Châu Âu với bài toán tăng trưởng và việc làm

TS. Đinh Văn Hải

Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp đã có dấu hiệu lắng dịu nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán, lục địa già châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2012. Chính phủ các nước liên tiếp thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" khắc nghiệt, khiến nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế gia tăng, mong muốn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở nên xa vời.

“Thắt lưng buộc bụng” không phải là “thần dược”

            Châu Âu theo như lời Thủ tướng Đức – Bà Angela Merkel bày tỏ thì đang phải trải qua "thử thách khắc nghiệt nhất trong nhiều thập kỷ qua". Trong hơn 2 năm qua, đã có quá nhiều các cuộc họp mặt “lần cuối” đã được diễn ra để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và để tạo luồng sinh khí mới cho hoạt động của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2012, ngày 30/01/2012, tại Bruxelles, Bỉ, EU đã quyết định lựa chọn vấn đề thúc đẩy việc làm và tăng trưởng là ưu tiên lớn nhất tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức đầu tiên của năm.

            Thúc đẩy việc làm và tăng trưởng là vấn đề đã được các chuyên gia phân tích kinh tế tại châu Âu hối thúc các chính phủ từ lâu, bởi chỉ riêng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” không thể giúp châu lục này giải quyết vấn đề khủng hoảng nợ, nếu không nói là có thể gây nhiều phiền toái hơn cho châu Âu.

            Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2012, Hạ viện Tây Ban Nha đã phải thông qua gói biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trị giá 8,9 tỷ Euro, gồm các biện pháp tăng thuế thu nhập và thuế bất động sản. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách vượt ngoài tầm kiểm soát, để nhận được tiền giải cứu của quốc tế, ổn định tài chính, việc áp dụng các biện pháp thắt chặt ngân sách ngặt nghèo là cần thiết, tuy nhiên điều này chắc chắn chưa đủ để chữa khỏi "bệnh" cho Tây Ban Nha.

            Ngày 13/1/2012, Công ty xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor’s (S&P) đã hạ một bậc tín nhiệm tín dụng của Pháp, từ mức AAA xuống AA+, cùng triển vọng tiêu cực. Trong số 15 nước khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) được S&P đánh giá, mức tín nhiệm tín dụng của Italia bị hạ hai bậc xuống BBB+, Tây Ban Nha bị hạ hai bậc xuống A, Bồ Ðào Nha bị hạ hai bậc xuống BB, với triển vọng tiêu cực... Theo S&P, các nước châu Âu chỉ lo cắt giảm ngân sách và thắt lưng buộc bụng khiến khủng hoảng nghiêm trọng hơn do nhu cầu nội địa giảm, không kích thích đầu tư. Quyết định này của S&P được giới chuyên gia đánh giá sẽ khiến châu Âu lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng nợ công vốn đã ngày càng trầm trọng bởi khi Paris mất đi vị trí hàng đầu với chỉ số tín dụng hoàn hảo sẽ là một bất lợi lớn với toàn châu Âu khi cặp bài trùng Pháp - Ðức luôn được xem là hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho Eurozone.

            Nền kinh tế “đầu tàu” là Đức giờ đây cũng đang bên bờ vực suy thoái. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng trưởng âm trong quý IV/2011. Cơ quan thống kê Đức công bố, so với quý III/2011, nền kinh tế này tăng trưởng âm 0,25% trong quý IV/2011. Các chuyên gia kinh tế thậm chí còn dự báo kinh tế Đức sẽ lại tăng trưởng âm trong quý I/2012 và nếu dự báo này trở thành hiện thực thì nước này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái (suy thoái kinh tế được định nghĩa là 2 quý GDP tăng trưởng âm liên tiếp)

            Thông tin nền kinh tế Ireland, một thành viên trong Eurozone một lần nữa rơi vào suy thoái đã gây không ít lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu khi sự phục hồi của khu vực vẫn hết sức mong manh. Theo số liệu của Cơ quan thống kê Ireland, sau khi giảm 1,1% trong quý III/2011, GDP của Ireland tiếp tục giảm 0,2% trong quý IV/2011, đẩy nước này trượt trở lại suy thoái. Theo các nhà phân tích, việc Ireland rơi vào suy thoái cho thấy những hạn chế của việc quá phụ thuộc vào xuất khẩu mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhân tố tích cực này có thể lại trở thành nguyên nhân chính phá hoại tăng trưởng khi hoạt động kinh tế tại các nước khác trong khu vực phát triển chậm lại. Trong khi xuất khẩu không đủ mạnh để duy trì được tốc độ tăng trưởng thì mọi nhu cầu trong nước cũng sụt giảm, một phần do các chính sách "thắt lưng buộc bụng" và cắt giảm chi tiêu của chính  phủ.

            Cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone trở nên trầm trọng trong 6 tháng cuối năm 2011 cũng đã tác động mạnh đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến mọi dự báo về bức tranh kinh tế năm 2012 đều bị điều chỉnh giảm. Bị kiềm chế bởi hoạt động củng cố tài chính và các điều kiện thị trường lao động sa sút, chi tiêu tiêu dùng của Eurozone giảm 0,1% trong quý IV/2011 và dự báo sẽ vẫn trì trệ trong hai quý đầu năm 2012. Ðầu tư dự báo cũng sẽ giảm do các chính phủ cắt giảm chi tiêu công trong khi các công ty trì hoãn các dự án kinh doanh. Theo số liệu vừa công bố của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tăng trưởng GDP cả năm 2011 của Eurozone chỉ đạt 1,3%, thấp hơn dự báo ban đầu là 1,5%. Lo ngại hơn, GDP quý IV/2011 giảm 0,3% so với quý trước đó, trong khi tăng trưởng GDP cùng kỳ năm 2010 là 0,7%. Kinh tế Eurozone được dự báo tiếp tục tăng trưởng âm 0,3% trong quý I/2012. Với 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp, Eurozone sẽ bị rơi vào suy thoái kinh tế.

            Việc "thắt lưng buộc bụng triệt để" không những khiến các ngành sản xuất ngừng trệ, kinh tế "ì ạch" mà còn khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Theo báo cáo mới đây của Ủy ban châu Âu về tình hình việc làm và phát triển xã hội năm 2011, cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone đã làm 6 triệu người châu Âu mất việc làm, trong đó, đối tượng bị thất nghiệp dài hạn chiếm 40% và sẽ còn tiếp tục tăng. Theo Eurostat, tỷ lệ thất nghiệp tại 17 nước trong Eurozone đã tăng lên tới 10,7% trong tháng 1/2012. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất được ghi nhận kể từ khi đồng Euro ra mắt năm 1999. Cũng theo ước tính của Eurostat, số người thất nghiệp trong khu vực Eurozone đã tăng thêm 185.000 người trong tháng 1/2012 lên 16,925 triệu.

            Nạn thất nghiệp càng trở nên nghiêm trọng hơn khi phần lớn những người thất nghiệp còn ở độ tuổi rất trẻ. Theo tính toán ở các nền kinh tế châu Âu trong giai đoạn 2007 - 2010, khi GDP của một quốc gia mất đi 1% tăng trưởng, sẽ có thêm 5,9% lao động trẻ mất việc làm. Với việc nhiều nền kinh tế EU tăng trưởng “ì ạch”, thậm chí âm trong năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp trong lao động trẻ châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II.

            Tại Tây Ban Nha, 49,6% lao động trẻ thất nghiệp, tức là cứ 2 thanh niên ở nước này thì 1 người đang phải loay hoay tìm việc. Ở Hy Lạp, tỷ lệ này là 46,6%, Italia là 30,1%, Pháp là 23,8%. Ngay cả những quốc gia có truyền thống ổn định như Đan Mạch, Hà Lan hay Phần Lan cũng chịu những tỷ lệ cao hiếm thấy.

            Những số liệu kinh tế u ám của EU cho thấy, châu Âu vẫn chưa thể giải được bài toán là giải quyết việc làm cho thanh niên. Thắt lưng buộc bụng không còn được coi là "thần dược" để vượt qua khủng hoảng. Đó thực chất là "một vòng luẩn quẩn" giữa suy thoái - thắt lưng buộc bụng - tăng trưởng giảm, thất nghiệp tăng - tiếp tục suy thoái.

Thúc đẩy việc làm và tăng trưởng, đồng thời siết chặt kỷ luật ngân sách

            Thừa nhận chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế dài hạn của các nước và làm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đồng thời trở thành gánh nặng cho các nước nợ nần nhiều và có nguy cơ đẩy các nước này vào vòng luẩn quẩn khủng hoảng, các nhà lãnh đạo EU đã cam kết sẽ tạo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp và chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Trong tuyên bố chung cùng hành động để tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, các nước EU kêu gọi:

            - Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để mở rộng cơ hội việc làm nhằm đạt được một thị trường đơn nhất, chìa khóa then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

            - Đạt được thỏa thuận giảm gánh nặng thủ tục, cải thiện môi trường kinh doanh vào cuối năm nay.

            - Ban hành các chính sách thuế thuận lợi, bãi bỏ các chính sách thuế không có lợi cho hoạt động kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện cho vay dễ dàng hơn.

            - Cùng thảo luận để tiến đến dỡ bỏ rào cản thương mại và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xâm nhập thị trường, tạo điều kiện đầu tư; tìm biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa EU với Mỹ.

            Tuyên bố chung nhận định đối tượng thanh niên sẽ được đào tạo các kỹ năng làm việc nhiều hơn, các quỹ và chương trình phát triển vốn chưa được dùng đến sẽ được triển khai để tạo việc làm.  Tuyên bố trên đã nhận được sự tán đồng của nhiều nhà lãnh đạo và theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - José Manuel Barroso thì việc đưa ra tuyên bố chung về tăng trưởng và tạo việc làm là một bước đi quan trọng đối với tương lai của châu Âu, đặc biệt với các thanh niên đang thất nghiệp. 

            Bên cạnh tuyên bố trên, tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên mùa Xuân của EU, kết thúc ngày 2/3/2012, 25/27 quốc gia trong EU (trừ Anh và Cộng hòa Séc) cũng đã chính thức ký "Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế", theo đó buộc các chính phủ phải thực thi ngân sách cân bằng thông qua "quy tắc vàng" hoặc phải đối mặt với các hình phạt. 

            Theo Hiệp ước, tất cả các nước EU phải tuân thủ “quy tắc vàng” kỷ luật ngân sách là thâm hụt cơ cấu ngân sách không được vượt quá 0,5% GDP. Đối với các nước có mức nợ công thấp, thâm hụt ngân sách không được vượt quá 1% GDP. Nợ của tất cả các nước EU không được vượt quá 60% GDP. Các nước có nợ công cao hơn 60% GDP (hiện có 24/27) phải giảm nợ tối thiểu 5% mỗi năm.

            Tất cả các nước ký Hiệp ước này phải đưa quy định nói trên vào Hiến pháp và quá trình này sẽ do Toà án tư pháp châu Âu giám sát. Nếu đi chệch khỏi quy tắc, tòa án tư pháp châu Âu sẽ phạt tiền 0,1% GDP đối với thành viên vi phạm, tiền phạt sẽ được dùng để ủng hộ cho Cơ chế ổn định châu Âu (ESM - trị giá khoảng 500 tỷ Euro, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2012 để thay thế Quỹ bình ổn tài chính châu Âu -EFSF). EC sẽ theo dõi mức thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia. Nếu thâm hụt ngân sách của một nước trong năm vượt ngưỡng 3% GDP, một cơ chế điều chỉnh sẽ tự động vận hành, theo đó EC khuyến nghị nước này thực hiện một gói biện pháp bắt buộc để bình ổn tình hình.

            Hai nước thành viên EU là Anh và Séc không ký văn kiện này vì lo ngại Hiệp ước mới trao quá nhiều thẩm quyền cho EC để can thiệp vào chính sách kinh tế của các nước này. Để Hiệp ước ngân sách mới chính thức có hiệu lực, trong những tháng tới, 25 nước EU đã ký Hiệp ước cần phải phê chuẩn văn kiện này. Hiện chỉ có Ireland tuyên bố sẽ đưa Hiệp ước ra trưng cầu ý dân. Dự kiến, các nước còn lại sẽ đưa ra quốc hội để xem xét thông qua. 

            Thủ tướng Đức – Bà Angela Merkel nhấn mạnh rằng, chỉ các nước tuân thủ hiệp ước này mới đủ điều kiện nhận một gói cứu trợ từ ESM. Theo Bà Merkel, Hiệp ước mới về tài chính cùng với quỹ giải cứu ESM là “bước tiến nhỏ trên con đường phục hồi lòng tin” của các nhà đầu tư với EU. Chủ tịch EC, Jose Manuel Barroso cũng cho rằng, việc ký Hiệp ước ngân sách chứng tỏ EU đang chuyển biến từ một liên minh tiền tệ thành một liên minh kinh tế thực sự. Theo ông, EU đang phát đi một tín hiệu chính trị quan trọng với các thị trường và cộng đồng thế giới về sự thống nhất của khối và về hiện trạng của EU. Ông Barroso còn cho rằng việc thông qua Hiệp ước ngân sách làm cho đồng Euro trở thành một “đồng tiền không thể đảo ngược”, một đồng tiền của toàn EU.

            Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì thực tế những gì nêu ra trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và việc làm cũng như Hiệp ước mới không có gì mới mẻ, chỉ đưa ra những nguyên tắc chung chung mà thiếu những điều khoản chi tiết về việc làm thế nào để cân bằng giữa tăng trưởng và vay nợ, cũng như không có các quyết sách cụ thể để giải quyết tình trạng thất nghiệp. Các nhà lãnh đạo châu Âu trên thực tế cũng chưa thể ngồi yên khi chỉ vài giờ sau khi ký kết Hiệp ước mới trên, tại một cuộc họp báo ở Brussels, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã thừa nhận quốc gia này sẽ không đạt mục tiêu về thâm hụt ngân sách trong năm nay, với mức thâm hụt dự kiến sẽ lên tới 5,8% GDP thay vì mức 4,4% cam kết trước đó với EU. Như vậy, EC sẽ buộc phải hoặc ủng hộ yêu cầu của Tây Ban Nha về mức cắt giảm thâm hụt ngân sách hoặc phải trừng phạt họ. Xem ra con đường nhất thể hóa châu Âu vẫn còn rất nhiều trở ngại.

Tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu (%)

Nguồn: Eurostat

Tăng trưởng GDP khu vực Eurozone