Cách các nhà máy Đức hoạt động xuyên mùa dịch

Theo Phiên An/vnexpress.vn/WSJ

Ebm-papst Group vẫn vận hành với 80% công suất trong gần 2 tháng phong tỏa, nhờ học hỏi và áp dụng các biện pháp kiểm soát ngay từ đầu.

Công nhân đeo khẩu trang và giãn cách xã hội trong một nhà máy tại Đức. Ảnh: WSJ
Công nhân đeo khẩu trang và giãn cách xã hội trong một nhà máy tại Đức. Ảnh: WSJ

Khi phần lớn nền kinh tế châu Âu đóng cửa vào giữa tháng 3, hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục diễn ra tại Ebm-papst Group, một nhà sản xuất quạt và động cơ có trụ sở gần Black Forest, Đức. Trong suốt thời gian phong tỏa kéo dài 6 tuần và đang dần dỡ bỏ, công ty vẫn vận hành nhà máy với 80% công suất.

Giám đốc điều hành Stefan Brandl cho biết giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, xét nghiệm và theo dõi khi nhân viên ngã bệnh đã giúp công ty duy trì hoạt động. Chỉ 15 trong số 6.700 nhân viên công ty dương tính với nCoV.

Bên cạnh đó, không như Italy và Tây Ban Nha, chính phủ Đức cho tất cả nhà máy lựa chọn tiếp tục hay dừng hoạt động trong đại dịch. Theo một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Viện nghiên cứu kinh tế tại Munich, hơn 80% trong công ty chọn vẫn hoạt động và chỉ một phần tư hủy các khoản đầu tư.

Khi Mỹ và các khu vực khác của châu Âu dần khôi phục sản xuất, một số người đang tìm đến Đức để học cách vận hành an toàn nhất có thể. Họ nhận ra kinh nghiệm chung là thực hiện các quy tắc an toàn nghiêm ngặt ngay từ sớm. Công đoàn và bộ phận nhân sự có kế hoạch kiểm soát an toàn chi tiết. Chính quyền địa phương thì nhanh chóng xét nghiệm và theo dõi chuỗi lây nhiễm. Ngoài ra, nhiều công ty Đức có hoạt động tại Trung Quốc nên cũng có thêm kinh nghiệm.

Thomas Böck, CEO công ty sản xuất máy móc nông nghiệp CLAAS, nói rằng công ty đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp an toàn trong nhà máy khi thấy tình hình ngày càng xấu đi ở Trung Quốc. Họ tăng dần khoảng cách giữa các công nhân, dùng khẩu trang và họp nhóm xử lý khủng hoảng Covid-19 mỗi ngày.

Hiện các nhà máy của CLAAS hoạt động ở mức 70% đến 80% công suất. Hai nhà máy vẫn mở liên tục. Nhà máy thứ ba đóng cửa trong vài tuần vì không nhận được thiết bị từ Italy.

Fischerwerke GmbH, công ty sản xuất hệ thống neo cho ngành xây dựng và các thiết bị khác, vẫn mở cửa tất cả nhà máy trong đại dịch. Nhà sáng lập kiêm CEO Klaus Fischer cho biết họ tự chế tạo chất khử trùng, đặt tên là Vir Vireanean, tại nhà máy hóa chất ở gần biên giới Pháp. Sản phẩm được cung cấp miễn phí cho 5.200 nhân viên tại 9 quốc gia sử dụng, đồng thời tặng cho các khách hàng, đối tác kinh doanh.

Các doanh nghiệp Đức nói rằng sự hiện diện của họ ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức, là một yếu tố quan trọng giúp họ chuẩn bị cho đại dịch. "Gần như mọi người đều có hoạt động ở Trung Quốc", Thilo Brodtmann, giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí Đức (VDMA) đại diện cho hơn 3.000 công ty cho biết.

Các nhà máy ôtô Đức từng đóng cửa vào tháng 3 vì nhu cầu lao dốc. Khi Volkswagen mở lại vào cuối tháng 4, hãng đã triển khai một số biện pháp như đã làm tại các nhà máy ở Trung Quốc, có điều chỉnh một số và bổ sung một số. Cuối cùng, họ hoàn thiện danh sách gồm 100 bước liên quan đến thói quen người lao động, bao gồm nơi thay quần áo làm việc, nơi ăn trưa và cách kiểm tra các triệu chứng Covid-19.

KION Group, một nhà sản xuất xe nâng có trụ sở tại Frankfurt, đã áp dụng một loạt các quy tắc an toàn rút kinh nghiệm từ Trung Quốc, nơi hãng có 5 nhà máy và khoảng 4.000 nhân viên. "Thông qua hoạt động tại Trung Quốc, chúng tôi có thể chuẩn bị rất nhiều thứ từ trước", Giám đốc điều hành Gordon Riske cho biết.

Các thay đổi của KION bao gồm loại bỏ các máy trạm để tăng khoảng cách giữa các nhân viên, tất nhiên là điều này có ảnh hưởng đến năng suất. Công ty cho biết doanh thu trong quý đầu thấp hơn 2,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức độ đặt hàng không đổi.

Ebm-papst, một hãng sản xuất quạt và động cơ, cũng có 3 nhà máy ở Trung Quốc. Khi Covid-19 bắt đầu càn quét khắp Trung Quốc, Thomas Nürnberger - người đứng đầu công ty tại Thượng Hải, đã gọi các đồng nghiệp tại Đức để báo động. Một trong những lời khuyên đầu tiên của anh là nên mua khẩu trang càng nhiều càng tốt.

"Chúng tôi bắt đầu cố gắng mua chúng trên toàn thế giới", Tobias Arndt - người đứng đầu bộ phận hậu cần nói. Công ty hiện có một nhân viên với công việc duy nhất là tìm nguồn khẩu trang. Nhờ đó, Ebm-papst giờ có một kho dự trữ hơn 100.000 chiếc và đang bắt đầu thử nghiệm cách tái sử dụng.

Công nhân cũng phải tự kiểm tra thân nhiệt tại nhà và báo cáo dấu hiệu bất thường. Winfried Imminger, bác sĩ nội bộ của công ty, xét nghiệm các nhân viên nghi ngờ bị nhiễm bệnh, với hơn 250 trường hợp đến nay. Nếu có, chương trình theo dõi riêng công ty bắt đầu được kích hoạt. Hiện 8 trong 3.800 công nhân ở Mulfingen dương tính và được cách ly.

Trong một cuộc họp gần đây của nhóm phụ trách Covid-19, bác sĩ Imminger đã thảo luận về những ưu và nhược điểm của những ý tưởng giảm rủi ro lây nhiễm. Ví dụ, tay nắm cửa dài hơn (có thể mở bằng khuỷu tay) sẽ phản tác dụng nếu công nhân sử dụng tay áo để lau trán. Rào chắn plexiglass cũng có thể phản tác dụng nếu khuyến khích công nhân tháo khẩu trang.

Công nhân làm việc trong nhà máy của Ebm-papst mùa dịch. Ảnh: WSJ

Công nhân làm việc trong nhà máy của Ebm-papst mùa dịch. Ảnh: WSJ

Hầu hết các công ty Đức có truyền thống đồng quyết định với các vấn đề liên quan đến quản lý nhân viên. Ví dụ như ở Ebm-papst, người đứng đầu bộ phận nhân sự và đại diện công đoàn sẽ là thành viên của đội đặc nhiệm khủng hoảng.

"Tôi cảm thấy an toàn với các biện pháp phòng ngừa này", công nhân tên Bastian Wagner cho biết. Anh rất vui vì được làm việc khi rất nhiều nhà máy ở châu Âu phải đóng cửa.

Công ty cũng áp dụng mô hình ca làm việc mới với số công nhân luôn cố định. Các ca được rút ngắn 15 phút và công nhân thay ca sẽ không gặp nhau. Biện pháp này có nhược điểm là người ca trước phải gọi điện hoặc email cho người ca sau về tiến độ công việc.

Paul Horn, một hãng sản xuất công cụ chính xác có trụ sở tại Tübingen, giữ cả 3 nhà máy hoạt động liên tục. Họ có một nhóm xử lý khủng hoảng họp hàng ngày. Công ty sắp xếp lại căng tin và các máy trạm, chuyển các phòng ban đến các tòa nhà khác nhau để tăng khoảng cách giữa các công nhân. Nhân viên làm việc theo ca so le, đeo thiết bị bảo vệ miệng và mũi, bao gồm cả CEO.

Dĩ nhiên, các doanh nghiệp Đức cũng không "miễn dịch" với Covid-19. Chính phủ nước này dự báo nền kinh tế sẽ chứng kiến đợt suy thoái lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Khảo sát gần đây của Markit cho thấy sản xuất tại Đức đang giảm chưa từng thấy. "Không ai có thể ước tính được thời gian suy thoái này sẽ kéo dài bao lâu bởi vì chuyện này chưa từng có tiền lệ", Jan Sibold thuộc hiệp hội công nghiệp RKW ở bang Baden-Wurmern cho biết.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức, bao gồm IMF, cho rằng quyết định hoạt động xuyên dịch của các công ty Đức có thể cho phép nền kinh tế nước này phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác vào năm tới. "Đức đã tạo ra điều kiện ổn định và tôi nghĩ có cơ hội phục hồi nhanh hơn", chuyên gia kinh tế Thomas Böck nhận định.

Wall Street Journal thì cho rằng, dù các doanh nghiệp Đức thường hành động theo sáng kiến của riêng mình, họ cũng hưởng lợi từ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của chính phủ với toàn dân. Do đó, nước Đức có triển vọng khá hơn các láng giềng.

"Đức có một số lợi thế có thể giúp họ trở lại mạnh mẽ hơn, bao gồm các khoản nợ thấp và vốn lớn", Clemens Fuest, chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế cho biết. Tuy nhiên, điểm yếu của họ là có chuỗi cung ứng và giao thương sâu rộng với nhiều nước khác.