Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung: Khác biệt quan điểm!

Theo Cẩm Anh/enternews.vn

Vừa qua, Chủ tịch tập đoàn Alibaba cho rằng, Mỹ và Trung Quốc cần phải phối hợp cùng nhau về công nghệ để thế giới được hưởng lợi từ kỷ nguyên số.

Công nghệ 5G chỉ là chương đầu tiên trong cuộc chiến dài hơi giữa Mỹ và Trung Quốc
Công nghệ 5G chỉ là chương đầu tiên trong cuộc chiến dài hơi giữa Mỹ và Trung Quốc

Jack Ma cho rằng, nếu Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác với nhau về công nghệ, chúng ta có thể bước vào kỷ nguyên số cùng nhau. "Cuộc cách mạng công nghệ sắp tới là xu hướng khó tránh khỏi và ở thời điểm quan trọng của lịch sử này, điều chúng ta cần làm là đối mặt các thách thức với những cái bắt tay", ông chủ Alibaba cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều này sẽ khó có thể xảy ra. Mặc dù viễn thông di động luôn là chủ đề cạnh tranh kinh tế với các quốc gia trên toàn cầu, nhưng Mỹ và Trung Quốc có quan điểm hơi khác về kỷ nguyên công nghệ 5G. Các nhà lãnh đạo ở cả hai nước xem sự cạnh tranh trên 5G không chỉ về mặt thương mại, mà còn là vấn đề cạnh tranh địa chính trị.

Với Mỹ, 5G là vấn đề an ninh quốc gia. Chính phủ Mỹ lo sợ các thiết bị cơ sở hạ tầng của Huawei có thể tạo điều kiện cho các hoạt động gián điệp chính trị hoặc gián điệp công nghệ. Vụ kiện chống lại gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc của Bộ Tư pháp Mỹ vừa qua cho thấy rõ rằng các quan chức Mỹ tin rằng thành công của Huawei một phần là do chính sách gián điệp và đánh cắp IP của công ty.

Thậm chí, các cơ quan tình báo cảnh báo rằng, chính phủ Trung Quốc có thể lôi kéo Huawei xâm nhập và phá vỡ hệ thống mạng kết nối các quốc gia phương Tây, đặc biệt trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột lớn, gây ra những hậu quả tiêu cực.

Về mặt kinh tế, mối quan tâm cốt lõi của người Mỹ là mong muốn bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh, và đặc biệt là tránh phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc và công nghệ Trung Quốc. 

Huawei là một công ty có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc và được cho là nhận được nhiều ưu đãi, bao gồm hỗ trợ tài chính, chính trị và ngoại giao từ chính phủ. Sự đối xử ưu đãi này có khả năng đe dọa các nhà cung cấp khác trong nền kinh tế thị trường đầy tính cạnh tranh. Quan trọng nhất, công nghệ mạng truy cập vô tuyến, rất cần thiết cho việc triển khai 5G, hiện chỉ được cung cấp bởi ba nhà cung cấp ở cấp độ toàn cầu, đó là Huawei, Ericsson và Nokia.

Cuối cùng, Mỹ coi sự cạnh tranh về cơ sở hạ tầng 5G là một phần của cuộc đối đầu mang tính hệ thống. Theo quan điểm này, thế giới dân chủ tự do phải tự bảo vệ mình trước tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Và Huawei được coi là một phần trong tham vọng của Trung Quốc.

Mặc dù chưa có chứng cứ nào được công bố, nhưng tập đoàn này từ lâu đã bị nghi ngờ có liên kết chặt chẽ với cộng đồng tình báo Trung Quốc và quân đội Trung Quốc. Hơn nữa, Huawei có vai trò quan trọng trong việc thiết lập hệ thống giám sát toàn diện trong nước tại Trung Quốc. 

Tuy nhiên, không chỉ Mỹ nhận thức được vai trò của 5G thông qua lăng kính địa chính trị. Về phần mình, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được sự kiểm soát thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ trên vùng đất Á-Âu và hơn thế nữa.

Bên cạnh việc cố gắng lan rộng tầm ảnh hưởng đến các nước thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường", thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập và 28 hợp đồng xây dựng sở hữu cơ sở hạ tầng 5G cho các quốc gia châu Âu, điều này có thể tạo thành một "gọng kìm" giúp Trung Quốc giành quyền kiểm soát các luồng hàng hóa, dịch vụ và - quan trọng nhất là dữ liệu.

Mặc dù Trung Quốc không công khai tuyên bố nền tảng địa chính trị của sáng kiến này, các chiến lược gia nghiên cứu về Trung Quốc đều nhận thức rõ ràng về điều này. 

Trước những cân nhắc về địa chính trị của Mỹ và Trung Quốc, công nghệ 5G sẽ chỉ là chương đầu tiên trong cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt giữa hai đối thủ. Cả hai đều nhắm đến việc thiết lập, bảo vệ hoặc mở rộng phạm vi ảnh hưởng bằng cách kiểm soát luồng dữ liệu thông qua công nghệ.