Các kịch bản kinh tế thế giới năm 2021

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính tháng 1+ 2 năm 2021

Năm 2020, đối mặt với đại dịch Covid-19, với những biến động chính trị-xã hội và tự nhiên, kinh tế thế giới lâm vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Điều gì đã diễn ra đối với kinh tế thế giới năm 2020; kinh tế thế giới chuẩn bị bước vào năm 2021 với những kịch bản nào là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Bài viết này điểm lại tình hình kinh tế thế giới năm 2020, xem xét bối cảnh, triển vọng và các kịch bản kinh tế thế giới năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bối cảnh kinh tế các khu vực và các nước lớn

Năm 2020, kinh tế toàn cầu phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức do tác động của đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm. Tình hình dịch bệnh vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều nước, nhiều khu vực (như châu Âu, Mỹ, Ấn Độ…). Nhiều quốc gia buộc phải tập trung nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh...

Các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới - WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) đã có những báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020 và 2021. Trong đó, theo IMF, kinh tế thế giới năm 2020 giảm 4,4%. Triển vọng kinh tế năm 2021 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có diễn biến của đại dịch Covid-19 và khả năng đưa vắc-xin Covid-19 vào phòng bệnh trên diện rộng. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB) kinh tế thế giới suy giảm 4,3% năm 2020.

Trong số các nền kinh tế lớn, kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi từ quý III/2020. GDP quý III/2020 của Mỹ chỉ giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019 (so với mức giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019 của quý II/2020). Sản xuất giữ xu hướng mở rộng, chỉ số PMI sản xuất tăng đạt 56,7 điểm trong tháng 11/2020. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng do nhu cầu trong nước và toàn cầu phục hồi trở lại.

Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm từ mức đỉnh 14,7% trong tháng 4/2020 còn 6,7% vào tháng 11/2020 (tuy nhiên, vẫn cao hơn mức 3,5% trước đại dịch). Thâm hụt thương mại có xu hướng gia tăng kể từ đầu năm. Mức thâm hụt thương mại tháng 10/2020 là 63,12 tỷ USD so với 43,02 tỷ thâm hụt cùng kỳ năm 2019.

Các kịch bản kinh tế thế giới năm 2021 - Ảnh 1

Về triển vọng phục hồi kinh tế của Mỹ trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, nước này cần sớm ổn định tình hình chính trị và kiểm soát được dịch bệnh. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) quyết định giữ lãi suất cho vay ngắn hạn trong phạm vi 0 - 0,25%, đồng thời tiếp tục chương trình mua trái phiếu trị giá khoảng 120 tỷ USD mỗi tháng nhằm giữ chi phí vay dài hạn ở mức thấp.

Trong báo cáo tháng 10/2020, IMF cho rằng, kinh tế Mỹ suy giảm 4,3% năm 2020 và sẽ phục hồi khá tốt vào năm 2021 (cụ thể là sẽ tăng 3,1%). Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng 3,2% trong 2021 và 3,5% trong 2022, sau khi giảm 3,7% trong năm 2020.

Kinh tế Trung Quốc duy trì được đà hồi phục vững chắc từ tháng 3/2020 đến nay. Cụ thể, GDP quý III/2020 của Trung Quốc tăng 4,9% (so với mức 3,2% trong quý trước) và tính chung 9 tháng đầu năm 2020 tăng 0,7%. Cả khu vực sản xuất và dịch vụ đều trên đà phục hồi sau đại dịch. Chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ tháng 10/2020 lần lượt đạt 53,6 điểm và 56,8 điểm.

So với cùng kỳ năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2020 tăng 11,4% trong khi nhập khẩu tăng nhẹ hơn 4,7%. Theo đó, thặng dư thương mại tăng từ mức 42,3 tỷ USD trong tháng 10/2019 lên 58,44 tỷ USD trong tháng 10/2020. Đây được xem là kết quả tích cực của các chính sách kiểm soát dịch bệnh và các biện pháp hỗ trợ phục hồi nền kinh tế Trung Quốc. Theo IMF, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2020 và 8,2% năm 2021. Trong khi đó, OECD dự báo, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng 8% trong 2021 và 4,9% trong 2022, sau khi tăng 1,8% trong 2020.

Trong quý III/2020, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) hồi phục chậm do dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại. Nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp tài khóa hỗ trợ phục hồi nền kinh tế mới chỉ giúp kinh tế khu vực kìm hãm tốc độ suy giảm, nhưng còn cần thời gian để giúp kinh tế khu vực phục hồi. Dù GDP khu vực đồng Euro quý III/2020 tăng 12,6% so quý trước nhưng tính chung 9 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế khu vực giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì lãi suất cơ bản là 0%, với lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi lần lượt là 0,25% và âm 0,5%. Dự báo kinh tế khu vực EU giảm 8,3% trong năm 2020 và phục hồi 5,2% trong năm 2021 (Theo IMF).

Kinh tế Nhật Bản phục hồi trong quý III/2020.GDP quý III/2020 tăng 21,4%, so với mức giảm kỷ lục 28,8% của quý II/2020 (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản). So với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu giảm 0,2% và nhập khẩu giảm 13,3%. Xu hướng thu hẹp sản xuất vẫn tiếp diễn, chỉ số PMI sản xuất chỉ đạt 48,3 điểm trong tháng 11/2020 do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm nhanh. Về triển vọng tăng trưởng kinh tế, theo IMF, GDP Nhật Bản giảm 5,3% trong năm 2020 và phục hồi 2,3% trong năm 2021.

Trong bối cảnh khó khăn nêu trên, để hỗ trợ nền kinh tế, hầu hết các nước đã áp dụng chính sách tài khóa, nới lỏng trong năm 2020 và có kế hoạch tiếp tục áp dụng chính sách tài khóa nới lỏng trong thời gian tới.

Biến động trên thị trường tài chính-tiền tệ

Đối với thị trường tài chính - tiền tệ thế giới, tin tức về vắc-xin ngừa Covid-19 và việc phân phối có thể đã thuyết phục một số nhà đầu tư rằng sự phục hồi của nền kinh tế thế giới gần đến. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư kỳ vọng, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục bơm một lượng lớn thanh khoản vào thị trường tài chính. Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ đạt ngưỡng cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh đại dịch, đây là một trong những điểm nhấn trên thị trường vốn quốc tế (Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/11/2020, chỉ số DJIA trên thị trường chứng khoán Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử đóng cửa ở ngưỡng trên 30.000 điểm (30.046 điểm).

Các kịch bản kinh tế thế giới năm 2021 - Ảnh 2

Năm 2020, giá dầu thế giới sụt giảm mạnh ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của các nước xuất khẩu dầu mỏ và nhu cầu đầu tư giảm mạnh khi rủi ro gia tăng. Giá dầu đã lập kỷ lục mọi thời đại khi giao dịch ở mức giá âm do đại dịch Covid-19.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/4/2020, trên thị trường Nymex, giá dầu giảm 55,9 USD xuống còn -37,63 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục kể từ khi các số liệu về biến động giá được ghi nhận vào năm 1983. Và theo dữ liệu từ Dow Jones Market, đây cũng là mức giá đóng cửa thấp kỷ lục mọi thời đại. Ở chiều ngược lại, giá vàng thế giới năm 2020 có nhiều động thái mới và vượt qua mức 1.800 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Đối với thị trường lao động, lực lượng lao động toàn cầu (3,3 tỷ người) hiện đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Theo đó, thu nhập của người lao động giảm mạnh, dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Đồng thời, việc sụt giảm thu nhập của người lao động cũng kích hoạt làn sóng vỡ nợ tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu, do nợ vay tiêu dùng quá hạn thanh toán đang tăng nhanh tại một số nước khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh...

Bối cảnh thế giới năm 2021 và những tác động đối với Việt Nam

Quan hệ thương mại thế giới trở nên khó đoán định sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, kinh tế thế giới năm 2021 chịu ảnh hưởng của một số yếu tố gồm:

Thứ nhất, quan hệ kinh tế quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục có những biến động và diễn biến khó lường. Xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ dẫn đến nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.

Thứ hai, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường (đặc biệt là sự xuất hiện của các biến chủng mới), luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.Việc triển khai các vắc-xin đang vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với cả quốc gia, các hãng lớn và các bên liên quan. Các quốc gia hiện nay đang thận trọng triển khai biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Việt Nam cũng sẽ bị tác động.

Thứ ba, các quốc gia, các tổ chức quốc tế đang triển khai các gói hỗ trợ kinh tế lớn cũng như các chính sách ứng phó với dịch bệnh, với suy giảm kinh tế. Việc này có thể đạt được những thành công và triển vọng nhưng cũng có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu. Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng của các gói hỗ trợ này.

Thứ tư, xu hướng giảm đầu tư nước ngoài do dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại, đình trệ đầu tư, tạo tâm lý e ngại, trì hoãn mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm và hoạt động xuất khẩu giảm tiếp tục tạo nhiều thách thức cho hoạt động doanh nghiệp trong nước. Việt Nam là một trong những nước chịu sự tác động này.

Thứ năm, toàn thế giới cũng như các khu vực, mỗi quốc gia luôn tiềm ẩn những thuận lợi và khó khăn mới phát sinh và rất khó lường. Mỗi phát sinh đều có thể tác động đến kinh tế của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vì vậy, cần theo sát, phát hiện và xử lý cũng như điều chỉnh. Việt Nam rất cần theo dõi sát tình hình, diễn biến.

Các kịch bản kinh tế thế giới năm 2021

Các cơ quan, tổ chức quốc tế đưa ra nhiều nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021. Tuy nhiên, tựu trung lại, có 3 kịch bản cơ bản như sau:

Các kịch bản kinh tế thế giới năm 2021 - Ảnh 3

- Kịch bản thứ nhất - Kịch bản tích cực: Trong điều kiện vắc-xin khống chế được đại dịch Covid-19; Bầu cử Tổng thống Mỹ có kết cục bình ổn; Quan hệ kinh tế quốc tế bình ổn; Các gói hỗ trợ kinh tế của các quốc gia, tổ chức quốc tế hoạt động tích cực; Thế giới không xuất hiện thêm các bất thường mới... kinh tế dự báo sẽ phục hồi theo kịch bản chữ V. Tăng trưởng GDP toàn cầu có thể đạt mức 5-6% trong năm 2021. Đây là kịch bản tất cả các bên có liên quan đều mong muốn.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, cần có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, cũng như hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi để kinh tế thế giới bước ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất. Nếu chỉ một trong số các điều kiện không thuận, dự báo trên trở nên khó khả thi.

- Kịch bản thứ 2 - Kịch bản cơ bản: Đây là kịch bản mọi yếu tố đều không có những đột biến. Điều này có nghĩa là, tình hình dịch bệnh vẫn tiến triển nhưng không đột phá. Tình hình chính trị - xã hội thế giới, quan hệ kinh tế quốc tế không biến động bất thường. Các gói kích thích kinh tế và các chính sách kinh tế đảm bảo cho kinh tế phát triển nhưng không đột phá. Khi đó, kinh tế thế giới, khu vực và các quốc gia sẽ phát triển đi ngang theo các biên độ nhỏ phụ thuộc vào tình hình cụ thể mỗi quốc gia. Đây là phương án có nhiều khả năng xảy ra, tuy không như nhau giữa các quốc gia nhưng cũng không có những nguy cơ tiềm tàng.

- Kịch bản thứ 3 - Kịch bản tiêu cực: Dịch bệnh tiếp tục không được kiểm soát. Tình hình chính trị xã hội thế giới diễn biến phức tạp. Quan hệ kinh tế quốc tế có những diễn biến nằm ngoài dự kiến. Các chính sách và gói kích thích kinh tế gặp khó khăn trong triển khai hoặc không triển khai đúng dự kiến.Thế giới gặp những biến động mới ngoài dự kiến. Chỉ một hoặc một vài, thậm chí là tất cả trong các yếu tố này xảy ra, tình hình kinh tế thế giới hoặc một vài khu vực, một vài quốc gia sẽ lâm vào khủng hoảng hoặc chí ít, khó khăn. Đây là kịch bản không mong muốn của tất cả các bên hữu quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều bất thường đã và đang xảy ra, nên vẫn phải tính đến.

Trong bối cảnh hiện tại, vắc-xin Covid-19 đã được đưa vào sử dụng trong thực tiễn. Bầu cử Quốc hội Mỹ đã có kết quả rõ ràng. Các quốc gia cũng như các khu vực cũng đang hướng đến mục tiêu chung là bình ổn để chống đại dịch Covid-19. Quan hệ kinh tế quốc tế cũng không có nhiều yếu tố bất ổn tiềm tàng. Các gói kích thích kinh tế và các chính sách của các quốc gia đều hướng đến tiếng nói chung tích cực. Khả năng tình hình kinh tế thế giới thực tiễn diễn ra trong khoảng kịch bản giữa cơ bản và tích cực.

Các lưu ý đối với kinh tế Việt Nam

Việt Nam là điểm đáng chú ý trong bối cảnh thế giới hiện nay. Khi tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức 2,91% trong năm 2020. Mặc dù, đây là mức tăng thấp trong những năm gần đây của Việt Nam nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao so với các quốc gia trên thế giới. Đại dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Kinh tế trong nước tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi.

Các kịch bản kinh tế thế giới năm 2021 - Ảnh 4

Năm 2021, Việt Nam bước vào triển khai năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm mới, một giai đoạn kinh tế xã hội mới với nhiều tín hiệu tích cực. Đảng, Nhà nước, Chính phủ chủ trương tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với Covid - 19, chủ yếu theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình dễ bị tổn thương. Quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng mở và tích cực hội nhập…

Với tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều điểm sáng; vốn vận hành vào nền kinh tế được đảm bảo; là một trong 10 quốc gia tiếp nhận kiều hối lớn nhất thế giới…Việt Nam nhiều khả năng vẫn là điểm sáng trong triển vọng kinh tế thế giới năm 2021. Tuy nhiên, những yếu tố cần thận trọng gồm những thách thức rủi ro về năng lực cạnh tranh, về thị trường và về đối tác.

Tóm lại, do đại dịch Covid-19, năm 2020 đã trở thành một năm đầy khó khăn đối với kinh tế thế giới. Bối cảnh kinh tế chính trị xã hội nói chung có nhiều biến động. Các quốc gia và vùng lãnh thổ hầu hết có tăng trưởng âm. Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng dương và có kết quả phòng chống Covid-19 tích cực. Thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đã và đang nỗ lực vượt bậc để sản xuất thành công vắc-xin phòng chống Covid-19. Cùng với đó, các chính sách, các gói kích thích kinh tế đang phát huy các tín hiệu tích cực. Do vậy, kinh tế thế giới và Việt Nam nhiều khả năng sẽ diễn biến tốt đẹp trong năm 2021.