Căng thẳng thương mại đe dọa các đồng tiền châu Á?

Theo VT/thoibaokinhdoanh.vn

Theo một cuộc thăm dò của Reuters, các nhà đầu tư tăng vị thế bán của họ đối với các đồng tiền châu Á trong tháng qua, với các khoản cược đồng NDT của Trung Quốc quay đầu giảm lần đầu tiên trong hơn một năm do căng thẳng thương mại Trung - Mỹ leo thang.

Thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thu hẹp xuống còn 1,52 tỷ USD trong tháng 5. Nguồn: Internet
Thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thu hẹp xuống còn 1,52 tỷ USD trong tháng 5. Nguồn: Internet

Cuộc thăm dò về vị thế của các đồng tiền châu Á tập trung vào những vấn đề mà các nhà phân tích và các nhà quản lý quỹ tin là vị thế hiện tại của thị trường đối với 9 đồng tiền của các thị trường châu Á mới nổi: Nhân dân tệ Trung Quốc, đồng won Hàn Quốc, đôla Singapore, đồng rupiah Indonesia, đồng đôla Đài Loan, đồng rupee Ấn Độ, đồng peso Philippine, đồng ringgit Malaysia và đồng baht Thái.

Cụ thể, đồng nội tệ của Trung Quốc đã sụt giảm khá mạnh, xuyên thủng ngưỡng tâm lý là 6,6 NDT/USD lần đầu tiên trong 6 tháng qua trong phiên ngày thứ Tư. Tính chung đồng nhân dân tệ đã giảm hơn 3% giá trị so với đồng USD trong tháng này.

Hiện kỳ vọng của thị trường ngày càng lớn rằng Bắc Kinh sẽ cho phép đồng nhân dân tệ suy yếu hơn nữa để làm dịu tác động của hàng rào thuế quan Mỹ.

Nhiều đồng tiền châu Á khác cũng bị “vạ lây”. Ông Khoon Goh – Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của ANZ, cho rằng nếu căng thẳng thương mại có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm, nó cũng sẽ tác động lan tỏa đến tăng trưởng trong khu vực, bởi vì xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng xuất khẩu của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc và Đài Loan, và đó là một phần của hàng hóa cho Trung Quốc tái xuất.

Không chỉ vậy, việc Fed tăng tốc thắt chặt tiền tệ cũng đẩy lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng cao hơn và phần nào khiến dòng vốn toàn cầu đảo chiều, chảy khỏi một số nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Đó chính là lý do từ Mumbai đến Jakarta và Manila, nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực đã thắt chặt tính thanh khoản bằng cách tăng lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ của mình, cũng như hãm lại dòng vốn chảy ra và kiềm chế lạm phát.

Đứng đầu trong số này là Ngân hàng Trung ương Indonesia khi cơ quan này đã phải tăng lãi suất tới hai lần trong tháng 5 và, theo một cuộc thăm dò của Reuters, có khả năng sẽ tăng tiếp lãi suất vào thứ Sáu, lần tăng thứ ba trong vòng có 6 tuần.

Tỷ lệ cược vào sự giảm giá của đồng rupiah tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2015.

Trước đó, số liệu được công bố trong tuần cho thấy thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thu hẹp xuống còn 1,52 tỷ USD trong tháng 5, nhưng mức thâm hụt này vẫn lớn hơn dự kiến, do giá dầu cao hơn.

Giá dầu tăng cao đã khiến cho hàng hóa nhập khẩu ròng tăng lên tại nhiều nền kinh tế và Ấn Độ là một trong số đó. Mỹ đã yêu cầu các nước cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran từ tháng 11 năm ngoái và điều đó càng gia tăng thêm áp lực lên giá dầu, trong khi Ấn Độ là một trong những khách hàng nhập khẩu dầu hàng đầu của Iran.

Vì vậy, hiện các nhà đầu tư đã tăng tỷ lệ cược vào sự giảm nhẹ của đồng rupee Ấn Độ, mặc dù Ngân hàng Trung ương nước này đã thực hiện tăng lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm vào tháng 6. Đồng rupee Ấn Độ là đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong khu vực khi đã giảm hơn 7% kể từ đầu năm.

Đồng peso Philippines là đồng tiền giảm giá mạnh thứ hai trong khu vực, khiến Ngân hàng Trung ương nước này cũng đã phải tăng lãi suất lần thứ hai trong 6 tuần. Song, hiện các vị thế bán đối với đồng peso vẫn đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.

“Việc tăng lãi suất tại các thị trường mới nổi cho thấy sự gia tăng đột ngột của phí bảo hiểm rủi ro trong các thị trường mới nổi, với các nhà đầu tư hiện nay yêu cầu mức lợi nhuận cao hơn để bù đắp cho rủi ro tăng lên”, Mizuho Bank cho biết trong một lưu ý hôm thứ Ba.

Mizuho cho biết phí bảo hiểm rủi ro tương quan với tăng trưởng thương mại toàn cầu, vốn đang chịu áp lực lớn từ chính sách thương mại của Mỹ.