Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: “Mỹ trừng phạt đứa con trai vì lỗi lầm của đứa con gái”

Theo Bích Trâm/doanhnhansaigon.vn

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, cách Mỹ đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gây tổn thương cho chính người tiêu dùng Mỹ. Chẳng khác nào chừng phạt đứa con trai vì điều mà đứa con gái đã làm.

Mỹ đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gây tổn thương cho chính người tiêu dùng Mỹ. Nguồn: internet
Mỹ đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gây tổn thương cho chính người tiêu dùng Mỹ. Nguồn: internet

Đó là nhận định của Rick Helfenbein - Chủ tịch kiêm CEO Hiệp hội dệt may và da giày Mỹ - khi nói về hàng rào thuế quan Mỹ đặt ra cho hàng nhập khẩu Trung Quốc, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra.

Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc dẫn đến việc người tiêu dùng Mỹ phải trả mức giá cao hơn để mua hàng. Không chỉ người tiêu dùng, mà cả ngành may mặc và giày dép Mỹ cũng phải gánh chịu hậu quả. “Tình trạng thuế quan hiện nay cũng khiến chúng tôi phải đối diện với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Nó tác động lớn đến chuỗi cung ứng, từ đó gây thiệt hại nặng nề cho công việc kinh doanh”, ông nêu khó khăn cụ thể của các doanh nghiệp ngành này.

Quan điểm của ông Helfenbein được nêu lên trong bối cảnh 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang liên tục đánh thuế trả đũa lên hàng hóa của nhau. Ngày 22/3/2018, Mỹ áp thuế nhập khẩu với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 60 tỷ USD. Ngày 4/4, Trung Quốc áp thuế 25% lên hàng hóa Mỹ trị giá 50 tỷ USD. Ngày 15/6, Mỹ tiếp tục áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng Trung Quốc. Không nhượng bộ, ngày 6/7, Trung Quốc lại áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Cũng trong ngày 6/7, Mỹ tiến hành thu thuế 25% với 34 tỷ USD hàng Trung Quốc. Gói gần đây mà Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc là 16 tỷ USD với thuế suất tương tự có hiệu lực từ ngày 23/8.

“Viễn cảnh sắp tới rất đơn giản: Giá cả sẽ tăng lên, doanh thu sẽ sụt giảm, việc làm sẽ mất đi. Điều này sẽ gây một tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, ông Helfenbein nói với CNBC.

Ngành dệt may và da giày Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn với tình hình thuế quan hiện tại. Ông Helfenbein nêu số liệu thực tế: 41% hàng dệt may, 72% giày dép và 84% nguyên phụ liệu nhập khẩu vào Mỹ đều đến từ Trung Quốc. Ngành này có sự hạn chế nhất định về nguồn hàng hóa vì hầu hết các sản phẩm trên đều đến từ các quốc gia: Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia.

Mặc dù hiện tại ngành bán lẻ Mỹ đang phát triển tích cực nhưng chính những hàng rào thuế quan mới sẽ gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng trong 6 đến 9 tháng tới, Chủ tịch Hiệp hội dệt may và da giày Mỹ dự báo. Ông ví von tình cảnh hiện nay giống như người Mỹ “đang chứng kiến cảnh con tàu Titanic chuẩn bị rời cảng”.

Nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đánh thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc như kế hoạch từng được đề cập thì đây sẽ là một cú đánh mạnh tiếp theo giáng vào ngành công nghiệp may mặc và giày dép của xứ cờ hoa, ông Helfenbein lo ngại. “Thực tế đúng là nước Mỹ đang gặp vấn đề, nhưng dựng lên hàng rào thuế quan để giải quyết vấn đề thì quả là điên rồ. Cách làm này giống như bạn đang trừng phạt đứa con trai vì điều gì đó mà đứa con gái bạn đã làm. Cực kỳ không hợp lý!", ông khẳng định.

Trung Quốc và Mỹ đã thực hiện vài cuộc đàm phán kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, nhằm tìm ra điểm chung về vấn đề thương mại, khi đương kim Tổng thống Mỹ muốn giảm mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.

Tuần rồi, các quan chức Trung Quốc do Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu đã có cuộc hội đàm với các quan chức Mỹ vào ngày 22 – 23/8 tại Washington. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một thông báo trên website rằng, đôi bên đã có một “cuộc trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng” và không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào về cuộc trao đổi, nhưng có nói rằng 2 bên sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.