“Bóng đen” giảm phát đang đe dọa kinh tế Mỹ

Theo Kiều Oanh (VnEconomy)

Ở thời điểm hiện tại, người Mỹ gần như đã quên vấn đề lạm phát. Giá cả ở Mỹ đang giảm đối với hầu như tất cả mọi thứ, bao gồm cả cổ phiếu.

 Cách đây vài tháng, lạm phát, nhất là chuyện giá dầu tăng vùn vụt, là mối lo hàng đầu không chỉ ở Mỹ mà còn ở hầu khắp các quốc gia khác trên thế giới. Giờ đây, người tiêu dùng Mỹ đang mừng rỡ vì giá xăng giảm mạnh, nhưng đây cũng chính là một mối lo mới của các doanh nghiệp và giới đầu tư ở nước này.

Giá giảm, càng lo

Thay vì lạm phát, vấn đề đang ngại ở Mỹ lúc này là giảm phát (deflation). Theo định nghĩa, giảm phát là sự đi xuống kéo dài của giá cả, tác động tiêu cực tới nền kinh tế, do tình trạng này làm cho các khoản nợ trở nên khó trả hơn và các ngân hàng ngại cấp vốn tín dụng.  Khi xảy ra giảm phát, lợi nhuận của doanh nghiệp và các nhà đầu tư cùng thụt lùi.

Trong thời kỳ hiện đại, Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới từng trải qua giảm phát.

Ngày 18/11, Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 của nước này bất ngờ giảm 1% so với tháng 9, trong đó giá nhiên liệu giảm 8,6%. Trừ giá nhiên liệu và thực phẩm, CPI tháng 10 của Mỹ giảm 0,1%, đánh dấu tháng sụt giảm tỷ lệ lạm phát lõi (core inflation) đầu tiên kể từ năm 1982 tới nay.

Trước đó, vào ngày 17/11, một báo cáo khác cho thấy, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), tức chỉ số giá bán buôn, của Mỹ giảm 2,8% trong tháng 10, trong đó giá năng lượng giảm 12,8%. Đây là mức sụt giảm CPI mạnh nhất trong lịch sử 61 năm của báo cáo này ở Mỹ.

Nhưng do đầu năm nay, giá cả ở Mỹ đã tăng mạnh, do đó, hiện CPI của nước này vẫn tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 4,9% trong tháng 9.

Các nhà kinh tế nhận định, việc giá cả đi xuống gần đây đúng là một tín hiệu tích cực đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc giảm phát diễn ra mạnh mẽ cũng là một dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đang chịu áp lực cực lớn. “Rõ ràng là nhu cầu của toàn thế giới đang giảm xuống”, nhà kinh tế Brian Levitt của quỹ đầu tư OppenheimerFunds nhận xét.

Giá cả giảm đối với mọi mặt hàng, từ các nguyên vật liệu thô, tới vé máy bay, tới hàng may mặc, là một bằng chứng cho thấy các hoạt động kinh tế ở Mỹ đã giảm tốc. Chẳng hạn, giá nhiên liệu bán tới tay người tiêu dùng ở Mỹ đã giảm 43,1% trong vòng 3 tháng trở lại đây. Chỉ riêng trong tháng 10, giá vé máy bay đã giảm 4,8%, giá quần áo giảm 1%.

Nhà phân tích John Ryding của tổ chức nghiên cứu RDQ Economics chỉ ra một dấu hiệu khác về sự sụt giảm của lĩnh vực sản xuất công nghiệp: Giá thép ở Mỹ từ mức 523 USD/tấn trong tháng 8 đã giảm còn có 144 USD/tấn vào tuần trước.

Đáng ngại hơn, giá cả giảm không chỉ là một triệu chứng của sự yếu ớt của nền kinh tế, đây còn là một nhân tố có tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

“Vòng xoáy giảm phát có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế”, nhà phân tích Levitt nhận xét. Không có gì là khó hiểu, vì khi nhu cầu và giá cả cùng giảm, các công ty sẽ cắt giảm số lượng nhân công và đầu tư, khiến tăng trưởng kinh tế thụt lùi hơn nữa.

Theo kinh tế gia trưởng Keith Hembre của quỹ đầu tư First American Funds, các doanh nghiệp Mỹ đang buộc phải giảm giá để duy trì hoạt động kinh doanh của họ, tạo ra một môi trường “rất khắc nghiệt đối với vấn đề lợi nhuận công ty”.

Với sự đi xuống của giá cả và lợi nhuận, các công ty tiến hành sa thải, khiến thị trường việc làm của nước này càng khó hồi phục. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng từ mức 6,1% lên mức 6,5% trong tháng 10 và được dự báo sẽ còn tăng cao hơn.

Theo báo cáo CPI tháng 10 của Mỹ, giá xăng ở nước này đã giảm 55,4% trong vòng 3 tháng qua. Nhà phân tích Levitt cho rằng, việc giá xăng giảm với tốc độ này giúp tiết kiệm cho người tiêu dùng Mỹ một khoản tiền lớn hơn nhiều so với tổng mức thu nhập bị hao hụt do bị mất việc làm, ít nhất là tính tới thời điểm này.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ hiện vẫn đang thắt chặt chi tiêu. “Từ doanh nghiệp tới các hộ gia đình, ai ai cũng hạn chế chi tiêu”, kinh tế gia trưởng Josh Feinman của công ty tư vấn Deutsche Bank Advisors nhận xét.

Do lo ngại về môi trường kinh tế hiện nay, người tiêu dùng, các ngân hàng và các doanh nghiệp Mỹ dường như đang cùng dồn tiền vào ngân hàng, thay vì chi tiền để mua sắm hay đầu tư nhằm tận dụng cơ hội giá rẻ như hiện nay. Đối với các công ty Mỹ, kết quả của tình trạng giảm phát và găm giữ tiền mặt như hiện nay có thể sẽ là những con số ảm đạm về doanh thu và lợi nhuận co lại.

Giảm phát đe dọa chứng khoán

Đây là thực tế, thậm chí đối với cả những công ty được lợi từ sự giảm xuống của giá cả các nguyên vật liệu thô.

Nhà phân tích Lee Klaskow của hãng nghiên cứu Longbow Research lấy ví dụ, vào ngày 18/11, giá dầu diesel ở Mỹ đã giảm 41% so với hồi tháng 7. Điều này tốt cho các hãng vận tải bằng xe tải, nhưng các doanh nghiệp này lại phải đối mặt với vô số khó khăn khác.

Trong một cuộc điều tra do Longbow tiến hành, khoảng 70% công ty vận tải bằng xe tải ở Mỹ cho biết, nhu cầu của khách hàng đang giảm với tốc độ mỗi lúc một nhanh hơn. Do đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang phải đưa ra cho khách hàng những mức giá cước được cắt giảm mạnh tay.

Trong bối cảnh các công ty chịu áp lực từ doanh thu sụt giảm, nền kinh tế đi xuống, và tình trạng găm giữ tiền mặt, ngày càng có ít các nhà đầu tư dám bỏ tiền ra mua cổ phiếu trong những thời kỳ xảy ra giảm phát. Trong ngày 19/11, thông tin về CPI co lại đã đẩy thị trường chứng khoán Phố Wall ngập sâu trong sắc đỏ.

Theo nhà kinh tế Hembre, rõ ràng, giảm phát là một môi trường bất lợi cho thị trường chứng khoán, nhưng lại có lợi cho trái phiếu kho bạc Mỹ. Với việc giá trái phiếu giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc sẽ đem đến mức lợi nhuận cao hơn, có thể dễ dàng vượt tỷ lệ lạm phát. (Lợi suất trái phiếu tính bằng tổng trái tức năm chia cho giá trái phiếu, do đó giá trái phiếu càng giảm thì lợi suất càng cao).

Giải pháp của Chính phủ Mỹ?

Theo nhiều nhà kinh tế, giải pháp đối với vấn đề giảm phát ở Mỹ lúc này là Cục Dự trữ Liên bang (FED) và Chính phủ cần phải có những hành động mạnh hơn để bơm tiền vào hệ thống tài chính và kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhiều khả năng, vào cuộc họp tháng tới, FED sẽ còn tiến hành cắt giảm lãi suất USD, mặc dù lãi suất đồng tiền này hiện đã giảm về mức 1%.

Trong một bài phát biểu hôm 19/11, Phó chủ tịch FED Donald Kohn đã nhắc tới vấn đề giảm phát. “Một bài học mà tôi đã học được từ kinh nghiệm của nước Nhật là không thể để việc giảm phát vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Tôi đã nghĩ tới rủi ro này từ năm tháng trước. Tôi cho rằng rủi ro này đang tăng lên, mặc dù vẫn còn ở mức hạn chế”.

Tổ chức nghiên cứu Action Economics đã nhận xét về bài phát biểu của ông Kohn như sau: “Ông Kohn coi rủi ro của vấn đề giảm phát là nhỏ, nhưng nền kinh tế Mỹ hiện đang rất yếu, và việc hành động gấp để ngăn chặn rủi ro này là việc làm quan trọng”. Nhà kinh tế Levitt thì dự báo: “Chính phủ Mỹ sẽ tung ra gói kích thích kinh tế lớn nhất từ trước tới nay để giải quyết vấn đề này”.

Một vài người thì lo lắng, việc Chính phủ đổ tiền vào nền kinh tế sẽ “kích hoạt” lạm phát tăng trở lại. Các nhà kinh tế cho rằng, nếu điều đó xảy ra, các ngân hàng trung ương sẽ lại hút thanh khoản về. Tuy nhiên, đó chưa phải là vấn đề phải lo vào lúc này. “Với nền kinh tế yếu kém như hiện nay, lạm phát không phải là mối bận tâm”, nhà kinh tế Feinman nói.