Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Ai sẽ nhường bước trước?

Theo Hồ Quốc Tuấn-Giảng viên Đại học Bristol, Anh/thesaigontimes.vn

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung quay lại chiếm trang nhất của báo chí toàn cầu sau khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung gặp trục trặc.

Những khác biệt lớn trong quan điểm của hai bên không thể dung hòa trong ngắn hạn. Nguồn: Internet
Những khác biệt lớn trong quan điểm của hai bên không thể dung hòa trong ngắn hạn. Nguồn: Internet

Mặc cho hai bên nỗ lực diễn tả những diễn biến vài ngày trước và sau 10/5/2019 là không phải đàm phán đổ vỡ, một điều rõ ràng có thể nhận ra: những khác biệt lớn trong quan điểm của hai bên không thể dung hòa trong ngắn hạn. Vấn đề mà giới quan sát đang đặt ra là ai sẽ nhường bước trước trong một cuộc chiến thương mại mà không có ai sẽ thật sự có lợi này.

Ai sẽ nhường bước trước?

Trước tiên, hãy xem điểm quan trọng mà hai bên không thể đi đến thỏa thuận được là gì. Phần lớn trong số đó nằm ở việc Trung Quốc hứa hẹn sẽ mua thêm bao nhiêu hàng của Mỹ và về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nếu việc Trung Quốc hứa hẹn mua thêm hàng của Mỹ có không gian để đàm phán, thì dường như vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ là điểm mà hai bên đều không muốn nhượng bộ.

Khi thị trường tài chính đang đi vào giai đoạn mùa hè thanh khoản thấp, những bất định và khác biệt quan điểm về diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thường sẽ tạo ra những cú giảm và tăng rất mạnh.

Độ bất ổn tăng lên ở thị trường Mỹ và Trung Quốc tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư tài chính ở Việt Nam.

Mỹ xem việc Trung Quốc bảo hộ thị trường trong nước trên nhiều lĩnh vực (trong đó có khu vực tài chính, công nghệ), ép buộc công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và không bảo hộ sở hữu trí tuệ là vấn đề lớn. Nhiều nhà phân tích nước ngoài còn nhanh chóng nhấn mạnh lại quan điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ về vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Nó còn là vấn đề chạy đua cạnh tranh về công nghệ giữa hai cường quốc này.

Những cố vấn thương mại và kinh tế của Tổng thống Mỹ D.Trump luôn quan ngại về vấn đề sở hữu trí tuệ của các công nghệ, phát minh của họ khi làm việc với phía Trung Quốc, bao gồm việc bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ muốn Trung Quốc đưa các thỏa thuận về bảo hộ sở hữu trí tuệ, không ép buộc chuyển giao công nghệ vào luật.

Ngược lại, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn duy trì một tham vọng dẫn đầu thế giới về kinh tế và cho thấy mô hình của Trung Quốc là ưu việt hơn so với mô hình dân chủ kiểu phương Tây mà Mỹ cổ xúy. Trong khi đó, năng lực sáng tạo của Trung Quốc vẫn luôn là điểm yếu so với Mỹ, dù nước này đang tỏ ra vượt trội trên năng lực thực thi và đầu tư cho các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.

Trung Quốc muốn duy trì khả năng tiếp cận rẻ nhất và nhanh nhất với những gì mà năng lực sáng tạo của Mỹ có thể tạo ra, nên phía Trung Quốc sẽ không dễ dàng chấp nhận nhượng bộ đáng kể trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Một số nguồn tin do tờ New York Times trích dẫn cho rằng các lãnh đạo của Trung Quốc đã bác bỏ hoàn toàn việc đưa các thỏa thuận về sở hữu trí tuệ vào trong luật, dẫn đến việc Trung Quốc rút lại các cam kết trong đàm phán trước đó.

 

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng được cho là đã bị bất ngờ với phản ứng cứng rắn của ông D. Trump trước việc Trung Quốc trì hoãn và muốn thỏa thuận lại về những vấn đề này (mà người ta có cảm giác ông D.Trump diễn tả trên mạng xã hội như là một sự “trở mặt”).

Người ta tin rằng Trung Quốc cảm thấy có thể kéo dài thời gian đàm phán để hy vọng phía Mỹ sẽ nhượng bộ trước vì bầu cử Mỹ đang đến gần và ông D.Trump cùng đồng minh cần một nền kinh tế phát triển tốt để hậu thuẫn cho chiến dịch tranh cử.

Trái lại, kinh tế Mỹ đang phát triển thuận lợi, với mức tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp khá ấn tượng đây (tăng trưởng 3,2% và thất nghiệp 3,6%). Một số nhà phân tích tài chính ở Phố Wall tin rằng số liệu tăng trưởng và thất nghiệp trong quí 1 này đã củng cố niềm tin cho ông D.Trump và các cố vấn là họ còn dư địa để kéo dài thương lượng với Trung Quốc.

Ở phía ngược lại, Trung Quốc quả thật đã bị tác động xấu của tiến trình giảm nợ và lành mạnh hóa thị trường tín dụng, dẫn đến kinh tế đi xuống và vỡ nợ tăng lên.

Bloomberg thống kê con số vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc đã lên đến 39.200 tỉ nhân dân tệ (5,8 tỉ đô la Mỹ) trong quí 1-2019, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, dưới một khía cạnh khác, một số chuyên gia tài chính ở Trung Quốc nhận định rằng vì những nỗ lực giảm nợ đó, tuy là đau đớn, nền kinh tế Trung Quốc đã lành mạnh hơn và các gói kích cầu kinh tế đang bắt đầu phát huy hiệu quả ổn định nền kinh tế. Sự ổn định trở lại của nền kinh tế, tuy vẫn tăng trưởng chậm hơn, là cốt lõi để Bắc Kinh tiếp tục chiến lược đàm phán với Mỹ.

Trung Quốc vẫn còn trong tay vũ khí hạ lãi suất và mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa sử dụng. Tác hại của việc vận dụng công cụ này có thể khiến đồng nhân dân tệ mất giá mạnh hơn và Trung Quốc bị hạ bậc tín nhiệm. Tuy nhiên, về cơ bản, Trung Quốc có đủ vũ khí kinh tế để tiếp tục kéo dài đàm phán hơn là một số người tưởng.

Những kịch bản hệ quả đa chiều

Nói vậy để thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đơn giản là vấn đề thương mại, nó còn có thể tác động đến nhiều mặt khác như tỷ giá, rủi ro vỡ nợ trái phiếu và tất nhiên những thứ đó cũng có thể kéo thị trường chứng khoán giảm giá.

Trang tin Market Watch vừa trích dẫn một ước tính của Oxford Economics, một công ty nghiên cứu kinh tế, trong tình huống xấu nhất mà họ cho rằng có thể xảy ra trong năm nay: Mỹ sẽ áp thuế 35% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và thuế suất 25% lên ô tô nhập khẩu trên toàn cầu (Mỹ vẫn đang duy trì một cuộc chiến thương mại khác với EU về ô tô), và áp thêm 10% thuế lên tất cả hàng hóa khác nhập từ EU, Đài Loan và Nhật Bản, và tất cả nước này sẽ đáp trả.

Trong tình huống đó, Oxford Economics ước tính tổn hại cho kinh tế Mỹ là 2,1% GDP trong năm 2020, và đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái ngay trong năm nay. Kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ tổn thất 2,5% trong khi EU và Nhật sẽ tổn thất 1,5% GDP và GDP toàn cầu sẽ giảm 1,7%.

Tăng trưởng giảm một nửa thì lấy tiền đâu mà trả lãi vay, một bạn học cũ của người viết đang làm việc tại một quỹ đầu tư ở London nhận xét như vậy khi chia sẻ ước tính này cho người viết. Theo bạn của người viết, nếu kịch bản này là thật, đây sẽ là cú đấm làm sụp đổ thị trường nợ cho vay đầy rủi ro và bong bóng đang được bơm lên từ mấy năm nay trên khía cạnh toàn cầu, và nơi bắt đầu sụp đổ có thể lại không phải Mỹ hay Trung Quốc mà là châu Âu, một đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Những con số này xem ra chả có mấy ý nghĩa với người đọc, hay có vẻ nhỏ, nhưng nên nhớ rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ được xem là tốt khi chỉ ở mức 3%, còn tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng chỉ xung quanh mức 3,5%. Mất đi 2,1% hay 1,7% là hơn một nửa tăng trưởng GDP của Mỹ năm nay và khoảng một nửa tăng trưởng GDP toàn cầu.

Nói vậy để thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đơn giản là vấn đề thương mại, nó còn có thể tác động đến nhiều mặt khác như tỷ giá, rủi ro vỡ nợ trái phiếu và tất nhiên những thứ đó cũng có thể kéo thị trường chứng khoán giảm giá.

Tuy nhiên, nhận định của Oxford Economics được trích dẫn chỉ là kịch bản tệ nhất mà thôi. Và những con số họ đưa ra chỉ có tính tham khảo với những giả định cụ thể trong hàng trăm khả năng khác. Vấn đề là không ai biết được điều gì sẽ xảy ra, và không ai biết được chính xác câu trả lời cho câu hỏi “ai sẽ nhường bước trước” sẽ dẫn đến những phán đoán khác nhau giữa các chủ thể tham gia kinh doanh và trên thị trường tài chính.

Khi thị trường tài chính đang đi vào giai đoạn mùa hè thanh khoản thấp, những bất định và khác biệt quan điểm như vậy thường sẽ tạo ra những cú giảm và tăng rất mạnh, hay nói khác đi là độ bất ổn tăng lên. Độ bất ổn tăng lên ở thị trường Mỹ và Trung Quốc tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư tài chính ở Việt Nam.