Cho vay ngang hàng tại Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2019

Sự thành công của nền tảng công nghệ cao đã tạo ra một dịch vụ tài chính mới có thể khắc phục một số hạn chế của cho vay truyền thống, mở ra cơ hội vay vốn cho những chủ thể chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của các ngân hàng thương mại, đó là cho vay ngang hàng. Bắt đầu ở các nước phát triển như Anh, Mỹ đến Trung Quốc từ khá sớm cho vay ngang hàng đã xuất hiện ở Việt Nam từ 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn, cho vay ngang hàng cũng có không ít rủi ro. Để hoạt động cho vay ngang hàng phát triển hiệu quả, phát huy được những mặt tích cực, Việt Nam cần học học kinh nghiệm từ các nước đi trước, đặc biệt là từ những ưu, nhược điểm của mô hình này tại Trung Quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng quan về cho vay ngang hàng

Mô hình cho vay ngang hàng ra đời vào năm 2005 tại Anh và trở nên phổ biến nhanh chóng trên toàn cầu cùng với thời đại công nghệ số. Có nhiều khái niệm về cho vay ngang hàng nhưng tựu chung lại, cho vay ngang hàng là phương pháp tài trợ nợ cho phép các cá nhân vay và cho vay mà không cần sử dụng một một tổ chức tài chính chính thức làm trung gian. Cho vay ngang hàng còn được gọi là cho vay xã hội hoặc đám đông. Hay hiểu một cách đơn giản, cho vay ngang hàng là mô hình kinh doanh sử dụng nền tảng online kết nối giữa những nhà đầu tư (có tiền nhàn rỗi) đến người cần vay.

Hệ thống cho vay ngang hàng cung cấp quyền truy cập tín dụng cho những người sẽ bị từ chối bởi các tổ chức tín dụng thông thường hoặc để củng cố nợ vay của sinh viên với lãi suất ưu đãi hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trang web cho vay ngang hàng đã mở rộng phạm vi của họ như cho vay sửa chữa nhà hay tài trợ tự động.

Với cho vay ngang hàng, tỷ lệ lãi suất cho khách hàng có tín dụng tốt thường thấp hơn so với lãi suất ngân hàng tương đương. Điển hình như, tổ chức cho vay ngang hàng LendingTree.com đưa ra tỷ lệ từ 6,95% đến 35,80% vào cuối tháng 4/2019; Lãi suất thẻ tín dụng trung bình là 17,67% kể từ ngày 27/3/2019.

Ưu, nhược điểm của cho vay ngang hàng

Hiện nay, tại Việt Nam một số tập đoàn lớn và các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao bắt đầu đẩy mạnh tham gia vào thị trường cho vay ngang hàng. Vậy mô hình cho vay ngang hàng có những lợi thế và hạn chế như thế nào?

Ưu điểm

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ở châu Á phát triển mô hình cho vay ngang hàng từ năm 2007. Đến năm 2011, cho vay ngang hàng ở Trung Quốc bùng nổ, phát triển vượt bậc trên mọi khía cạnh, từ số lượng nhà đầu tư, đến nền tảng cho vay và lợi nhuận kinh doanh. Tính đến cuối năm 2017, có hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ được cho vay từ các tổ chức cho vay ngang hàng.

- Mô hình cho vay ngang hàng đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Người đi vay thì được vay với lãi suất tuy cao hơn lãi suất ngân hàng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với vay từ tín dụng đen hay các công ty tài chính. Người cho vay thì được hưởng lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Đơn vị cung cấp với nền tảng cho vay ngang hàng thì được hưởng phí từ cả hai bên đi vay và cho vay.

- Cho vay ngang hàng giúp người có nhu cầu vay tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua tổ chức tài chính trung gian. Phương thức này hoàn toàn khác với mô hình vay truyền thống bằng việc kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới cùng hệ thống công nghệ tài chính tiên tiến.

- Cho vay ngang hàng giúp cho các cá nhân và tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, không có tài sản bảo đảm thế chấp có thể tiếp cận tài chính một cách dễ dàng, góp phần quan trọng giúp các quốc gia trong nổ lực phát triển tài chính toàn diện.

- Thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng, chỉ sau 30 phút là khách hàng có thể vay với số tiền linh hoạt từ  một vài triệu đến vài chục triệu.

- Chi phí hoạt động của nền tảng cho vay ngang hàng thấp do các giao dịch đều được thực hiện trực tuyến một cách nhanh chóng với bộ máy quản lý gọn nhẹ, ít tốn kém.

- Sự xuất hiện của cho vay ngang hàng sẽ góp phần hạn chế được hoạt động tín dụng đen.

Nhược điểm

Bên cạnh những lợi ích, mô hình cho vay ngang hàng cũng có một số hạn chế nhất định như:

- Một số công ty cung ứng dịch vụ đã lợi dụng công nghệ số đưa ra những quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia.

- Hoạt động cho vay ngang hàng được thực hiện tự động hoá nhờ công nghệ hiện đại và dựa vào niềm tin, do đó thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật, hệ thống lưu trữ thông tin có thể bị mất quyền kiểm soát do bị đánh sập bởi các tin tặc.

- Mặc dù cho vay ngang hàng đã hình thành và phát triển trên thế giới hơn 10 năm và xuất hiện ở Việt Nam hơn 2 năm nhưng vẫn chưa có một khung pháp lý chuẩn để quản lý hoạt động này dẫn đến rủi ro cho các bên tham gia như: Đối với người đi vay khi không có pháp luật bảo vệ có thể bị các công ty cho vay ngang hàng chào mới với lãi suất cho vay thấp nhưng lại kèm theo nhiều hình thức phạt làm tăng chi phí cho người vay rất lớn. Đối với người cho vay, họ có thể mất toàn bộ số tiền cho vay nếu người vay không hoặc mất khả năng chi trả vì cho vay ngang hàng không thuộc phạm vi bảo lãnh của Quỹ bảo hiểm tiền gửi của Nhà nước.

- Các bên tham gia hoạt động cho vay ngang hàng không có sự ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm và nghĩa vụ với nhau, do đó dễ xảy ra tranh chấp.

- Hoạt động cho vay ngang hàng chưa được quản lý giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước dễ dẫn đến nhiều biến tướng như lừa đảo, cho vay với lãi suất cao như hoạt động tín dụng đen…. gây ra nhiều hệ luỵ kinh tế và xã hội khó lường.

Kinh nghiệm từ mô hình cho vay ngang hàng tại Trung Quốc

Trung Quốc được biết đến là quốc gia đầu tiên ở châu Á phát triển mô hình cho vay ngang hàng vào năm 2007. Đến năm 2011, cho vay ngang hàng bắt đầu bùng nổ, phát triển vượt bậc trên mọi khía cạnh, từ số lượng nhà đầu tư, đến nền tảng cho vay và lợi nhuận kinh doanh. Các công ty cho vay ngang hàng đã phát triển ồ ạt trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc không thể vay vốn ngân hàng do thiếu một hệ thống đánh giá điểm tín dụng rộng rãi và đầy đủ. Đến năm 2015, sau khi bong bóng thị trường chứng khoán bị vỡ, nền tảng cho vay ngang hàng được xem là kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nên số công ty cho vay ngang hàng ở nước này lên tới con số 3.500. Tính đến cuối năm 2017, có hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ được cho vay từ các tổ chức cho vay ngang hàng. Theo báo cáo của Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc, đến tháng 6/2018 có khoảng 50 triệu người dùng tham gia vào nền tảng cho vay ngân hàng của nước này, với tổng dư nợ lên đến 1.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 192 tỷ USD), lãi suất trung bình của các  khoản vay này là 10,2%. Tỷ lệ lãi suất mặc định được quy định từ mức 0% trên các nền tảng tốt nhất cho đến 35% trên các nền tảng rủi ro nhất.

Tháng 8/2016, Chính phủ Trung Quốc đã quy định các biện pháp tạm thời quản lý hoạt động kinh doanh của các trung gian thông tin cho vay ngang hàng. Tiếp đến tháng 12/2017, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc cùng ban hành một bộ quy trình đăng ký phức tạp nhằm mục đích minh bạch hóa hoạt động cho vay ngang hàng. Chính hoạt động này của Chính phủ đã làm cho các công ty cho vay ngang hàng sụp đổ. Theo Công ty Dữ liệu Wangdaizhijia, số lượng sàn giao dịch cho vay trực tuyến tại Trung quốc vào tháng 1/2009 chỉ còn lại 1.009, giảm 46% so với thời điểm tháng 5/2018. Số nợ không trả qua các hình thức vay cho vay ngang hàng ở nước này hiện lên tới hơn 177 tỷ USD. Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu Yingcan, số lượng nền tảng cho vay trực tuyến tại Trung Quốc còn tồn tại trong năm 2019 có thể sẽ chỉ còn 300. Còn Tập đoàn tài chính Mỹ Citigroup dự đoán chỉ còn khoảng 50 công ty cho vay ngang hàng có thể trụ lại được trong năm 2019. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của các công ty cho ngang hàng tai Trung Quốc?

Mặc dù nền tảng cho vay ngang hàng phát triển rất nhanh tại Trung Quốc nhưng nó cũng nhận sự thất bại nặng nề, hàng loạt công ty cho vay phá sản, chủ các công ty này ôm tiền chạy trốn. Nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này là:

- Chính phủ Trung Quốc đã có cách tiếp cận sai đối với hoạt động này, chỉ xem hoạt động cho vay ngang hàng là “hệ thống trao đổi thông tin khoản vay” do đó đã không ban hành các quy định, hành lang pháp lý để kiểm soát hoạt động này từ khi nó mới bắt đầu hình thành. Điều này làm cho các công ty cho vay ngày càng hoạt động biến tướng dẫn đến các hệ luỵ đã xảy ra.

- Mô hình hoạt động của các công ty cho vay còn nhiều lỗ hổng, chưa thể kiểm soát được hết rủi ro xảy ra. Khi công nghệ thẩm định không đủ tốt, khách hàng vay không chi trả hoặc không có khả năng chi trả làm mất niềm tin từ phía nhà đầu tư, khi đó sẽ không gọi được vốn dẫn đến sụp đỗ.

- Nhiều công ty cho vay lập ra với các mục đích không lành mạnh như gọi vốn để lừa đảo, huy động vốn rồi chạy trốn làm cho nhiều nhà đầu tư hoang man có thể rút tiền ồ ạt gây hệ luỵ cho các công ty làm ăn chân chính.

- Việc không kiểm soát, giám sát được các hacker hoặc chủ Website cũng là một nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của các công ty cho vay.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Sự sụp đổ hàng loạt của các tổ chức cho vay ngang hàng tại Trung Quốc chính là lời cảnh báo cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Để tránh vết xe đổ của Trung Quốc, Việt Nam khi phát triển hoạt động cho vay ngang hàng cần rút ra một số bài học sau:

- Trước khi cho phép các công ty cho vay hoạt động chính thức, Việt Nam cần có khung pháp lý quy định chặt chẽ rõ ràng các hoạt động để kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh các hoạt động biến tướng.

-  Đối với nhà đầu tư, để hạn chế rủi ro trong việc không thu hồi được vốn cho vay, nhà đầu tư cần cẩn thận trong việc lựa chọn các cá nhân, tổ chức có uy tín, mô hình hoạt động minh bạch.

- Hoạt động cho vay ngang hàng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại vì vậy muốn hoạt động này phát triển an toàn, hiệu quả, cần chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, các cơ sở dữ liệu lớn (big data), kiến thức và kỹ năng quản lý rủi ro công nghệ thông tin để có thể kịp thời ngăn chặn các hành vi phá hoại dẫn đến rủi ro xảy ra đối với các công ty cho vay ngang hàng.

Tóm lại, mô hình cho vay ngang hàng là một sáng tạo của nền kinh tế chia sẻ, nó hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vốn phi chính thức, đa dạng hoá kênh đầu tư, tạo điều kiện để những tổ chức cá nhân gặp khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ cho vay truyền thống trong điều kiện nước ta hiện nay. Tuy nhiên, trước khi cấp phép cho các công ty này hoạt động, Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan cần nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế, mô hình và kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm, các quy định chế tài giữa các bên tham gia vào hoạt động này để các bên có sự ràng buộc chặt chẽ khi tham gia để khi rủi ro xảy ra các bên đều chịu trách nhiệm phối hợp cùng nhau giải quyết, đồng thời cần có sự phối kết hợp của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương…  

Tài liệu tham khảo:

1. Minh Khuê, Cho vay ngang hàng: Cần khuôn khổ pháp lý phù hợp, Thời báo Ngân hàng;

2. Cấn Văn Lực và Trung tâm nghiên cứu BIDV, Quản lý cho vay ngang hàng: Kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý cho Việt Nam (2018), www.cafef.vn;

3. Dongyu Chen nad Chaodong Han, A Comparative Study of online P2P Lending in the USA and China, Journal of Internet Banking and Commerce (2012);

4. Shen Wei, Dessigning Optimal Regulation for Financial Innovation in Capital Raising – Regulatory Options for China’s Peer – to – Peer Lending Sector, Banking and Finance Law Review, (2016).