Chủ tịch Fed: “Sẽ có chuỗi các đợt nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong năm 2022”

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Sau khi tuyên bố lạm phát tăng cao chỉ mang tính chuyển giao trong phần lớn năm 2021, Fed chuyển hướng quan điểm liên quan đến lạm phát, dự kiến nâng lãi suất cơ bản đồng USD 3, 4 lần trong năm nay.

Ông Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg
Ông Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, với con đường chắc chắn tiếp tục nắm giữ nhiệm kỳ 2 ở cương vị hiện tại, vào ngày thứ Ba tuyên bố rằng kinh tế Mỹ vốn đủ khỏe và cần đến chính sách tiền tệ thắt chặt.

Trong một phần phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ về ngành ngân hàng, nhà đất và các vấn đề đô thị, ông Powell nói rằng ông kỳ vọng sẽ có nhiều đợt nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong năm nay cùng với việc rút đi các chính sách hỗ trợ ngoại lệ mà Fed đã từng cung cấp cho nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

“Khi chúng ta bước vào năm mới, nếu mọi chuyện đúng như kỳ vọng, chúng ta sẽ bình thường hóa chính sách, như vậy chúng ta sẽ cần phải kết thúc chương trình mua tài sản vào tháng 3/2022, đồng nghĩa chúng ta sẽ nâng lãi suất trong suốt năm. Vào thời gian còn lại của năm, chúng ta sẽ bắt đầu để cho bảng cân đối kế toán thu hẹp dần và đó cũng được coi như con đường bình thường hóa chính sách”, ông nói với các thành viên ủy ban.

Ông đưa ra những tuyên bố trên trong phiên điều trần kéo dài 2 tiếng rưỡi, các thượng nghị sỹ Mỹ đã dành nhiều lời khen cho việc Fed xử lý các chính sách liên quan đến nền kinh tế, đồng thời cũng có những người chỉ trích về nhiều yếu tố chồng chéo đạo đức từ quan chức ngân hàng trung ương. Một số thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa đồng thời cũng lo lắng về việc liệu Fed có “đi quá xa” trong những tuyên bố về ổn định giá cả, việc làm và giám sát ngân hàng.

Dù vậy, nhìn chung, ông Powell đang nhận được sự ủng hộ toàn diện từ Thượng viện Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Sherrod Brown, Thượng nghị sỹ Patrick Toomey đều cho biết họ sẽ ủng hộ việc bình thường hóa chính sách tiền tệ mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra. Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren đã nói đến việc bà sẽ phản đối việc đề cử ông Powell, bà gọi ông Powell là “nhân vật nguy hiểm” trong phiên điều trần vào năm ngoái.

Phần lớn những câu hỏi từ cả hai phía tập trung vào vấn đề lạm phát tại Mỹ hiện đã lên mức cao nhất trong 40 năm. Sau khi tuyên bố việc lạm phát tăng cao chỉ mang tính chuyển giao trong phần lớn năm 2021, Fed đã chuyển hướng quan điểm liên quan đến lạm phát và dự kiến sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD 3 hoặc 4 lần trong năm nay.

Giờ đây, Fed đang rất cần kiểm soát lạm phát bằng việc hãm bớt lại dòng tiền, cung tiền vào nền kinh tế vốn đã tăng nhanh khi mà Fed và Quốc hội Mỹ cùng kết hợp để cung cấp gói kích cầu hơn 10 nghìn tỷ USD.

“Nếu chúng ta chứng kiến lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến, sau đó chúng ta phải tính đến nâng lãi suất. Chúng ta sẽ sử dụng công cụ để giảm lạm phát”, ông Powell nhấn mạnh.

Không chỉ tính nâng lãi suất cơ bản đồng USD, Fed cũng đang tính thu hẹp chương trình mua trái phiếu vốn đã bơm đến 4,5 nghìn tỷ USD vào bảng cân đối kế toán tính từ những ngày đầu đại dịch COVID-19. Các quan chức tiền tệ Mỹ đã nói đến việc họ sẽ bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán trong năm nay bằng cách giảm dần quy mô hàng tháng, còn Fed cũng có thể bán tài sản ngay lập tức.

Ông Powell nói rằng các động thái chính sách được đưa ra nhằm ứng phó với một nền kinh tế giờ đây đã vững vàng về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tháng 12/2021 ước tính ở mức 3,9%, lạm phát tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

“Cái mà chúng ta thực sự được biết chính là nền kinh tế không còn cần đến các chính sách điều chỉnh mà chúng ta từng áp dụng để ứng phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả của nó. Chúng ta sẽ giành thời gian còn lại của năm để bình thường hóa chính sách, tuy nhiên để nói đến sự bình thường thực sự trước đây sẽ còn rất lâu”, ông Powell khẳng định.

Ông Powell cũng đối diện với một số câu hỏi liên quan đến việc tại sao Fed lại có những nhận định chưa chuẩn về lạm phát, thêm một lần nữa, ông bị hỏi về những vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19 vốn đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng đến cung hàng hóa và đẩy tăng giá tiêu dùng đe dọa gây tổn hại đến quá trình phục hồi kinh tế.