Các công ty Trung Quốc chưa nguôi tham vọng “Mỹ tiến”!

Theo Nguyễn Chuẩn/diendandoanhnghiep.vn

Các công ty Trung Quốc vẫn đang cố gắng thúc đẩy việc phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ở New York, bất kể các rào cản do các cơ quan quản lý ở Bắc Kinh và Washington đưa ra.

Sàn chứng khoán New York vẫn là một điểm đến hấp dẫn của các công ty Trung Quốc.
Sàn chứng khoán New York vẫn là một điểm đến hấp dẫn của các công ty Trung Quốc.

Một loạt đơn đăng ký bán cổ phiếu của các công ty Trung Quốc xuất hiện bất chấp Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), đã tuyên bố: “Tạm dừng, ngay bây giờ”, về việc muốn niêm yết của các công ty sử dụng phương pháp phổ biến để vượt qua các hạn chế sở hữu nước ngoài của Trung Quốc.

Mới đây, theo một đánh giá của Nikkei Asia, đã có đến 11 trong số 13 đăng ký công khai được nộp cho SEC bởi các tổ chức phát hành có trụ sở tại Trung Quốc. Chưa hết, có thể còn các công ty Trung Quốc khác có khả năng đã đệ trình các kế hoạch bán bí mật mà sau này sẽ chỉ được công khai trong quá trình phê duyệt.

Nhóm này cũng bao gồm các công ty dường như sẽ tuân theo các hạn chế mới của Bắc Kinh đối với các đợt IPO ra nước ngoài của các công ty liên quan đến giáo dục tư nhân và những công ty nắm giữ dữ liệu về hơn 1 triệu người dùng Trung Quốc.

Hầu hết làn sóng giao dịch mới là nhỏ, nhưng cũng có vài doanh nghiệp được đánh giá ở quy mô trung bình, nhà sản xuất thuốc lá điện tử Aspire và nhà điều hành khách sạn Atour, tổng số tiền thu được trong tương lai lên 866,38 triệu USD. Sự thành công của các giao dịch này có thể dọn đường cho các giao dịch lớn hơn được nối lại, nếu các giao dịch này giành được sự ủng hộ từ SEC và các nhà đầu tư Mỹ.

Một nguồn tin có liên quan đến các dịch vụ quốc tế tại một ngân hàng đầu tư toàn cầu ở Hồng Kông cho biết: “Sau một vài tuần tạm lắng, sự tương tác với khách hàng tiềm năng đã tăng vọt. Sẽ có nhiều giao dịch hơn và đà tăng từ đầu năm chắc chắn đã bị phá vỡ”.

Trên thực tế, nửa đầu năm 2021 chứng kiến mức kỷ lục 12,5 tỷ USD được huy động tại New York trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của 34 công ty Trung Quốc. Sự gia tăng đó diễn ra bất chấp luật của Mỹ được thông qua vào tháng 12 năm ngoái, trục xuất các công ty phát hành của Trung Quốc đại lục khỏi các sàn giao dịch của Mỹ vào năm 2023, nếu các công ty này không được kiểm tra hồ sơ kế toán.

Có thể nói, bất chấp những căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn đang ấp ủ một tham vọng “Mỹ tiến” và mong muốn khai thác thanh khoản của thị trường vốn lớn nhất thế giới.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, các công ty công nghệ đang thống trị thị trường Mỹ và các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các khái niệm mới và các công ty khởi nghiệp công nghệ mới. Chính vì vậy, nhiều startups công nghệ chọn thực hiện IPO ở Mỹ trước và sau đó trở lại Hong Kong để niêm yết thứ cấp.

Tuy nhiên, chuỗi gia tăng này dường như đã kết thúc sau khi công ty gọi xe hàng đầu Trung Quốc, Didi Chuxing đã huy động 4,4 tỷ USD vào ngày 30 tháng 6 trong đợt IPO lớn nhất của Trung Quốc tại Mỹ kể từ đợt chào bán năm 2014 của Alibaba.

Gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã phản ứng bằng một loạt các biện pháp nhắm vào Didi và các đợt IPO ra nước ngoài của các công ty giàu dữ liệu. Các sắc lệnh mới khác tập trung vào các nhà cung cấp giáo dục tư nhân và dịch vụ giao đồ ăn, và một số các lĩnh vực khác.

Một quy định dự thảo khác được đưa ra sau đợt IPO của Didi sẽ yêu cầu các ứng viên niêm yết ở nước ngoài nắm giữ dữ liệu về hơn 1 triệu người dùng Trung Quốc phải được Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc chấp thuận cho kế hoạch của họ.

Chưa biết làn sóng của các công ty Trung Quốc với tham vọng “Mỹ tiến” có thành công hay không, nhưng việc các sàn giao dịch tại Mỹ, nơi hội tụ các “ông lớn” công nghệ hàng đầu thế giới, các nhà đầu tư với những túi tiền không đáy và những cú ra tay nhanh gọn có thể sẽ đưa ra mức định giá tốt hơn cho các công ty muốn niêm yết của Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn.

Stephanie Tang, người làm việc với các công ty về kế hoạch niêm yết của họ với tư cách là người đứng đầu bộ phận cổ phần tư nhân lớn hơn của Trung Quốc tại công ty luật Hogan Lovells của Mỹ tại Hồng Kông, cho rằng: “Các công ty có thể vươn ra nước ngoài sẽ lựa chọn giữ niêm yết ở nước ngoài, và lưu ý rằng nhiều công ty vẫn bị thu hút bởi khả năng định giá cao hơn và tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán Mỹ”.