Cuộc "đua" tăng lãi suất trên toàn cầu

Theo Huyền Diệu/kinhtemoitruong.vn

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng các mức lãi suất chủ chốt của đồng Euro thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây là mức tăng chưa từng có kể từ khi đồng Euro chính thức được đưa vào lưu hành, ở khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ở mức cao.

Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế trên toàn cầu đã đẩy mạnh tăng lãi suất nhằm chống lại tốc độ lạm phát đang cao nhất nhiều thập kỷ. (Ảnh minh họa)
Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế trên toàn cầu đã đẩy mạnh tăng lãi suất nhằm chống lại tốc độ lạm phát đang cao nhất nhiều thập kỷ. (Ảnh minh họa)

Tăng lãi suất với mức mạnh nhất trong lịch sử

Tiếp nối các bước đi của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Canada, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định tăng lãi suất ở mức cao kỷ lục: 75 điểm cơ bản trong một lần tăng, đối với cả 3 loại lãi suất chính.

Cụ thể, hôm 8/9, kết thúc cuộc họp chính sách, ECB đã nâng các mức lãi suất chủ chốt của đồng Euro thêm 0,75 điểm phần trăm. Đây là mức tăng chưa từng có kể từ khi đồng Euro chính thức được đưa vào lưu hành, trong bối cảnh lạm phát ở khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ở mức cao kỷ lục. Trong phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde cũng đã tái khẳng định quyết tâm kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nhắc lại tình hình lạm phát hiện nay là nguyên nhân cho bước đi chưa từng có tiền lệ của ECB.

Tăng lãi suất với mức mạnh nhất trong lịch sử: "Chúng tôi nhất trí ra quyết định ngày hôm nay và có thể tiếp tục nâng lãi suất hơn nữa bởi lạm phát đang ở mức quá cao và kéo dài. Lạm phát giá thực phẩm đã đạt 10,6% trong tháng 8 do ảnh hưởng từ giá năng lượng và các gián đoạn thương mại".

Dù khẳng định quyết định này là cần thiết, nhưng bà Lagarde cũng cho biết ECB sẽ cân nhắc cẩn trọng động thái trong các cuộc họp tiếp theo.

"Chúng tôi không nói rằng 75 điểm cơ bản sẽ là mức tăng thường xuyên. Chúng tôi sẽ đánh giá các dữ liệu trên từng cuộc họp, đưa ra thay đổi cần thiết để đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu trong trung hạn", bà Christine Lagarde cho biết.

Fed tiếp tục cam kết nâng lãi suất

Động thái của ECB đáng chú ý trong làn sóng nâng lãi suất mạnh của các ngân hàng Trung ương lớn trong vòng gần 2 tháng trở lại đây. Chỉ 1 ngày trước, Ngân hàng Trung ương Canada cũng đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Hồi đầu tháng là mức tăng 0,5 điểm phần trăm của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).

Đặc biệt, trong số các ngân hàng Trung ương lớn là Fed, khi cơ quan này đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm hai lần liên tiếp. Trong phát biểu mới đây nhất, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã gây "sóng gió" cho thị trường, khi ông cho biết cơ quan này sẽ chưa chậm lại đà tăng của mình.

Theo Chủ tịch Jerome Powell cho biết: "Fed chịu trách nhiệm chính cho việc ổn định giá cả, mà hiện nay là giữ lạm phát ở mức 2%. Lạm phát cao càng lâu sẽ càng nhiều rủi ro và lịch sử cũng không ủng hộ nới lỏng tiền tệ trở lại quá sớm. Tôi và các đồng nghiệp hoàn toàn cam kết với mục tiêu này cho tới khi nó được hoàn thành, bất kể áp lực từ bên ngoài như thế nào".

Sách Xám mới công bố của Mỹ cũng cho thấy tình hình kinh tế Mỹ đang "ủng hộ" Fed tiếp tục tăng lãi suất mạnh trong thời gian tới.

Hiện theo đánh giá của thị trường thì có tới hơn 70% khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất với mức mạnh nhất trong lịch sử: 75 điểm cơ bản nhằm khống chế ngọn lửa lạm phát đang bùng lên kỷ lục ở khu vực Eurozone. Với cú tăng mạnh này, lãi suất tái cấp vốn được nâng lên mức 1,25%/năm. Lãi suất tiền gửi qua đêm tăng từ 0% lên 0,75%.