên minh thuế quan EU và thị trường chung sẽ khiến các doanh nghiệp Anh đối mặt với những tình huống xung đột mới trong trao đổi thương mại với khối này,

London đã thể hiện rõ quan điểm việc lấy lại quyền tự quyết sẽ mang lại thành công cho nền kinh tế Anh.

Từ nay đên tháng Sáu tới, hai bên sẽ phải thống nhất những nội dung mà phía Anh gọi là "chung nhất" cho một thỏa thuận để có thể tiến tới hoàn tất thỏa thuận chi tiết vào tháng Chín nếu không Anh sẽ hướng tới một thỏa thuận theo mô hình EU-Australia.

Văn bản ủy nhiệm đàm phán mới được Chính phủ Anh công bố nêu rõ vào ngày 31/12/2020, Anh sẽ khôi phục hoàn toàn tự do kinh tế và chính trị.

Văn bản thể hiện tầm nhìn về một mối quan hệ Anh-EU dựa trên hợp tác hữu nghị giữa những bên bình đẳng về chủ quyền, trong đó các bên tôn trọng quyền tự trị về luật pháp và quyền quản lý nguồn tài nguyên thuộc sở hữu riêng mà mỗi bên xem là phù hợp.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đứng đầu chiến dịch vận động ủng hộ Brexit, giao nhiệm vụ cho nhóm đàm phán "đảm bảo một cuộc chia tay dứt khoát" với EU.

Cả hai bên đều khẳng định mong muốn thống nhất một thỏa thuận trước hạn chót 31/12/2020 để duy trì ổn định dòng chảy thương mại song phương, với một số hoạt động kiểm soát bổ sung, và các dàn xếp về những vấn đề như giao thông hàng không, có thể được tiếp tục một cách êm thấm.

Tuy nhiên, ở thời điểm chỉ còn vài ngày trước khi chính thức ngồi vào bàn đàm phán, hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, thậm chí thể thức đàm phán còn chưa được thống nhất. Những thực tế này là dấu hiệu cho thấy tiến trình đàm phán sẽ rất căng thẳng.