Châu Âu: Nổi điên vì khủng hoảng

Theo VnEconomy, IHT

Thái độ giận dữ đang có chiều hướng lan rộng khắp châu Âu, do kinh tế ngày càng xấu đi và thất nghiệp mỗi lúc một tăng.

Nhà riêng và chiếc xe hơi Mercedes sang trọng của cựu Giám đốc Điều hành (CEO) Fred Goodwin của Royal Bank of Scotland (RBS) - nhà băng hàng đầu nước Anh mới đây đã xác lập kỷ lục thua lỗ trong lịch sử doanh nghiệp nước này - đã bị người biểu tình đập phá vào buổi sáng ngày 24/3 vừa rồi.

Tại Pháp, ông Luc Rousselet, giám đốc nhà máy của 3M - một tập đoàn Mỹ, đã bị 110 công nhân mất việc nhốt trong văn phòng hai ngày trời. Những công nhân này đòi ông giám đốc phải trả cho họ gói bồi thường thất nghiệp tốt hơn.

Biểu tình chờ hội nghị G20

Sự giận dữ của dân chúng châu Âu cũng đang đe dọa sẽ phủ vây cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G20 gồm các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế đang nổi lên quy mô lớn tại London vào tuần tới. Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo của thế giới sẽ nỗ lực tìm kiếm biện pháp để đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi khủng hoảng.

Nhiều cuộc biểu tình phản đối hiện đã được lên lịch ở khu vực trung tâm tài chính của London. Do đó, cảnh sát đã cảnh báo các định chế tài chính tăng cường an ninh và hủy bỏ những cuộc họp không cần thiết để giữ nhân viên bên trong các tòa nhà. Các lãnh đạo ngân hàng được khuyên nên mặc những bộ thường phục để tránh gây sự chú ý.

"Suy thoái luôn có đủ kiểu tác động. Tội phạm gia tăng, những mối quan hệ rạn nứt, và thái độ bất bình của người dân”, giáo sư xã hội học Christopher Husbands, thuộc Trường Kinh tế London, nói.

Tuần trước, ở Pháp đã xảy ra một vụ biểu tình quy mô toàn quốc với sự tham gia của ít nhất 1,2 triệu người. Tuy nhiên, những người biểu tình này đã xuống đường trong không khí hòa bình. Mặc dù vậy, Chính phủ của Tổng thống Nicholas Sarkozy vẫn lo ngại về tình trạng bạo lực có thể bùng phát như xảy ra tháng trước ở Guadeloupe, một hòn đảo của Pháp ở vùng Caribbean, hay ở Hy Lạp vào tháng 12 năm ngoái.

Mất việc, phải ăn vào tiền tiết kiệm, hoặc chứng kiến cảnh quỹ lương hưu của họ bị sụt giảm phần lớn giá trị, người dân châu Âu đang “nóng mặt” trước những thông tin về việc lãnh đạo các tập đoàn lớn được thưởng những khoản tiền lớn, cho dù các tập đoàn này phải nhờ tới tiền thuế từ chính phủ để tồn tại.

Tâm trạng này cũng không khác gì việc người Mỹ đang nổi giận vì chuyện tiền thưởng ở hãng bảo hiểm AIG.

Hãng phụ trợ công nghiệp ôtô Valeo của Pháp mới đây phải nhận viện trợ của Chính phủ, đang chuẩn bị cắt giảm 1.600 lao động, và đã báo lỗ 313 triệu Euro trong quý 4/2008. Tuy nhiên, trái với tình trạng bi đát của công ty, hãng này mới đây đã đồng ý cấp cho CEO Thierry Morin một gói bồi thường thôi việc lên tới 3,2 triệu Euro, tương đương 4,4 triệu USD.

”Người dân đã quá ngán ngẩm với cảnh những người góp phần gây ra khủng hoảng vẫn đang được thưởng bộn tiền. Người ta cảm thấy bất công. Đây không phải là một cuộc cách mạng, nhưng sự bất bình đang gia tăng liên tục”, giám đốc viện nghiên cứu Institut Montaigne có trụ sở ở Paris, ông Francois Rachline, nhận xét.

Vụ đập phá nhà xe của cựu CEO RBS Goodwin thực sự là một lời cảnh báo đối với cộng đồng doanh nghiệp Anh. Ông Goodwin bị chỉ trích mạnh mẽ vì giữ cho mình khoản lương hưu 703.000 Bảng (1,03 triệu USD) mỗi năm, mặc dù dưới thời ông RBS đã tiến hành một loạt vụ mu lại sai lầm, khiến ngân hàng này thua lỗ nặng và phải nhường quyền kiểm soát cho Chính phủ. Sau khi ông Goodwin nghỉ hưu vào tháng 10 năm ngoái, RBS vẫn tiếp tục chi 290 Bảng mỗi tháng cho việc duy trì an ninh tại nhà riêng của ông.

Vị cựu CEO này đã từ chối lời kêu gọi của Thủ tướng Gordon Brown về việc ông nên thôi nhận mức lương hưu này, buộc Chính phủ Anh phải cân nhắc các động thái pháp lý để cưỡng chế. Hiện ông Goodwin đang là một mục tiêu miệt thị của dân Anh và là biểu tượng cho sự xuống dốc của ngành ngân hàng ở xứ sở sương mù.

“Cú sốc lớn”

Trong một bức email vô danh gửi tới một tờ báo địa phương mới đây, một người dân tự nhận là đã tham gia vào vụ đập phá nhà và xe của ông Goodwin viết: “Chúng tôi căm giận vì những người như ông ta tự trả cho mình những khoản tiền lớn và sống trong cảnh xa hoa, trong khi những người dân thường bị mất việc, sống thiếu thốn và vô gia cư”.

Để tránh rắc rối, một số lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu thời gian qua đã quyết định từ chối nhận thưởng, nhưng nhiều công ty dù khó khăn vẫn tiếp tục trả cho lãnh đạo những khoản tiền lớn, châm ngòi cho sự nổi giận của công chúng.

Khác với ở Mỹ, các chính trị gia châu Âu tới giờ phút này vẫn chưa đả động gì tới chuyện áp thuế để thu hồi những khoản tiền thưởng lớn. Mặc dù vậy, lãnh đạo của một liên đoàn giới chủ ở Pháp mới đây cũng lên án gói bồi thường thôi việc triệu Euro dành cho CEO của hãng Valeo.

Trong một bài phát biểu mới đây, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi mọi người trở lại với “giá trị” của chính mình. Ông chỉ trích cộng động doanh nghiệp vô trách nhiệm và cả những người dân chọn cách thức “hăm dọa” và “đe dọa sự an toàn của tài sản và của người khác”.

Ngay sau phát biểu trên của ông Sarkozy, sự nổi giận của dân chúng Pháp lại bùng lên. Hôm 24/3, công nhân thuộc một nhà máy ở Pháp của hãng lốp xe Đức Continental đã tuần hành khắp Paris và đốt lốp xe tại khu vực gần điện Elysee để phản đối kế hoạch đóng cửa nhà máy của hãng này ở vùng Oise, nơi có 1.120 công nhân.

EIU - cơ quan thông tin kinh tế thuộc tập đoàn báo chí The Economist - mới đây nhận định, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, cùng với tốc độ leo thang và phạm vi lan rộng của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay là “một cú sốc lớn” đối với người dân.

“Khi người dân mất niềm tin vào khả năng ổn định tình hình của các chính phủ, các cuộc biểu tình phản đối có nguy cơ xảy ra nhiều hơn. Sự phi lý và tham lam diễn ra ngay trước mắt càng khiến sự phẫn nộ của dân chúng thêm sâu sắc”, báo cáo của EIU nhận xét.

Một cuộc tuần hành nhỏ ở thủ đô London (Anh), vốn là một phần trong lễ hội Mardi Gras, có thể là ví dụ cho các lãnh đạo nhà băng về những cuộc biểu tình có thể xảy ra khi hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố này vào ngày 2/4 tới. Người biểu tình tham gia cuộc tuần hành này đã giương cao khẩu hiệu “Eat the bankers” (tạm dịch: “Hãy ăn thịt lãnh đạo ngân hàng”).